Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động

Thực trạng chính sách xuất khẩu lao động

08/10/2018 10:54:00 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT – Thời gian qua, hoạt động xuất khẩu lao động đã đem lại nhiều cơ hội việc làm tốt cho lao động Việt Nam, từ đó có đóng góp tích cực đối với kinh tế - xã hội. Nhiều năm qua, Việt Nam đã chú trọng đến việc hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến chính sách xuất khẩu lao động và coi đây là một chủ trương lớn thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động này.

Nhờ những chính sách cụ thể, thiết thực đã giúp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thuận tiện hơn

Với sự ra đời của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động dần được kiện toàn và hoàn thiện. Ngày 01/8/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, theo sau đó là các văn bản hướng dẫn cụ thể các nội dung hỗ trợ hoạt động xuất khẩu lao động như: Văn bản hướng dẫn chi tiết Luật và Nghị định, văn bản quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm, văn bản quy định về mức, cách quản lý và sử dụng tiền ký quỹ, văn bản quy định về mẫu hợp đồng, văn bản quy định các nội dung về xử phạt vi phạm hành chính…

Chính sách xuất khẩu lao động của Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi để công dân Việt Nam có đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài. Xuất khẩu lao động tại Việt Nam được chia thành 2 nhóm đối tượng chính là nhóm lao động phổ thông/giản đơn, và nhóm lao động có trình độ cao (đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học). Tuy nhiên dù thuộc nhóm nào thì một trong những khó khăn cho các xuất khẩu lao động phải đối mặt đó chính là những khoản chi phí bao gồm cả chi phí theo quy định cũng như chi phí ngoài luồng. Nhằm bảo vệ quyền lợi của xuất khẩu lao động, tránh tình trạng bắt người lao động ký quỹ số tiền quá lớn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 21/2013/TT-BLĐTBXH quy định mức trần kí quỹ mà doanh nghiệp cung ứng được nhận từ xuất khẩu lao động.. Đồng thời, để tháo gỡ khó khăn về tài chính cho xuất khẩu lao động, Nghị định số 61/2015/NĐ-CP đã đưa ra một số quy định cho vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội đối với đối tượng vay vốn đi XKLĐ thuộc diện hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và người dân tộc thiểu số; cho vay 100% chi phí từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với lao động thuộc hộ cận nghèo hoặc thân nhân của người có công với cách mạng. Các quy định này đã giải quyết phần nào những khó khăn mà xuất khẩu lao động gặp phải trong quá trình kí kết và tham gia lao động tại nước ngoài.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng của lực lượng xuất khẩu lao động, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp cung ứng xuất khẩu lao động phải tổ chức các khóa học bồi dưỡng cho xuất khẩu lao động trước khi ra nước ngoài. Công tác đào tạo nghề và kỹ năng cho các lao động chuẩn bị đi xuất khẩu được coi là khâu then chốt để xuất khẩu lao động có thể thâm nhập vào các thị trường mới, đòi hỏi trình độ tay nghề cao. Các khóa học này trang bị một khối lượng kiến thức khá đa dạng như: phổ biến pháp luật và quy định của quốc gia sở tại, đào tạo nghề và nâng cao trình độ tay nghề trong trường hợp nước tiếp nhận yêu cầu; các lớp học và phổ cập ngoại ngữ cũng như các lớp bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho xuất khẩu lao động. Nhờ được tham gia các lớp học này, khoảng cách giữa khả năng của xuất khẩu lao động và yêu cầu của các doanh nghiệp tiếp nhận xuất khẩu lao động của Việt Nam được thu hẹp lại, được các bên có liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động đánh giá cao.

Bên cạnh đó, chính sách xuất khẩu lao động của Việt Nam cũng bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài và của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đối với XKLĐ, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn quy định các nội dung có liên quan về quyền lợi cũng như trách nhiệm của XKLĐ. Trong đó, quyền của XKLĐ được quy định cụ thể như được cung cấp các thông tin về chính sách, pháp luật có liên quan và phong tục, tập quán của nước tiếp nhận người lao động; được hưởng tiền lương, tiền công, thu nhập khác, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác quy định trong các hợp đồng và điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; được doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động, pháp luật và thông lệ quốc tế trong thời gian làm việc ở nước ngoài; được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện các quyền và hưởng các lợi ích trong Hợp đồng lao động, Hợp đồng thực tập. Hiện nay, việc bảo đảm quyền, lợi ích cho XKLĐ được xử lý thông qua hai kênh chính đó là thông qua Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại; và thông qua Ban quản lý lao động Việt Nam thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (chủ yếu áp dụng đối với nước có đông lao động Việt Nam đang làm việc). Bên cạnh đó, các văn bản pháp lý cũng quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của người lao động như trách nhiệm nộp tiền ký quỹ, tìm hiểu các quy định của pháp luật có liên quan, tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài, tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động.

Đối với doanh nghiệp XKLĐ, để có thể tham gia cung ứng XKLĐ, doanh nghiệp phải được Cục Quản lý lao động nước ngoài (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cấp giấy phép kinh doanh. Đây là các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam với mức vốn pháp định của doanh nghiệp là 5 tỷ đồng, đồng thời quy định một số điều kiện chặt chẽ để được kinh doanh loại hình dịch vụ này. Để bảo vệ quyền lợi của người lao động đi làm việc tại nước ngoài, quy định hiện hành quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong việc tuyển chọn lao động, tổ chức đào tạo trước khi đưa lao động đi làm việc, phối hợp với bên nước ngoài giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến người lao động ở nước sở tại…

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan trực tiếp giúp Chính phủ quản lý hoạt động XKLĐ. Theo đó, Bộ là đơn vị chịu trách nhiệm chính về việc kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (Ban Quản lý lao động) có trách nhiệm bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; xử lý hành vi vi phạm của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định. Nhờ đó, cơ quan quản lý đã góp phần hạn chế những vi phạm của các doanh nghiệp XKLĐ cũng như góp phần tích cực ngăn ngừa các hành vi lừa đảo của các tổ chức cá nhân ngoài xã hội.

Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư mở thị trường lao động mới, thị trường có thu nhập cao, thị trường tiếp nhận nhiều người lao động thông qua việc kí kết các thỏa thuận hợp tác. Các thị trường XKLĐ chủ yếu của Việt Nam là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Bắc Phi và Trung Đông. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã đưa lao động sang làm việc tại một số nước châu Âu như Cộng hòa Séc, Phần Lan, Anh, Pháp, Italia, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumani và Slovakia. Trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là hai thị trường trọng điểm đem lại thu nhập cao, tiếp nhận nhiều lao động trong đó có lao động có trình độ chuyên môn.

Nhờ những chính sách cụ thể, thiết thực đã giúp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thuận tiện hơn, tạo điều kiện khuyến khích hoạt động XKLĐ trong thời gian qua.

Ban Biên tập