Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động

Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh: Cần nhiều giải pháp đồng bộ để gỡ khó

13/07/2020 16:22:00 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông là hoạt động cần thiết nhằm giúp học sinh làm quen với một số nghề phổ biến trong xã hội và của địa phương, từ đó lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân và tình hình thực tế.

.Một tiết học tại trường cao đẳng Nghề Yên Bái.

Trong những năm qua, giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) của tỉnh đã đạt được một số kết quả, góp phần tích cực phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn.

Nguyên nhân của thực trạng này đến từ nhiều phía như: hạn chế trong nhận thức của phụ huynh nói riêng và toàn xã hội nói chung về giáo dục nghề nghiệp; công tác hướng nghiệp, dạy nghề ở trường phổ thông còn mang tính hình thức; đội ngũ làm công tác phân luồng và hướng nghiệp ở các cơ sở giáo dục chưa được đào tạo bài bản; quy mô đào tạo của các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu…

Để khắc phục tình trạng này, trong Chương trình hành động số 190 của Tỉnh ủy đã đề ra rất rõ: đảm bảo phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề khoảng 23,5%, sau THPT đi học nghề và hệ thống cao đẳng chuyên nghiệp trên 44%.

Thực hiện Đề án về hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Sở GD-ĐT, các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai Đề án với những giải pháp cụ thể và tạo được sự đồng bộ trong chỉ đạo và triển khai thực hiện.

Trong thời gian qua, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trên địa bàn tỉnh đã chuyển dần theo hướng phù hợp với phát triển kỹ năng phục vụ nhu cầu lao động của xã hội, tác động tích cực đến việc lựa chọn học nghề của học sinh. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh cấp THCS và THPT đăng ký học nghề thay vì tiếp tục học lên THPT (đối với học sinh tốt nghiệp THCS) hoặc đăng ký tuyển sinh đại học (đối với học sinh tốt nghiệp THPT) có xu hướng tăng trong thời gian qua cho thấy mục tiêu GD-ĐT đã sát với thực tế, có sự phân luồng rõ nét và đúng hướng.

 Theo Đề án về hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, phấn đấu 55,8% trường THCS và 57,7% trường THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; 53,2% trường THCS và 61,5% trường THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp (TVHN) đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; Tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học trung cấp, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng đạt tối thiểu 23,5%; Tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THPT đi học cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng đạt trên 44%.

Nhưng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau trung học còn bất cập, nhất là cơ chế, chính sách còn nhiều tồn tại, chậm được đổi mới. Trong khi đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động chưa phát triển lành mạnh, gây khó khăn cho việc lựa chọn ngành nghề của học sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp ở trường trung học thiếu, chưa đáp ứng về chất lượng, trong khi tâm lý chạy theo bằng cấp trong xã hội còn nặng nề.

Vì vậy, tỉnh cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; Khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề của học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT gắn với việc vận động, định hướng học sinh tham gia học nghề ở các cấp trình độ theo mục tiêu phân luồng của tỉnh; Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; Phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch.

Ban Biên tập