Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động

Yên Bái: Tích cực đào tạo nghề cho lao động nông thôn

12/11/2016 15:03:00 Xem cỡ chữ Google
Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Chính phủ, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân, tập trung đào tạo những ngành nghề phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm…

Với vai trò và trách nhiệm của mình, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm giúp nông dân được tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề, để có thể tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu ngay tại địa phương.

Mạng lưới đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cũng có bước phát triển mạnh. Tỉnh được Chính phủ phê duyệt xây dựng Trường Cao đẳng nghề Yên Bái đến năm 2020 thành trường chất lượng cao của cả nước với 1 nghề có cấp độ quốc tế, 4 nghề đạt cấp độ ASEAN; xây dựng 2 trường trung cấp nghề với 6 nghề đạt cấp độ quốc gia. Trong đó, Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ thực hiện đào tạo nghề cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú. Tỉnh cũng xây dựng 37 chương trình đào tạo nghề để áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh.

Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 72.000 lao động nông thôn (bình quân 14.000 người/năm), trong đó khoảng 61.000 lao động nông thôn được học nghề gồm hỗ trợ đặt hàng đào tạo nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho 54.000 lao động nông thôn (bình quân 10.800 người/năm). Theo ông Nguyễn Bình Minh - Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB&XH, từ 2010 - 2015, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 60 ngàn người, trong đó có trên 31 ngàn lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án 1956, đã có trên 70% lao động có việc làm sau học nghề.

Tính đến hết tháng 11 năm 2015, Yên Bái đào tạo nghề cho 11.327 người, đạt 81% so với kế hoạch (tăng 5,9 % so với cùng kỳ năm 2014). Trong đó, cao đẳng nghề 480 người; trung cấp nghề 1.006 người; sơ cấp nghề 3.570 người; dạy nghề dưới 3 tháng 6.271 người. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 là 6.202 người.

Hoạt động dạy nghề đã đóng góp quan trọng trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Hiện tại, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 45%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 30%. Mỗi năm, tỉnh có hàng ngàn lao động sau khi học nghề được các doanh nghiệp trong tỉnh tuyển dụng.

Trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở các địa phương đã duy trì khá tốt công tác phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề đào tạo chuyên canh cây công nghiệp, nông nghiệp và các ngành nghề chăn nuôi cùng một số nghề phi nông nghiệp, dịch vụ như: may mặc, xây dựng, sửa chữa máy nông cụ, sửa chữa xe máy, dệt thổ cẩm, chạm khắc đá, nghiệp vụ du lịch tại gia đình, kỹ thuật chế biến món ăn, dịch vụ chăm sóc gia đình…

Nhiều mô hình dạy nghề đạt tỷ lệ tạo việc làm cao như: nuôi ong mật tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải; trồng và sơ chế măng tre Bát độ ở xã Kiên Thành, nuôi tằm ở xã Đào Thịnh, Tân Đồng (huyện Trấn Yên); trồng nấm ở Văn Yên… thu nhập bình quân sau học nghề đạt từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Tại huyện Lục Yên, huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo đào tạo nghề phải gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trung bình mỗi năm số lượng lao động qua đào tạo nghề đạt 1.200 người và đều tăng hàng năm, nguồn kinh phí đào tạo được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Các ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng và cơ bản phù hợp với nhu cầu của người lao động như: chăn nuôi thú y, thủy sản, trồng nấm, đan rọ tôm, nghề xây dựng, may mặc, điện công nghiệp, hàn, sửa chữa máy nông cụ, làm tranh đá quý, chạm khắc đá…Các lớp dạy nghề còn được đưa về tận thôn, bản để thu hút người học, tạo điều kiện giúp cho người lao động vừa được học tập vừa làm việc gia đình. Đặc biệt, hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên, người học nghề đã tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ, góp phần nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình.

Từ năm 2010 - 2015, tổng số lao động nông thôn trên địa bàn huyện được hỗ trợ học nghề 7.092 người. Trong đó, tỷ lệ lao động có việc làm và thu nhập sau đào tạo đạt 80%, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện lên 45%. Sau học nghề, nhiều học viên đã được các doanh nghiệp tuyển dụng, một số lao động tự tạo việc làm tại địa phương.

Tại huyện Văn Chấn, 5 năm qua, toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho 17.750 lao động, trong đó đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo Quyết định 1956 là 3.141 lao động. Mỗi năm có 150 - 200 người được xuất khẩu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thị trấn xuống còn 0,6%, nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn lên 78%. Bà Phạm Thị Minh Hạnh - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Văn Chấn cho biết: "Các ngành chức năng hàng năm đã tổ chức điều tra khảo sát nhu cầu học nghề tại 31/31 xã, thị trấn của huyện. Theo đó, số lao động có nhu cầu học nghề hàng năm trên 3.300 người, trong đó nhóm nghề nông nghiệp trên 2.000 lao động, phi nông nghiệp trên 1.300 lao động

Trong những năm qua, huyện Văn Chấn đã tập trung đào tạo 17 nghề cho lao động nông thôn, trong đó có 8 nghề phi nông nghiệp như kỹ thuật xây dựng, may dân dụng, chạm khắc đá, sửa chửa điện dân dụng, chế biến chè... và 9 nghề nông nghiệp như trồng nấm, chăn nuôi thú y, trồng trọt và chế biến nông sản... Nổi bật là mô hình trồng nấm tại xã Sơn A, Phúc Sơn huyện Văn Chấn, mô hình chăn nuôi lợn mở tại xã Tân Thịnh; mô hình chạm khắc đá mở tại xã Sơn Thịnh...

Với khoảng 3.000 lao động được đào tạo nghề mỗi năm đã đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện từ 20% năm 2011 lên 32% năm 2015 và giải quyết việc làm  cho 70 - 80% lao động sau học nghề. Từ đó, tạo điều kiện tốt để thực hiện chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 38,97% năm 2011 xuống còn 20,62% năm 2015 (bình quân mỗi năm giảm 4%).

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp lớn trong nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với Yên Bái hiện nay, lao động qua đào tạo chủ yếu từ trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng; tỷ lệ nhân lực có trình độ cao (từ trung cấp trở lên) còn thấp; cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng tốt yêu cầu sử dụng của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo nghề của địa phương vẫn còn những hạn chế như: tỷ lệ đào tạo nghề còn thấp so với kế hoạch đề ra; một bộ phận quản lý đào tạo dạy nghề chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa sâu về nghề đào tạo; số học sinh sau khi học nghề chưa làm đúng với nghề được đào tạo…

Thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của dạy nghề được xác định là nâng cao chất lượng, tăng cường dạy nghề theo đơn hàng, địa chỉ sử dụng, đổi mới, nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp bảo đảm phù hợp về số lượng và cơ cấu ngành nghề. Đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy nghề theo hướng đạt chuẩn về kỹ năng nghề, nhất là những nghề trọng điểm quốc tế, khu vực ASEAN, cấp quốc gia; đầu tư chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề…