Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động

Kết quả bước đầu của Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái đến năm 2020

08/08/2018 14:48:00 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Sau hơn 2 năm thực hiện triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả bước đầu góp phần nâng cao nhận thức cấp uỷ Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về dự phòng và điều trị nghiện, giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Người nghiện được khám và tư vấn khi điều trị cắt cơn bằng Methadone

Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái đến năm 2020 được triển khai với mục tiêu nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu 75% cán bộ dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo kiến thức cơ bản về điều trị nghiện; 80% cán bộ làm công tác tư vấn về dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo và được cấp chứng chỉ; 80% cán bộ y tế công tác tại các cơ sở điều trị nghiện có đầy đủ văn bằng chứng chỉ theo quy định về điều trị nghiện; Nâng tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý từ 50% vào năm 2015 lên 80% vào năm 2020; Tăng tỷ lệ người nghiện hòa nhập cộng đồng tìm kiếm được việc làm từ 40% vào năm 2015 lên 70% vào năm 2020.

Để triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái đến năm 2020, Sở Y tế đã chỉ đạo Cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện tốt công tác quản lý, điều trị, nâng cao chất lượng công tác cai nghiện phục hồi đảm bảo thực hiện đúng quy trình cai nghiện cho học viên; Chỉ đạo Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh ban hành: Quy định về quản lý học viên; Quy định về việc thăm gặp giữa thân nhân gia đình học viên với học viên và cán bộ Cơ sở; Quy định về Tổ tự quản học viên; Quy định về khen thưởng - Kỷ luật đối với học viên; Phương án phòng, chống trốn và các Phương án đảm bảo an toàn trong Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh;

Chế độ đối với học viên cai nghiện ma túy tại Cơ sở được đảm bảo mức trợ cấp tiền ăn bằng 0,8 mức lương cơ sở; Công tác chăm sóc y tế được đảm bảo; 100 % học viên khi vào Cơ sở được khám chữa bệnh, các trường hợp ốm, đau được đưa đi khám và điều trị kịp thời;

Số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh tính đến tháng 6/2018 là 2.686 người. Giai đoạn 2016-6/2018 cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh: 580 học viên, bao gồm: 443 học viên cai nghiện bắt buộc và 137 học viên cai nghiện tự nguyện. Tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch 9 Cơ sở điêu trị Methadone tại 7 huyện, thị xã, thành phố với 1.041 bệnh nhân được điều trị tại các cơ sở.

Sở Y tế đã ban hành kế hoạch số 410/KH-SYT ngày 29/6/2016 của Sở Y tế tỉnh Yên Bái về việc “Tổ chức đào tạo kiến thức cơ bản về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho cán bộ các cơ sở điều trị Methađone mở mới tại tỉnh Yên Bái năm 2016”, tất cả các cán bộ làm công tác điều trị tại các Cơ sở điều trị Methadone ở các vị trí điều trị, tư vấn, cấp phát thuốc đều được cấp chứng chỉ theo qui định của Bộ Y tế.

Qua triển khai thực hiện Đề án, đã đạt được những kết quả nhất định. Methadone đã giúp dừng và giảm sử dụng ma túy bất hợp pháp; giảm tỷ lệ tiêm chích ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị, từ đó đã giúp giảm nguy cơ lây truyền các bệnh qua đường máu như HIV, viêm gan B, c; Tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, người bệnh đã được cung cấp thông tin về các biện pháp can thiệp giảm nguy cơ như tình dục an toàn, không dùng chung bơm kim tiêm, đối với người bệnh có HIV dương tính đã được giới thiệu chuyển gửi và điều trị sớm giúp giảm khả năng lây nhiễm cho người khác; Giảm tỷ lệ tử vong do quá liều Heroin: Methadone cạnh tranh và khóa tác động của Heroin tại các thụ cảm thê do đó đã hạn chê việc người bệnh dùng quá liều heroin.

Các Chương trình, Kế hoạch, Đề án được tổ chức thực hiện nghiêm túc; Công tác bồi dưỡng tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ được quan tâm; Hệ thống tổ chức phòng, chống và cai nghiện ma túy được kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động; Công tác tuyên truyền được quan tâm và triên khai với nhiều nội dung đã phát huy hiệu quả tích cực góp phần kiềm chế tệ nạn ma túy;

Có thể nói điều trị nghiện bằng Methadone trên địa bàn tỉnh đã đem lại nhiều hiệu quả cho người nghiện, gia đình họ và xã hội. Người nghiện giảm và tiên tới dừng sử dụng ma túy bất hợp pháp, không còn như cầu bức bách kiếm tiền để mua ma túy nên giảm tội phạm và giảm bạo lực gia đình, họ có khả năng lao động và tạo thu nhập, được sống hòa nhập với gia đình và cộng đồng.

Hiền Trang