Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Kinh tế

Hưng Khánh tập trung nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất góp phần xây dựng NTM kiểu mẫu nổi trội về sản xuất

11/06/2025 08:43:16 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Với sự nỗ lực không ngừng của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Hưng Khánh (Trấn Yên) đã được công nhận là xã NTM kiểu mẫu nổi trội về sản xuất theo Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 31/12/2024 của UBND tỉnh.

Đến nay, xã đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa và sản phẩm chủ lực có giá trị, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cao trên thị trường

Với mục tiêu nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã NTM nổi trội về sản xuất, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xã Hưng Khánh đã tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 69/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp giai đoạn 2021- 2025. Quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh tập trung phù hợp với điều kiện sản xuất và tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Cùng với đó, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao; đồng thời phát triển mở rộng quy mô diện tích cây trồng, vật nuôi có giá trị và hiệu quả phù hợp với điều kiện sản xuất để nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất, tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa với khối lượng sản phẩm lớn.

Ông Trần Văn Tam, Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh cho biết: Đến nay, xã đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa và sản phẩm chủ lực có giá trị, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cao trên thị trường như: Vùng trồng và chế biến chè trên 117 ha, trong đó diện tích chè kinh doanh 87,4 ha, sản lượng 770 tấn; vùng trồng và chế biến măng Bát Độ trên 400 ha, trong đó diện tích tre măng kinh doanh 200 ha, sản lượng măng tre thương phẩm 1.000 tấn/năm, quế 753 ha sản lượng vỏ quế khô 190 tấn... Năm 2020, thành lập Hợp tác xã (HTX) chè Khe Năm; năm 2021, thành lập HTX măng Bát Độ, thực hiện chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm; năm 2023, thành lập HTX Quế Hưng Khánh.

Trong phát triển chăn nuôi, xã đã vận động nhân dân chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa quy mô tập trung đảm bảo an toàn dịch bệnh. Công tác thú y kiểm dịch được tăng cường, phát hiện và phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm kịp thời. Đến nay, toàn xã có 11 cơ sở chăn nuôi hàng hóa, trong đó chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 10 con/cơ sở trở lên 6 cơ sở.

Xã cũng xác định phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là trọng tâm trong phát triển kinh tế, động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, Hưng Khánh luôn tạo điều kiện cho các hộ dân trên địa bàn đầu tư phát triển các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu của địa phương. Đến nay, xã đã có 6 doanh nghiệp, 7 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, 8 HTX.

Trên địa bàn xã có 2 mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao là mô hình chế biến chè của HTX chè Khe Năm và mô hình chế biến măng tre Bát Độ của Công ty TNHH Yazamaki Việt Nam. Các mô hình kinh tế có quy mô phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế của địa phương gắn với các cây trồng chủ lực và đầu tư sản xuất để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cụ thể, đối với mô hình chế biến măng tre Bát Độ của Công ty TNHH Yazamaki Việt Nam có vùng nguyên liệu măng tre Bát Độ trên 2.000 ha; phương thức thu mua sản phẩm thông qua hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị từ các tổ hợp tác, HTX măng tre Bát Độ của các xã: Hưng Khánh, Hồng Ca, Lương Thịnh, Hưng Thịnh (huyện Trấn Yên) và nông trường Trần Phú (huyện Văn Chấn)… với 14 điểm thu mua. Từ năm 2021 đến nay, Công ty đã chế biến và xuất khẩu trên 1.000 tấn sản phẩm với doanh thu trên 50 tỷ đồng. Thu nhập bình quân lao động trên 6 triệu đồng/tháng.

Trong thời gian tới, Công ty tiếp tục xây dựng thêm xưởng chế biến măng công suất 2.500 tấn măng tươi, nâng công xuất chế biến lên 5000 tấn nguyên liệu/năm. Tiếp tục nâng cao chất lượng và tăng trưởng sản phẩm măng muối xuất khẩu lên 600 tấn sản phẩm, chế biến sản phẩm măng khô xuất khẩu 50 tấn sản phẩm; giải quyết việc làm ổn định cho 100 lao động với thu nhập trung bình trên 6 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, xã Hưng Khánh cũng duy trì hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định của 8 HTX là: HTX chè Khe Năm; HTX măng tre Bát Độ Hưng Khánh; HTX Thanh Long ruột đỏ Hưng Khánh; HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Hưng Khánh; HTX dịch vụ tổng hợp Hưng Khánh; HTX quế Hưng Khánh. Các HTX có hợp đồng liên kết với các thành viên về việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ, thu hút 1.875 thành viên tham gia. Tỷ lệ hộ dân tham gia hoạt động của các HTX đạt tỉ lệ 62,4%.

Trong đó, HTX chè Khe Năm có quy mô sản xuất hàng hóa tập trung lớn với 40 tấn chè khô chất lượng cao/năm, HTX có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao. HTX măng tre Bát Độ Hưng Khánh có vùng nguyên liệu trên 400 ha, sản lượng măng thương phẩm 1.000 tấn/năm và có 1 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Các mô hình kinh tế này có quy mô phù hợp đặc điểm phát triển kinh tế của địa phương gắn với các cây trồng chủ lực và đầu tư sản xuất để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, các mô hình thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm.

Với những nỗ lực, quyết tâm, chung sức của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, Hưng Khánh đã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu nổi trội về sản xuất và là xã tiêu biểu, điển hình của  huyện Trấn Yên trong xây dựng NTM kiểu mẫu.

20 lượt xem