Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động

BHXH điểm tựa của người lao động

06/11/2017 23:27:00 Xem cỡ chữ Google
Ở Việt Nam hiện nay, Luật BHXH đã quy định thực hiện 5 chế độ bao gồm: Ốm đau; Thai sản; Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Hưu trí; Tử tuất. Bên cạnh đó, Luật BHYT quy định chế độ BHYT; Luật Việc làm quy định về chế độ BH thất nghiệp.

Khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ.

Để đảm bảo quyền được hưởng an sinh xã hội của con người, hệ thống an sinh xã hội đã được hình thành và phát triển theo hướng ngày càng hoàn thiện. Đây là hệ thống bao gồm nhiều chế độ, chính sách, trong đó mỗi chế độ, chính sách có vai trò, chức năng và phạm vi hoạt động riêng, mang tính kết hợp nhằm tạo ra một mạng lưới an sinh xã hội rộng khắp, bao trùm toàn bộ dân cư của một quốc gia. Hệ thống này có mục tiêu bảo vệ mọi thành viên trước những rủi ro, những biến động bất thường xảy ra hay trong những hoàn cảnh và điều kiện đặc biệt.

Trong hệ thống an sinh xã hội, hệ thống BHXH giữ vai trò trụ cột, bền vững nhất. Bản chất của BHXH là sự bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết trên cơ sở đóng góp vào quỹ BHXH.

Như vậy, BHXH giúp:

- Ổn định cuộc sống NLĐ, trợ giúp NLĐ khi gặp rủi ro về sức khỏe, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm… sớm phục hồi sức khỏe, việc làm, góp phần duy trì và phát triển nguồn lao động cho nền sản xuất xã hội.

- Tạo sự yên tâm, tin tưởng của NLĐ khi về già có thu nhập ổn định sau quá trình lao động và đóng góp vào quỹ BHXH.

- Góp phần phân phối lại thu nhập một cách công bằng, có sự chia sẻ giữa các tầng lớp dân cư, giữa các thế hệ.

- Giảm trách nhiệm chi của NSNN trong việc ổn định cuộc sống cho người già, người bị thất nghiệp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

- Đảm bảo sự bình đẳng trong tham gia, đóng góp và hưởng thụ của những NLĐ trong các thành phần kinh tế khác nhau, thúc đẩy đoàn kết và gắn kết xã hội.

Các chế độ BHXH:

Theo Công ước 102 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về An sinh xã hội- tiêu chuẩn tối thiểu, có 9 nhánh chế độ BHXH bao gồm:

- Chăm sóc y tế: Cung cấp sự trợ giúp cho những người được bảo vệ khi họ cần đến sự chăm sóc y tế. Các trường hợp bảo vệ bao gồm mọi tình trạng đau ốm vì bất kỳ nguyên nhân gì và tình trạng thai nghén, sinh đẻ và các hậu quả tiếp theo.

- Trợ cấp ốm đau: Bảo đảm việc cung cấp cho những người được bảo vệ khoản trợ cấp ốm đau. Các trường hợp bảo vệ bao gồm tình trạng mất khả năng lao động do đau ốm gây ra và dẫn đến gián đoạn thu nhập.

- Trợ cấp thất nghiệp: Đảm bảo cho những người được bảo vệ được nhận trợ cấp khi thất nghiệp. Trường hợp bảo vệ phải bao gồm tình trạng gián đoạn thu nhập và xảy ra do không thể có được một công việc thích hợp, trong tình hình người được bảo vệ có khả năng làm việc và sẵn sàng làm việc.

- Trợ cấp tuổi già (hưu bổng): Đảm bảo cho những người được bảo vệ được nhận trợ cấp tuổi già (hưu bổng). Trường hợp bảo vệ là những người sống lâu hơn một độ tuổi được quy định.

- Trợ cấp trong trường hợp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp: Những trường hợp bảo vệ bao gồm những trường hợp sau đây, nếu do các tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp được quy định gây ra: Tình trạng đau ốm; Mất khả năng lao động do tình trạng đau ốm gây ra và dẫn đến gián đoạn thu nhập; Mất hoàn toàn khả năng thu nhập, hoặc mất một phân khả năng thu nhập vượt quá mức quy định, nếu tình trạng đó trở thành thường xuyên hoặc có sự giảm sút tương ứng về thể lực; Người vợ góa hoặc con cái bị mất phương tiện sinh sống do người trụ cột gia đình chết.

