Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động

Kết quả thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái

14/11/2017 08:55:00 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Sau 7 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm tổ chức thực hiện và đạt được một số kết quả quan trọng.

Trong 7 năm (2010 - 2016), thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn tỉnh đã mở trên 1.300 lớp với số lao động nông thôn được học nghề là trên 37.900 người.

Những kết quả đạt được

Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; qua đó, bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và điều hành của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về vai trò của dạy nghề đối với nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đề án được ban hành tương đối đầy đủ và kịp thời.

Đã phê duyệt được Quy hoạch phát triển dạy nghề tỉnh Yên Bái đến năm 2020, Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Yên Bái đến năm 2020, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010-2020 làm cơ sở để định hướng hoạt động dạy nghề và tổ chức các hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu của nền kinh tế.

Qua 7 năm thực hiện Đề án, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề vượt so với mục tiêu kế hoạch, chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có bước cải thiện đáng kể, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần giúp cho hàng ngàn lao động (đặc biệt là đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, người nghèo...) được chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề. Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất, nhiều hộ gia đình đã xây dựng được các mô hình sản xuật hiệu quả, thu nhập cao. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần đem lại năng suất và thu nhập cao hơn, tạo việc làm cho nhiều lao động. Chất lượng lao động nông thôn ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện phân cấp cho các địa phương trong việc đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn (theo Quyết định 10/2010/QĐ-UBND về đặt hàng đào tạo nghề và đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức trên địa bàn tỉnh Yên Bái). Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp huyện được giao là chủ đầu tư, được chủ động trong triển khai nhiệm vụ đặt hàng dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu, địa chỉ sử dụng, theo định hướng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, cơ sở dạy nghề trong quá trình tổ chức đào tạo.

Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được củng cố, phát triển. Đã hoàn thành việc sáp nhập trung tâm dạy nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên HNDN các huyện, thành phố. Tỉnh Yên Bái đã ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương để đối ứng với nguồn vốn đầu tư của trung ương chi hỗ trợ đào tạo nghề và đầu tư cơ sở vật chất cho dạy nghề. Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị các cơ sở ngày càng được đầu tư, nâng cấp hiệu quả, góp phần tăng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề. Thu hút được các cơ sở tham gia dạy nghề, huy động được lực lượng lớn cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, thợ lành nghề tham gia giảng dạy tại các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn.

Quy mô đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng tăng, chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên, hình thức và phương pháp đào tạo ngày càng đa dạng theo hướng gắn với nhu cầu người học, nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Đã xây dựng được nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả, phù hợp với thực tế phát triển kinh tế ở từng địa phương, đem lại việc làm bền vững cho người lao động.

Kết quả đào tạo nghề hàng năm đều vượt so với chỉ tiêu kế hoạch giao. Có tới 80% các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được mở tại các xã, thị trấn cho phù hợp với nhu cầu đi lại của người học, nhiều lớp dạy nghề được triển khai ở các thôn, bản, xã vùng sâu, vùng xa. Dạy nghề đã bước đầu gắn kết với nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp như nghề may công nghiệp, điện dân dụng, xây dựng, gò, hàn, nhiều lao động sau khi học nghề đã được giới thiệu và đi làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh, một số lao động đã tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài.

Qua 7 năm thực hiện Đề án, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Yên Bái đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận và đánh giá cao, có 01 tập thể và 02 cá nhân được khen thưởng vì đạt thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Đề án (toàn quốc có 05 tập thể và 09 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 44 tập thể và 68 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) gồm: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: đồng chí Hoàng Đức Vượng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; đồng chí An Hải Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lục Yên.

Những khó khăn, tồn tại

Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã chưa thực sự vào cuộc trong công tác đào tạo nghề, chưa thực sự quan tâm trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn.

Sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong triển khai thực hiện đề án còn chưa cao. Kết quả khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của lao động ở một số địa phương còn chưa sát với thực tế, do đó việc lựa chọn ngành nghề đào tạo chưa phù hợp, tổ chức lớp chưa đúng thời điểm, việc thực hiện kế hoạch đào tạo gặp nhiều khó khăn, phải điều chỉnh nhiều lần.

So với mục tiêu Đề án, số lao động nông thôn được đào tạo nghề, số lao động được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956 hàng năm chưa đạt, chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu đào tạo của các huyện, thị xã, thành phố; cơ cấu đào tạo chưa phù hợp, tỷ trọng lao động được đào tao ở lĩnh vực phi nông nghiệp còn thấp. Ở một số địa phương, đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thực sự gắn với quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp và yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Việc thực hiện cơ chế đặt hàng dạy nghề của tỉnh ở một số địa phương còn gặp khó khăn (một số địa phương chưa phát huy hiệu quả trách nhiệm của hội đồng thẩm định đặt hàng dạy nghề, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động, tích cực tham gia đặt hàng dạy nghề).

Các trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên cấp huyện sau sáp nhập còn thừa giáo viên dạy văn hóa, thiếu giáo viên dạy nghề, thiếu giáo viên cơ hữu theo ngành, nghề đào tạo, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số giáo viên dạy nghề thỉnh giảng còn hạn chế. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, các trung tâm phải hợp đồng giáo viên dạy nghề thỉnh giảng nên chưa chủ động được trong việc mở lớp. Cơ sở vật chất ở các trung tâm dạy nghề của tỉnh còn chưa được đầu tư đầy đủ, đồng bộ cho từng nghề do thiếu kinh phí đầu tư.

Sau 7 năm triển khai, công tác tuyển sinh dạy nghề bắt đầu gặp khó khăn do nhiều lao động thực sự có nhu cầu đã được đào tạo nghề, một số lao động nông thôn chưa thực sự tích cực tham gia học nghề, tại một số xã công tác tuyên truyền, vận động lao động nông thôn tham gia học nghề gặp nhiều khó khăn, người lao động còn thờ ơ, ngại tham gia học nghề, ngại đi làm xa nhà, một số đi học chủ yếu để hưởng chính sách hỗ trợ (tiền ăn). Lao động nông thôn có trình độ học vấn, độ tuổi khác nhau nên ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Việc giao chỉ tiêu, kinh phí dạy nghề của tỉnh một số năm còn chậm (chỉ tiêu từ nguồn ngân sách trung ương) dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các địa phương. Một số địa phương hàng năm còn sử dụng chưa hết kinh phí để chi tổ chức các lớp dạy nghề (các năm 2015, 2016 huyện Văn Yên thừa trên 500 triệu đồng). Quá trình thực hiện, một số địa phương chậm triển khai việc đặt hàng đào tạo; việc cấp phát kinh phí đào tạo (từ cấp tỉnh đến cấp huyện, từ các huyện cho cơ sở đào tạo) còn chậm, chưa phù hợp với tiến độ mở lớp dẫn đến cơ sở đào tạo gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện đặc biệt là chi trả vật tư thực tập, hỗ trợ tiền ăn cho học viên.

Gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ, đào tạo theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp chưa nhiều dẫn đến tuyển sinh các lớp phi nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Việc giới thiệu lao động sau khi học nghề đi làm việc tại doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh gặp khó khăn.

Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã: số cán bộ công chức cấp xã được đào tạo bồi dưỡng hàng năm thấp hơn nhiều so với mục tiêu Đề án. Quá trình triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng còn gặp một số khó khăn như: việc tổ chức các lớp bồi dưỡng chủ yếu học tập trung tại tỉnh do đó cán bộ được cử đi học gặp nhiều khó khăn trong thực hiện công việc chuyên môn tại xã. Số lượng cán bộ, công chức xã được đào tạo bồi dưỡng theo Đề án 1956 hàng năm thấp so với nhu cầu đào tạo của các địa phương.

