Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động

Phát triển nhân lực có kỹ năng nghề

23/06/2020 19:32:00 Xem cỡ chữ Google
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 24/CT-TTg về Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh trong tình hình mới.

Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái có một số ngành nghề đào tạo cấp độ quốc tế và cấp độ ASEAN.

Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề được Đảng, Nhà nước quan tâm; có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên, quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cùng với xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Để đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Tăng cường chuyển đổi số, đào tạo trực tuyến; chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng, hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.

Gắn kết doanh nghiệp với trường nghề

 

Xác định việc gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục nghề nghiệp, những năm gần đây, các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm đến công tác này.

Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái có mối quan hệ với trên 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như Công ty Điện cơ Hà Nội; Công ty Điện lạnh Hòa Phát; Công ty Kim khí Thăng Long; Công ty Canon; Công ty Honda Việt Nam; Công ty Vina Hòa Bình… để phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, đưa HSSV đi thực tập ( năm 2019 đã có gần 30 đoàn với trên 300 hssv đi thực tập, ký biên bản hợp tác đào tạo theo nhu cầu của các công ty cho 300 hssv) và tiếp nhận HSSV sau đào tạo với trên 90% HSSV có việc làm ổn định. Tháng 10/2019 ký hợp đồng đào tạo với Công ty TNHH LG Hải Phòng Việt Nam mỗi năm đào tạo 30 sinh viên hệ cao đẳng theo chương trình đào tạo của công ty.

Năm 2019 tham gia Dự án “ Phát triển giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam; Hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch, giai đoạn II” do Chính phủ Đan Mạch viên trợ không hoàn lại.

Năm 2019 được lựa chọn tham gia thí điểm đào tạo nghề Gia công thiết kế sản phẩm mộc theo chương trình chuyển giao của Cộng hòa Liên Bang Đức lớp hiện có 16 sinh viên. Tiếp nhận và đào tạo cho 15 HSSV nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ở 3 nghề là Điện; Công nghệ ô tô; Công nghệ thông tin.

Xác định chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp sẽ đem lại hiệu quả trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo việc làm bền vững cho người lao động, vậy nên các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm tới việc xây dựng và phát triển mô hình gắn kết với doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Việc hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo nghề là một mắt xích rất quan trọng, bởi đào tạo nghề không thể chỉ trông cậy vào nỗ lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà rất cần sự vào cuộc tham gia của các doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp giúp mở ra cơ hội cho học viên nghề có cơ hội được tiếp cận công nghệ, thực hành tay nghề với chính những kiến thức được học. Thậm chí tổ chức đào tạo khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập sau đó cho lao động.

 

Mục tiêu Thủ tướng đặt ra với toàn hệ thống là phấn đấu đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ nhóm 4 nước mạnh nhất ASEAN về giáo dục nghề nghiệp, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20. Với các doanh nghiệp, Thủ tướng khuyến khích thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mở lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề nghiệp hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở một số ngành nghề.