- Trợ cấp (phụ cấp) gia đình: Bảo đảm cho những người được bảo vệ được trợ cấp gia đình (phụ cấp gia đình). Trường hợp bảo vệ là gánh nặng về con cái theo quy định.

- Trợ cấp thai sản: Trường hợp bảo vệ bao gồm thai nghén, sinh đẻ và những hậu quả tiếp theo, sự gián đoạn thu nhập nảy sinh.

- Trợ cấp tàn tật: Trường hợp bảo vệ là tình trạng không có khả năng tiến hành một hoạt động có thu nhập ở một mức độ quy định, khi tình trạng đó có cơ sở trở thành thường xuyên hoặc vẫn tiếp tục tồn tại sau khi ngừng trợ cấp ốm đau.

- Trợ cấp tiền tuất: Trường hợp bảo vệ phải gồm việc người vợ góa hoặc con cái bị mất phương tiện sinh sống do người trụ cột gia đình chết.

Tuy nhiên, tuỳ theo điều kiện kinh tế- xã hội mà mỗi quốc gia lựa chọn thực hiện các chế độ này cho phù hợp.

Hưởng trợ cấp- Quyền lợi của NLĐ

Khi tham gia đóng góp vào quỹ BHXH, NLĐ được hưởng các chế độ theo quy định, cụ thể là được hưởng các khoản trợ cấp.

Trợ cấp BHXH là một khoản vật chất (thường là tiền) mà NLĐ nhận được từ tổ chức BHXH trong trường hợp xảy ra những biến cố trong thời gian lao động hay khi hết tuổi lao động khiến họ bị giảm hoặc mất thu nhập, góp phần ổn định đời sống của bản thân NLĐ và gia đình họ.

Trợ cấp BHXH thực hiện một số chức năng:

- Chức năng đảm bảo trong các trường hợp ốm đau, thai sản.

- Chức năng chuyển dịch trong các trường hợp tuổi già, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chết…

- Chức năng đền bù trong các trường hợp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

- Chức năng phân phối lại trong các trường hợp ốm đau, thai sản, trợ cấp gia đình…

Những nhu cầu BHXH có thể phát sinh tại một thời điểm, giai đoạn nào đó hoặc cũng có thể là một quá trình dài. Vì vậy, người ta thường phân loại trợ cấp BHXH thành:

- Trợ cấp ngắn hạn (còn gọi là trợ cấp đột xuất): Đây là khoản trợ cấp được chi trả cho những nhu cầu phát sinh như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

- Trợ cấp dài hạn: Đây là loại trợ cấp chi trả thường kỳ cho NLĐ, có tác dụng góp phần bảo đảm cuộc sống cho họ và gia đình. Loại trợ cấp này gồm trợ cấp tuổi già; trợ cấp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp nặng phải nghỉ việc; trợ cấp tuất và mất người nuôi dưỡng.

Hưu trí- Chế độ quan trọng hàng đầu

Nếu như BHXH là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội thì chế độ hưu trí được xem là trụ cột của chính sách BHXH.

Trong các chế độ BHXH, hưu trí là chế độ quan trọng hàng đầu, nhằm đảm bảo và ổn định cuộc sống lâu dài của NLĐ khi họ bị suy giảm khả năng lao động, khi hết tuổi lao động, không còn tạo ra thu nhập để đảm bảo cuộc sống; khi từ trần, thân nhân của người nghỉ hưu còn được hưởng trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần theo quy định.

Tùy theo trình độ phát triển kinh tế và cơ cấu dân số xã hội, hệ thống hưu trí được xây dựng tương đối khác biệt theo từng quốc gia. Tuy nhiên, với ý nghĩa quan trọng của chế độ này trong dài hạn, ở bất cứ quốc gia nào, việc mở rộng diện bao phủ BHXH cũng hướng đến mục tiêu tăng tỷ lệ người dân được hưởng lương hưu. Đa số các nước cũng quy định BH hưu trí là hình thức BH bắt buộc; đồng thời mức đóng vào quỹ hưu trí cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng mức đóng BHXH (kể cả theo hình thức bắt buộc hay tự nguyện).

 

Ban Biên tập