CTTĐT - Năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 9 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới; 5 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 60% số thôn, bản thuộc xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân chung của một xã đạt 17,07 tiêu chí/xã.
Xã Đại Đồng (Yên Bình) đón bằng công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu
Năm 2025, tỉnh đề ra mục tiêu tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Tập trung giải quyết ba vấn đề để tạo sự đột phá của chương trình: Giảm khoảng cách chênh lệch kết quả xây dựng NTM giữa các địa phương; đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Theo đó, phấn đấu toàn tỉnh có thêm 9 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế hết năm 2025 có 122/146 xã đạt chuẩn nông thôn mới); 5 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (lũy kế hết năm 2025 có 44 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao); 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (lũy kế hết năm 2025 có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu). Huyện Trấn Yên hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. 60% số thôn, bản thuộc xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân chung của một xã đạt 17,07 tiêu chí/xã.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm chính trị của các cấp ủy, chính quyền địa phương và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện Chương trình; đưa kết quả thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào tiêu chuẩn đánh giá thi đua, khen thưởng hàng năm của cá nhân, tập thể.
Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, nhất là cư dân ở nông thôn; Tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng đồng lòng xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp, văn minh, giàu bản sắc văn hóa tốt đẹp, vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới được phát huy ở mức cao nhất dựa trên nguyên tắc “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; từ đó, có tác dụng thúc đẩy, khích lệ phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện Chương trình; hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong năm 2025 đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.
Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế; chỉ đạo các địa phương chủ động nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện các nội dung của Chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững; rà soát, bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh các văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh; các địa phương chủ động cân đối dành một phần nguồn lực từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho Chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện lồng ghép nguồn vốn của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác để hỗ trợ các địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách cho các xã đặc biệt khó khăn góp phần thu hẹp khoảng cách trong xây dựng nông thôn mới giữa các vùng; thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới cấp huyện, cấp xã, cấp thôn. Cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, tạo mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực thực hiện Chương trình (bao gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác); tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới.
18 lượt xem
Ban Biên tập