CTTĐT - Cây quế đang là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của người dân huyện Trấn Yên nói chung và xã Hòa Cuông, Minh Quán nói riêng. Để nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững diện tích quế, Hợp tác xã Quế Khánh Thành xã Hòa Cuông đang triển khai mô hình quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị.
Sản phẩm quế điếu thuốc đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của HTX Quế Khánh Thành
Huyện Trấn Yên đang duy trì vùng sản xuất quế trên 20.000 ha trong đó, trên 12.000 ha diện tích tập trung chuyên canh theo hướng hữu cơ; 4.433 ha diện tích đạt tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn trong nước năm 2024. Vùng sản xuất quế tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Đồng, Đào Thịnh, Việt Thành, Hòa Cuông, Minh Quán và Kiên Thành.
Cây quế được đồng bào các dân tộc xã Hòa Cuông đưa vào trồng trên địa bàn cách đây 40 năm ở hầu khắp các thôn trong xã. Với người dân Hòa Cuông, cây quế có giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây lâm nghiệp khác như keo, bồ đề. Đặc biệt, cây quế sống được trên các diện tích đất bạc màu, đất xói mòn và phù hợp với khí hậu nơi đây, nên đã trở thành cây chủ lực để giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương. Bà Trường Thị Mỷ - thôn 2 xã Hòa Cuông chia sẻ: “Từ ngày trồng cây quế, đời sống của người dân chúng tôi khấm khá hơn, nhất là những năm gần đây giá quế ổn định giúp chúng tôi yên tâm tiếp tục đầu tư cho cây quế. Nhiều gia đình xây được nhà, mua được xe ô tô cũng từ cây quế và đối với thôn 2 chúng tôi, nguồn thu nhập chính là cây quế”.
Là địa phương có diện tích trồng quế lớn của huyện Trấn Yên, hiện xã Minh Quán có trên 1.000 ha quế. Tuy nhiên, việc trồng, chăm sóc quế của bà con chưa có sự liên kết, vì thế giá trị các sản phẩm quế đạt thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định. Để phát triển bền vững, năm 2024-2025 Hợp tác xã Quế Khánh Thành xã Hòa Cuông phối hợp Công ty TNHH xuất nhập khẩu HG SPICES triển khai Dự án Phát triển sản xuất quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị, với trên 851 hộ ở 12 thôn tại xã Hòa Cuông, Minh Quán tham gia, với diện tích gần 1.600 ha quế. Ông Mai Anh Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quán cho rằng: “Chúng tôi tuyên truyền cho người trồng quế áp dụng trồng quế hữu cơ theo chuỗi liên kết. Khi tham gia vào chuỗi liên kết của HTX Quế Khánh Thành thì thực hiện đúng quy trình từ khâu trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch. Việc này vừa góp phần bao tiêu sản phẩm, nâng cao giá trị cho người dân, đồng thời tạo vùng nguyên liệu ổn định cho HTX sản xuất. Chúng tôi phấn đấu sẽ có 800 ha quế hữu cơ”.

Ông Vũ Đình Trọng ở thôn 2 xã Hòa Cuông chăm sóc diện tích quế của gia đình
Là một thành viên tham gia Tổ Hợp tác Quế Hữu cơ xã Hòa Cuông, hiện gia đình ông Vũ Đình Trọng ở thôn 2 xã Hòa Cuông đăng ký 3 ha quế hữu cơ, đây là những diện tích quế từ 4-7 năm tuổi. Ông Trọng cho biết: “Trước đây gia đình ông và các hộ trong thôn thường phun thuốc trừ cỏ để giảm tiền thuê nhân công, phun thuốc trừ sâu để bảo vệ diện tích tích quế của minh không bị sâu bệnh. Tuy nhiên, khi được tuyên truyền, hướng dẫn làm quế hữu cơ, ý thức được tác hại của thuốc bảo vệ thực vật nên gia đình không sử dụng nữa. Thay vào đó, gia đình tự trang bị một máy phát cỏ cầm tay, hoặc dùng dao phát cỏ. Làm như vậy vừa tốt cho môi trường, tạo độ ẩm và tăng dưỡng chất hữu cơ cho đất, vừa không ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình, cộng đồng, lại nâng cao chất lượng sản phẩm quế”.
Để khuyến khích người dân thay đổi tư duy, gắn bó với kinh tế rừng, HTX Quế Khánh Thành đã vận động người dân trồng rừng và tập trung phát triển cây quế theo hướng hữu cơ. Đến nay đã thành lập được 2 tổ hợp tác trồng quế hữu cơ, thành viên của các tổ thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc quế. “Liên kết thu mua và sơ chế sản phẩm quế theo quy trình OCOP để cung cấp ra thị trường, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của các hộ thành viên cũng vì thế cao hơn so với trước đây”. Đó là lời khẳng định của ông Phạm Quang Huy ở thôn 4 xã Minh Quán.
Cùng với việc phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai tập huấn cho người dân về kiến thức chăm sóc, thu hoạch, chế biến theo hướng hữu cơ ở tất cả 2 Tổ hợp tác sản xuất quế, tạo liên kết giữa người dân, tổ với hợp tác xã. HTX Quế Khánh Thành còn huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư máy móc để tạo ra các sản phẩm về quế để nâng cấp các sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao, tạo ra các sản phẩm quế để xuất khẩu và các nhóm sản phẩm cung cấp thị trường trong nước. Đồng thời ký kết với Công ty TNHH xuất nhập khẩu HG SPICES có trách nhiệm liên kết thu mua sản phẩm quế của hợp tác xã và các hộ nông dân tham gia thực hiện dự án. Ông Vũ Đình Khánh - Giám đốc HTX Quế Khánh Thành xã Hòa Cuông cho biết thêm: “Khi HTX được cấp chứng chỉ quế hữu cơ, liên kết với các hộ dân tại xã Hòa Cuông và Minh Quán sẽ giúp HTX xây dựng nhà máy tại thôn 2 xã Hòa Cuông, điều này sẽ tăng năng suất, sản lượng để suất khẩu sang thị trường khó tính như EU, Mỹ, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm về quế để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước”.
Việc xây dựng quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị ở Trấn Yên đã và đang giúp Doanh nghiệp và người dân hợp tác bền vững, tạo động lực để đồng bào thêm mặn mà với cây quế và gắn bó với đồng đất quê hương mình. Đồng thời xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm quế, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương phát triển bền vững./.
10 lượt xem
Ban Biên tập