Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động

Yên Bái phấn đấu đào tạo nghề cho 36.000 lao động nông thôn giai đoạn 2018 – 2020

03/10/2017 10:22:00 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong giai đoạn 2018 - 2020, Yên Bái phấn đấu đào tạo nghề cho 36.000 lao động nông thôn (bình quân 12.000 người/năm); trong đó hỗ trợ đặt hàng đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho 18.000 lao động nông thôn theo chính sách Đề án 1956 (bình quân 6.000 người/năm), chia theo cơ cấu đào tạo nghề.

Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh trao giải Nhất cho 4 thí sinh.

Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp 9.900 người, chiếm 55% (bình quân 3.300 người/năm). Đối tượng là nông dân làm nghề có yêu cầu trình độ kỹ thuật (nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm, sản xuất giống cây trồng, chế biến nông lâm sản); đối tượng, ngành nghề đào tạo do ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất trên cơ sở kết quả rà soát, thống kê về nhu cầu đào tạo của ngành và các huyện.

Lĩnh vực phi nông nghiệp 8.100 người, chiếm 45% (bình quân 2.700 người/năm). Đối tượng, ngành nghề đào tạo do ngành Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất trên cơ sở kết quả rà soát, thống kê về nhu cầu đào tạo của các ngành liên quan và các huyện.

Phấn đấu có trên 80% lao động nông thôn sau khi học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng với năng suất, thu nhập cao hơn trước.

So sánh với mục tiêu Đề án trong giai đoạn 2016-2020 số lao động được đào tạo bình quân hàng năm giảm 32%, trong đó số lao động được hỗ trợ đào tạo nghề giảm 52%. Tỷ trọng lao động được đào tạo ở lĩnh vực nông nghiệp tăng 15% (từ 40% theo mục tiêu Đề án lên thành 55%); lĩnh vực phi nông nghiệp giảm 15% (từ 60% theo mục tiêu Đề án xuống thành 45%). Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề (đạt 80%), được điều chỉnh cao hơn so mục tiêu Đề án (tối thiểu đạt 60%).

Để đạt mục tiêu trên ngành đề ra các hoạt động cụ thể của Đề án: Về hoạt động thông tin tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm tiếp tục thông tin tuyên truyền về chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, tư vấn học nghề và việc làm miễn phí đối với lao động nông thôn. Tập trung tuyên truyền các mô hình dạy nghề hiệu quả, các điển hình lao động nông thôn sau khi học nghề áp dụng hiệu quả vào phát triển sản xuất hoặc tạo việc làm.

Hoạt động điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu dạy nghề của lao động nông thôn: hàng năm rà soát, cập nhập danh mục các nghề mới; thực hiện hiệu quả việc điều tra cung-cầu lao động nhằm xác định nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp, các ngành kinh tế và nhu cầu của thị trường lao động. Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương (đặc biệt là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và một số ngành liên quan với các địa phương) trong việc xác định nhu cầu, đối tượng, ngành nghề đào tạo cho phù hợp.

Hoạt động đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề hỗ trợ đầu tư thiết bị dạy nghề đối với các trường (Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch, Trường Trung cấp nghề DTNT Nghĩa Lộ, Trường Trung cấp nghề Lục Yên), Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố (07 trung tâm) nhằm đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn.

Hoạt động phát triển chương trình, giáo trình dạy nghề đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp/đơn vị biên soạn, chỉnh sửa chương trình, giáo trình dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng điều chỉnh về nội dung và thời gian đào tạo của chương trình cho phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu đào tạo nghề của lao động nông thôn ở các địa phương.

Hoạt động phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề: đào tạo chuyển đổi một số giáo viên dạy văn hóa tại các trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên cấp huyện sang thành giáo viên dạy nghề để bổ sung đội ngũ giáo viên dạy nghề cho các trung tâm (giữ nguyên chỉ tiêu biên chế được giao). Tiếp tục huy động đội ngũ giáo viên thỉnh giảng là cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, đồng thời tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy học cho giáo viên dạy nghề, giáo viên thỉnh giảng để đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Hoạt động hỗ trợ lao động nông thôn học nghề giai đoạn 2018 - 2020, đặt hàng đào tạo nghề cho 18.000 lao động nông thôn, trong đó nhóm nghề nông nghiệp là 9.900 người (chiếm 55%), nhóm nghề phi nông nghiệp là 8.100 người (chiếm 45%). Về đối tượng đào tạo.

Tập trung đào tạo đối với lao động làm nông nghiệp ở các vùng sản xuất hàng hóa thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; lao động làm việc trong các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân; lao động là người khuyết tật, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, phụ nữ. Các ngành nghề để phát triển công nghiệp phụ trợ, đào tạo theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp, làng nghề; đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào làm việc trong các khu công nghiệp tập trung và các dự án đầu tư; đào tạo nghề gắn với chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Đảm bảo người khuyết tật chiếm ít nhất 10%, lao động nữ chiếm ít nhất 40% trong tổng số chỉ tiêu hỗ trợ đào tạo hàng năm.

Hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Đề án tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện các hoạt động của Đề án nhằm đảm bảo mục tiêu kế hoạch và sử dụng đúng quy định, có hiệu quả nguồn kinh phí được giao, trong đó tập trung vào công tác kiểm tra hoạt động hỗ trợ lao động nông thôn học nghề do các địa phương triển khai thực hiện...

Dự kiến nhu cầu kinh phí để thực hiện các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn 2018-2020 là 56.830 triệu đồng (bình quân 18.940 triệu đồng/năm), trong đó, ngân sách trung ương 42.150 triệu đồng (chiếm 74%); ngân sách địa phương 14.680 triệu đồng (chiếm 26%). Trong đó chi thông tin, tuyên truyền dạy nghề 450 triệu đồng; chi khảo sát, xác định nhu cầu đào tạo nghề (chi tại địa phương) là 450 triệu đồng; chi phát triển chương trình, giáo trình 330 triệu đồng; chi hỗ trợ lao động nông thôn học ngh 39.770 triệu đồng; chi hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề 13.500 triệu đồng; chi đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề: 900 triệu đồng; chi tổ chức và tham gia các Hội giảng, hội thi, Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 là 1.080 triệu đồng; chi kiểm tra, giám sát 350 triệu đồng).

Ban Biên tập