Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Giai đoạn 2019 - 2023, toàn tỉnh đã có 109.650 lao động được hỗ trợ giải quyết việc làm

15/10/2024 09:30:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Với việc thực hiện hiệu quả lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội gắn với giải quyết việc làm, giai đoạn 2019 - 2023, toàn tỉnh đã có 109.650 lao động được hỗ trợ giải quyết việc làm (bình quân mỗi năm giải quyết trên 21.000 lao động; đạt 125,3% kế hoạch). Trong đó, từ phát triển kinh tế - xã hội: 61.739 lao động, Vay vốn hỗ trợ tạo việc làm: 10.952 lao động, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: 2.212 lao động, cung ứng lao động làm việc ở tỉnh ngoài: 34.747 lao động.

Ngày hội tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh - giới thiệu việc làm cho học sinh

Chú trọng đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; gồm: 03 trường cao đẳng, 03 trường trung cấp, 06 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) cấp huyện và 02 trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục. Với quy mô đào tạo được cấp phép hơn 17.000 người/năm ở các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng với các nhóm ngành nghề chủ yếu là: Nhóm ngành Công nghiệp - Xây dựng (gồm các nghề: Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Hàn, Kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí, Kỹ thuật xây dựng, May công nghiệp); Nhóm ngành Du lịch, dịch vụ (gồm các nghề: Điều dưỡng, Dược, Công nghệ thông tin, Hướng dẫn du lịch, Tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp, Kỹ thuật chế biến món ăn, Kỹ thuật pha chế đồ uống; Nhóm ngành nông nghiệp (gồm các nghề: Nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi thú ý, trồng trọt…).

Hàng năm, tỉnh tuyển sinh, đào tạo cho khoảng 20.000 lao động (gồm đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh và đào tạo tại doanh nghiệp) với các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 03 tháng; trong đó, đào tạo tại các trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trung bình mỗi năm hơn 10.000 người.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng mô hình gắn kết với doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp tăng cường thời gian thực hành, thực tập để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của người học, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cũng như thị trường lao động. Đã hình thành các mô hình liên kết hiệu quả tại như: mô hình liên kết thực tập kết hợp với thi tốt nghiệp tại doanh nghiệp gắn với tuyển dụng; mô hình liên kết đặt hàng đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp; mô hình liên kết thực tập kết hợp với tuyển dụng. Kết quả trên 85% học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tuyển dụng phù hợp với ngành nghề đào tạo. Do vậy, các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đều sẵn sàng cam kết đầu ra cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp khi thực hiện công tác tư vấn tuyển sinh.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động kết hợp vừa đào tạo nghề, vừa dạy ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên nhằm cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sang các thị trường Nhật Bản, Đức .... Trong đó, Trường Cao đẳng Yên Bái đã phối hợp với Công ty Cổ phần Thương mại Tam Quy đào tạo tiếng Nhật cho các sinh viên ngành điều dưỡng có nhu cầu đi làm việc tại Nhật Bản, hiện đang có 04 sinh viên theo học; Trường Trung cấp Lục Yên phối hợp với Công ty Cổ phẩn Haui-Letco... Giai đoạn 2019 - 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giới thiệu 15 học sinh, sinh viên, học viên đi xuất khẩu lao động và du học tại Nhật Bản (Trường Cao đẳng Yên Bái giới thiệu 8 học sinh, sinh viên; Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú Nghĩa Lộ 07 học sinh du học tại Nhật Bản).

Nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho người lao động

Để nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho người lao động, trong những năm qua tỉnh Yên Bái đã tập trung tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, cởi mở, minh bạch để thu hút các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư sản xuất kinh doanh và tiếp nhận lao động trên địa bàn tỉnh vào làm việc.

Cùng với đó, xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân duy trì việc làm, tạo việc làm, địa phương đã quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (CSXH). Đến nay, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng đến tất cả các điểm giao dịch xã trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân tiếp cận nguồn vốn. Để nguồn vốn cho vay không chỉ tạo việc làm cho người lao động mà còn có tác dụng xây dựng mô hình và nhân rộng điển hình sử dụng vốn tín dụng có hiệu quả, tạo động lực, kích thích bà con mạnh dạn trong làm ăn phát triển kinh tế, tập trung đầu tư vào những ngành nghề thế mạnh của địa phương, những mô hình kinh doanh mới, những sản phẩm chương trình OCOP như: Kinh doanh du lịch cộng đồng ở Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ; kinh doanh chế tác đá thủ công mỹ nghệ, trồng cây ăn quả ở Lục Yên; phát triển nghề chăn nuôi gà thương phẩm, trồng dâu nuôi tằm ở Trấn Yên, trồng cây ăn quả đặc sản ở Văn Chấn, trồng và chế biến quế ở Văn Yên, trồng rừng, chăn nuôi và các ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp khác.v.v. Qua kiểm tra đối chiếu sử dụng vốn vay cho thấy các hộ được thụ hưởng nguồn vốn đều đang sử dụng rất có hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình. Chất lượng tín dụng luôn đảm bảo, các hộ vay thực hiện nghiêm túc việc trả lãi và trả nợ gốc đúng hạn, không có trường hợp nào có nợ quá hạn, nguồn vốn của ngân sách địa phương được bảo toàn 100%.

Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn chính sách về lao động, việc làm, học nghề, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được triển khai kịp thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã khảo sát, kết nối với với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động để kịp thời hỗ trợ tư vấn, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động bị mất việc làm từ các tỉnh trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Hoạt động đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại các thị trường trọng điểm (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc) tiếp tục duy trì, tăng cường quản lý, chấn chỉnh để ổn định bền vững.

Từ những giải pháp trên, giai đoạn 2019 - 2023, với việc thực hiện hiệu quả lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội gắn với giải quyết việc làm, toàn tỉnh đã có 109.650 lao động được hỗ trợ giải quyết việc làm (bình quân mỗi năm giải quyết trên 21.000 lao động; đạt 125,3% kế hoạch). Trong đó, từ phát triển kinh tế - xã hội: 61.739 lao động, Vay vốn hỗ trợ tạo việc làm: 10.952 lao động, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: 2.212 lao động, cung ứng lao động làm việc ở tỉnh ngoài: 34.747 lao động

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách về đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động; tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, cởi mở, minh bạch để thu hút các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư sản xuất kinh doanh và tiếp nhận lao động trên địa bàn tỉnh vào làm việc.

Ban Biên tập