Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” trên địa bàn tỉnh

15/10/2024 08:59:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Thời gian qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh nhận thức sâu sắc sự cần thiết, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Đưa nhiệm vụ, chỉ tiêu phân luồng vào chủ trương, kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đào tạo nghề May cho lao động nông thôn tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trấn Yên

Các sở, ngành, địa phương tích cực vào cuộc, đồng hành cùng với ngành giáo dục và đào tạo trong chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông”. Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2024, UBND các  huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án năm 2024 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông được chú trọng tổ chức thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng. Trong đó, tập trung tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong việc phối hợp với ngành GD&ĐT vận động học sinh tiếp tục đi học sau tốt nghiệp THCS và THPT theo mục tiêu phân luồng của tỉnh; các địa phương đã đưa nhiệm vụ, chỉ tiêu về GDHN và PLHS vào chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức khảo sát nhu cầu tiếp tục học tập sau tốt nghiệp THCS của học sinh lớp 9, sau tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12, tập trung định hướng cho học sinh các hướng đi sau khi tốt nghiệp, lựa chọn ngành nghề phù hợp với sức học, năng lực, sở trường, nguyện vọng học tập, điều kiện hoàn cảnh gia đình…, phù hợp giữa nhu cầu học nghề với nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động; có biện pháp tư vấn riêng cho từng đối tượng học sinh. Trung tâm GDTX tỉnh, các trung tâm GDNN-GDTX, các trường trung cấp, cao đẳng đẩy mạnh liên kết tổ chức cho học viên học văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp với học nghề. Tỷ lệ học viên học văn hóa kết hợp học nghề năm học 2023 - 2024 đạt 98% (tăng 1% so với năm học 2022 - 2023).

Cùng với đó, các nhà trường tiếp tục đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp theo hướng tinh giản, thiết thực; tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; bổ sung, cập nhật các nội dung GDHN, tích hợp vào môn học và các hoạt động giáo dục. Hình thức tổ chức hoạt động hướng nghiệp cho học sinh của các nhà trường đa dạng, vận dụng linh hoạt phù hợp với từng đối tượng học sinh, hoàn cảnh gia đình học sinh; phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị: tổ chức thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các buổi sinh hoạt tập thể; các hoạt động ngoại khóa; nhiều đơn vị đã tổ chức cho học sinh tìm hiểu nghề nghiệp, tham quan, trải nghiệm thực tế tại các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh (trường THPT Chuyên, Nguyễn Huệ, Chu Văn An, Thác Bà, Sơn Thịnh, trung tâm GDNN-GDTX Trấn Yên...); gắn hoạt động giáo dục hướng nghiệp với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương, như: Du lịch cộng đồng, trồng và chế biến Sơn tra (huyện Mù Cang Chải); trồng cam, trồng chè, chế biến chè, nuôi ba ba (huyện Văn Chấn); dệt thổ cẩm, du lịch cộng đồng (TX Nghĩa Lộ); trồng bưởi, đan rọ tôm (huyện Yên Bình); trồng dâu nuôi tằm, chế biến gỗ ván ép (huyện Trấn Yên); trồng cam, làm tranh đá quý, chế tác đá mỹ nghệ (huyện Lục Yên); trồng Quế, sản xuất tinh dầu Quế (huyện Văn Yên)...

Các trường THCS, THPT, các trung tâm thường xuyên cập nhật thông tin, phổ biến rộng rãi, hướng dẫn công tác tuyển sinh (tuyển sinh THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học) kịp thời tới giáo viên, phụ huynh, học sinh lớp 9, lớp 12 theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH; tăng cường kết nối các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh để tiếp cận những thông tin định hướng nghề nghiệp, tuyển sinh; đăng tải thông tin liên quan đến công tác tuyển sinh trên website, trang facebook chính thức của trường. Phát huy vai trò của Tổ Tư vấn hướng nghiệp, giáo viên chủ nhiệm lớp để chuyển tải kịp thời thông tin đến học sinh, tư vấn định hướng cho học sinh việc chọn nghề, chọn trường phù hợp; kịp thời giải đáp thắc mắc của học sinh.

Một số đơn vị tổ chức Ngày hội “Tư vấn Hướng nghiệp - Tuyển sinh - Việc làm” năm 2024 với sự tham gia trực tiếp tư vấn của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh tổ chức hội nghị tư vấn tuyển sinh, cử các đoàn, cán bộ tuyển sinh trực tiếp tư vấn tại lớp học, phát tờ rơi,… nhằm cung cấp đầy đủ cho học sinh thông tin tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp các ngành nghề đào tạo, chế độ chính sách đối với người học, thông tin về thị trường lao động, việc làm và nhu cầu tuyển dụng, xu hướng sử dụng lao động của các doanh nghiệp, hướng dẫn lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Chú trọng việc triển khai các hoạt động giáo dục khởi nghiệp cho học sinh,   Sở GD&ĐT đã phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức Cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên. Tại Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” trong Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, tỉnh Yên Bái có 2 dự án của học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, THPT Lý Thường Kiệt, THPT Trần Nhật Duật  đoạt giải Nhì (dự án "Xuân Long Hoàng trà”)  và giải Ba (dự án “Hương Đại Minh”).

Thời gian tới, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2024; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch.

Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp những thông tin liên quan đến đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS nhưng không tiếp tục học THPT, học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không đỗ đại học để làm cơ sở định hướng học nghề, hỗ trợ công tác tuyển sinh đào tạo nghề. Chỉ đạo các trung tâm GDNN-GDTX chủ động liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp tổ chức cho học sinh vừa học văn hóa kết hợp học nghề theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng. Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, UBND các xã, phường, thị trấn trong việc tuyên truyền, vận động, định hướng cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS không học tiếp lên THPT, học sinh tốt nghiệp THPT không đi học đại học tham gia học nghề nhất là học nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp để đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao của tỉnh.

Cùng với đó, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo công tác phân luồng học sinh phổ thông năm 2024 trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông" năm 2024.

Ban Biên tập