Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động

Một số giải pháp nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập

09/09/2021 10:10:00 Xem cỡ chữ Google
Trong bối cảnh hiện nay, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học – công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hóa – những xu thế vừa là thời cơ, vừa là thách thức, GDNN Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất – kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Theo đó, cần tập trung vào những nội dung sau:

Quang cảnh hội giảng giáo viên dạy giỏi cấp khoa năm 2021.

Một là, chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng, nhất là các điều kiện về chương trình, giáo trình, về nhà giáo, cán bộ quản lý; về cơ sở vật chất, thiết bị phù hợp với đặc thù Việt Nam và tiếp cận các nước trong ASEAN-4 cũng như các nước phát triển trong nhóm G20. Cụ thể: đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, có sự tham gia của hiệp hội nghề nghiệp, DN, đơn vị sử dụng lao động phù hợp với chương trình đào tạo; xây dựng chương trình liên thông giữa các cấp trình độ đào tạo trong cùng ngành, nghề hoặc với các ngành, nghề khác hay liên thông lên trình độ cao hơn. Đổi mới tổ chức đào tạo, áp dụng công nghệ đào tạo tiên tiến của các nước phát triển, ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin trong dạy – học, quản lý đào tạo; thí điểm thuê chuyên gia nước ngoài đào tạo trong một số ngành, nghề chất lượng cao cần đạt chuẩn quốc tế mà trong nước chưa đáp ứng được. Đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra đánh giá: khuyến khích sự tham gia của DN, đơn vị sử dụng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp trong đánh giá kết quả đào tạo của cơ sở GDNN.

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở GDNN. Chuẩn hóa, tăng cường cơ sở vật chất thiết bị theo chuẩn, chú trọng công trình dịch vụ phụ trợ tạo môi trường học tập thân thiện, hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt của người học.

Hai là, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, gắn với việc hình thành đồng thời các cơ sở GDNN đa ngành và chuyên ngành gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững và tăng cường sự tham gia của hiệp hội nghề nghiệp, DN, đơn vị sử dụng lao động trong hoạt động GDNN. Hoàn thiện các quy định để DN là chủ thể của GDNN, được tham gia các công đoạn trong quá trình đào tạo. Thí điểm thành lập hội đồng ngành trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan QLNN về GDNN, các bộ, ngành, các DN. Áp dụng công nghệ để xây dựng hệ thống kết nối cung và cầu đào tạo trong toàn hệ thống. Phát triển hệ thống quản lý và bảo đảm chất lượng GDNN, triển khai mô hình quản lý, quản trị nhà trường theo hướng hiện đại, tinh gọn, chuyên nghiệp; nâng cao năng lực về quản lý và bảo đảm chất lượng; phát triển hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động… Đặc biệt, thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT vào học GDNN và liên thông giữa các bậc trình độ và giữa GDNN và bậc đại học; bảo đảm người đủ tiêu chuẩn và có nhu cầu được học liên thông lên trình độ cao hơn.

Ba là, nâng cao chất lượng hoạt động dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực, việc làm và nhu cầu đào tạo; trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, đánh giá độc lập, sự kiểm soát của Nhà nước, giám sát của xã hội; đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về GDNN, trong đó tập trung hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDNN.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực GDNN. Phát triển hệ thống quản lý, đánh giá và công nhận chất lượng GDNN quốc gia bảo đảm tương thích với các khung tham chiếu của khu vực. Phát triển kiểm định chất lượng GDNN và đánh giá, công nhận trường chất lượng cao, chương trình đào tạo chất lượng cao. Đẩy nhanh việc thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng GDNN độc lập. Tổ chức xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng cho các trường cao đẳng và trung cấp theo chuẩn các nước phát triển; nhận chuyển giao công nghệ quản lý, quản trị nhà trường từ các nước phát triển. Áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng và vận hành hệ thống thông tin quản lý hiện đại tại các trường trung cấp và cao đẳng (ưu tiên các trường trong danh sách được lựa chọn đầu tư thành trường chất lượng cao và các trường chất lượng cao).

Bốn là, tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển GDNN: mở rộng các quỹ khuyến học, quỹ hỗ trợ dạy nghề, khuyến khích và đẩy mạnh việc huy động, có chính sách quy định trách nhiệm và quyền lợi đối với sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các DN, các tập thể, các tổ chức quốc tế và cá nhân trong và ngoài nước cho GDNN.

Chuẩn hóa và tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị theo ngành, nghề theo chuẩn, đẩy mạnh xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa; hệ thống thiết bị thực tế ảo và các phần mềm ảo mô phỏng thiết bị dạy học thực tế trong các cơ sở GDNN…

Năm là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực GDNN. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, gắn với trách nhiệm của cơ quan QLNN về GDNN các cấp; phân cấp mạnh chức năng QLNN cho các bộ, ngành, địa phương. Hoàn thiện và nâng cao năng lực bộ máy QLNN về GDNN đáp ứng được yêu cầu thông qua việc chuẩn hóa cán bộ quản lý các cấp. Nghiên cứu để từng bước giảm can thiệp hành chính của cơ quan chủ quản đối với cơ sở GDNN công lập.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, tư vấn về GDNN. Trong đó, cần xây dựng kế hoạch truyền thông chuyên nghiệp, bài bản với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, cơ sở GDNN, nhà giáo và các cơ quan có liên quan; chủ động cung cấp thông tin kịp thời chính xác cho báo chí để định hướng dư luận, tạo niềm tin cho xã hội.