Một số nguyên nhân

Một số ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chưa thấy rõ trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ theo phân công tại Thông tư liên tịch số 30/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BNN&PTNT-BCT-BTTTT ngày 12/12/2012 về hướng dẫn trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg (bao gồm trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ sở đào tạo).

Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ít, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công, mặt khác một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm đến vấn đề đào tạo và sử dụng lao động qua đào tạo nghề nên việc bố trí việc làm cho người lao động sau khi học nghề gặp nhiều khó khăn dẫn đến cơ cấu lao động đào tạo ở lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp.

Đề án được xây dựng năm 2011 với mục tiêu đào tạo được xác định dựa trên kết quả khảo sát năm 2010 (các địa phương có nhu cầu đào tạo 50.595 lao động, trong đó nghề nông nghiệp là 23.899 người, chiếm 47%; nghề phi nông nghiệp là 26.696 người, chiếm 53%) và kế hoạch đào tạo của các địa phương. Tuy nhiên, do mục tiêu trên cao và không đủ nguồn lực kinh phí nên tại Quy hoạch phát triển đào tạo nghề tỉnh Yên Bái đến năm 2020 (được phê duyệt tại Quyết định 676/QĐ-UBND ngày 07/6/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh), mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn mỗi năm đã được điều chỉnh lại thành “mỗi năm dạy nghề cho 5.800-7.000 lao động nông thôn”.

Nguồn lực kinh phí được phân bổ hàng năm thấp hơn so với kế hoạch, việc giao kinh phí ngân sách trung ương thường chậm dẫn tới ảnh hưởng đến việc giao chỉ tiêu kế hoạch đào tạo đợt 2 của tỉnh (chỉ tiêu giao đợt 1 từ nguồn ngân sách tỉnh đã được giao sớm từ đầu năm), kinh phí đầu tư cho dạy nghề chủ yếu huy động từ nguồn ngân sách trung ương, chưa huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển dạy nghề. Việc thực hiện thủ tục cấp phát kinh phí còn chậm, dẫn tới chưa phù hợp với tiến độ mở lớp của cơ sở đào tạo. Từ năm 2016, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã (do Sở Nội vụ đề xuất gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp) không được bố trí kinh phí đào tạo theo kế hoạch.

Nhận thức của một bộ phận lao động nông thôn về học nghề, lập nghiệp còn chưa đầy đủ, chủ yếu vẫn sản xuất canh tác theo kinh nghiệm truyền thống, một số còn có tình trạng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, chưa tích cực tham gia học nghề, chủ yếu lao động nông thôn tham gia học nghề là người dân tộc thiểu số còn có tâm lý ngại học, đi làm xa nhà, kém thích ứng với điều kiện sản xuất công nghiệp. Công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT chưa thực hiện tốt nên học sinh còn chưa nhận thức đúng đắn về học nghề.

Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ dạy nghề, chưa gắn kết hiệu quả với doanh nghiệp trong đào tạo nghề, chưa chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Các trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên cấp huyện thực hiện nhiệm vụ dạy nghề (từ năm 2007) song hàng năm không được giao tăng chỉ tiêu biên chế giáo viên mà chủ yếu hợp đồng giáo viên thỉnh giảng.

Trong 7 năm (2010 - 2016), thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn tỉnh đã mở trên 1.300 lớp với số lao động nông thôn được học nghề là trên 37.900 người. Số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp là trên 25.200 người (chiếm 67%), lĩnh vực phi nông nghiệp trên 12.600 người (chiếm 33%). Toàn tỉnh đã mở 33 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức xã với gần 2.900 người tham gia. Có trên 33.300 lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề, đạt 88%. Trong đó, lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp là trên 22.700 người, đạt tỷ lệ 90%; lĩnh vực phi nông nghiệp trên 10.500 người, đạt 83,5%.

 

Ban Biên tập