Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động

Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái: 30 năm xây dựng và phát triển

14/02/2025 10:30:00 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành (16/02/1995-16/02/2025), với sự vào cuộc của hệ thống chính trị và tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể công chức, viên chức, người lao động, qua nhiều thế hệ, Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái (BHXH) đã không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành tích quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an dinh xã hội của Đảng và Nhà nước, góp phần tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội tại địa phương.

BHXH tỉnh Yên Bái phát triển qua các thời kỳ

Cùng với sự hình thành, xây dựng và phát triển của ngành BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Yên Bái được thành lập tại Quyết định số 128 QĐ/TC-CB ngày 22/8/1995 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 01/10/1995,  gồm 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 7 BHXH cấp huyện với 81 cán bộ, công chức, viên chức.  30 năm một chặng đường, BHXH tỉnh Yên Bái luôn nỗ lực vì nhân dân phục vụ và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương, đến nay BHXH tỉnh Yên Bái gồm 08 phòng, 08 BHXH huyện.

Những ngày đầu mới thành lập, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ của BHXH tỉnh còn thiếu thốn, đội ngũ làm công tác BHXH còn hạn chế về số lượng và chưa chuyên sâu về nghiệp vụ; đại bộ phận nhân dân, đơn vị sử dụng lao động và người lao động chưa hiểu rõ về chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Tuy nhiên, trong quá trình hình thành và phát triển, ngành BHXH tỉnh Yên Bái luôn nhận được sự quan tâm toàn diện của BHXH Việt Nam; sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái; sự phối hợp, hỗ trợ đầy trách nhiệm của các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy, chính quyền địa phương; sự ủng hộ, đồng tình của các đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân trên địa bàn; sự đoàn kết nhất trí cao của toàn thể cán bộ công chức, viên chức (CCVC) trong Ngành, chính vì vậy giúp cho BHXH tỉnh Yên Bái vượt qua những thách thức, khó khăn ban đầu tổ chức hai nhiệm vụ song song đó là: Vừa tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT tại địa phương theo đúng quy định của pháp luật, vừa xây dựng bộ máy tổ chức không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có một đội ngũ cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức, vừa có năng lực về chuyên môn đáp ứng được nhiệm vụ trong giai đoạn mới hiện nay. Qua đó, tạo điều kiện để ngành BHXH tỉnh Yên Bái thực hiện hiệu quả, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ BHXH Việt Nam và của tỉnh Yên Bái giao.

Công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác phối hợp với các Sở, ban, ngành

Trong 30 năm, BHXH tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh; BHXH cấp huyện tham mưu Huyện ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, đảm bảo thống nhất từ tỉnh xuống huyện. Có thể nói tất cả các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương trong lĩnh vực BHXH, BHYT đều được cơ quan BHXH tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Từ năm 2020 - 2024, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 69 văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh. Tại cấp huyện, bình quân hàng năm cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành từ 7-16 văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.

Quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách ngày càng tăng

Công tác quyết chế độ, chính sách BHXH, BHTN được thực hiện kịp thời, đúng quy định; đặc biệt là chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, việc giải quyết chế độ BHXH, BHTN căn cứ vào dữ liệu quản lý quá trình tham gia đóng, đảm bảo nguyên tắc "đóng - hưởng"; phương thức hoạt động được đổi mới theo hướng phục vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, tăng cường sử dụng các dịch vụ công ích, rút ngắn thời gian giải quyết, giảm phiền hà, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và Nhân dân.

BHXH, BHXH tỉnh đã ký hợp đồng với 20 đầu mối cơ sở KCB, thông qua việc ký hợp đồng với TTYT tuyến huyện để triển khai KCB BHYT với 26 PKĐK khu vực và 178 trạm y tế xã, phường. Hiện nay, toàn tỉnh có 198 cơ sở KCB BHYT từ trạm y tế, Phòng khám đa khoa khu vực, Trung tâm Y tế đến Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh tham gia KCB BHYT, gồm  07 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, 09 Bệnh viện đa khoa, Phòng khám đa khoa ngoài công lập, 08 Trung tâm Y tế tuyến huyện, 14 Phòng khám đa khoa khu vực, 159 trạm y tế xã, phường. Hệ thống KCB BHYT được tổ chức thực hiện ngày càng đa dạng từ Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện, phòng khám đa khoa khu vực đến trạm y tế, số lượng cơ sở KCB ngoài công lập cũng tham gia KCB BHYT ngày càng lớn đã giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ KCB BHYT;

Từ năm 2003 đến năm 2024, đã phối hợp với Ngành y tế đảm bảo quyền lợi cho trên 23 triệu lượt người KCB BHYT với chi phí 7.812 triệu đồng. Nếu như năm 2003 là năm đầu tiên sáp nhập 2 tổ chức, chỉ có 225 nghìn lượt bệnh nhân KCB BHYT với chi phí 7,97 tỷ đồng thì đến hết năm 2024 có 1.319 nghìn lượt bệnh nhân BHYT KCB với chí phí 862,74 tỷ đồng, tăng gấp 108 lần so với năm 2003. Quỹ KCB BHYT được sử dụng có hiệu quả và đúng quy định.

Lưới an sinh xã hội không ngừng mở rộng

Công tác thu và phát triển người tham gia. BHXH tỉnh Yên Bái luôn xác định việc mở rộng, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ để ngày càng có nhiều người thụ hưởng tính ưu việt của chế độ BHXH, BHYT Quan tâm phát triển người tham gia cả hai hình thức bắt buộc và tự nguyện, tập trung vào các khu vực có nhiều tiềm năng như: doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể có sử dụng lao động, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên, hộ gia đình…. với các biện pháp đồng bộ và phù hợp. Qua đó, người tham gia BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng và số người tham gia tăng nhanh qua từng năm.

 

 

Năm 1995 có 276 đơn vị và 20.251 lao động tham gia BHXH bắt buộc, đến hết năm 2024 đã có 3.408 đơn vị với tổng số 58.680 lao động tham gia BHXH bắt buộc, tăng 3.132 đơn vị với 38.429 lao động. Phát triển người tham gia BHXH tự nguyện được triển khai từ năm 2008; năm 2009 có số người tham gia BHXH tự nguyện là 371 người, đến nay đã đạt mức 31.776 người tham gia, so với năm 2009 tăng 85,6 lần, bình quân mỗi năm thu hút trên 1.963 người tham gia BHXH tự nguyện. Tính đến thời điểm 31/12/2024, tổng số người tham gia BHXH của toàn tỉnh là 90.456 người (tính cả số người đến hạn đóng nhưng chưa đóng) so với lực lượng lao động trong độ tuổi đạt tỷ lệ 24,3%. Từ 47.023 người tham gia BHYT năm 2004 đến nay số người tham gia BHYT toàn tỉnh là 815.995 người, đạt tỷ lệ bao phủ 95,38% dân số. Từ ngày 01/01/2009 triển khai bảo hiểm thất nghiệp, giúp hỗ trợ NLĐ trong trường hợp bị mất việc làm, nếu như năm 2009 có số người tham gia là 15.730 người thì đến 31/12/2024 có số người tham gia là 50.462 người, so với năm 2009, tăng 34.732 người.

Số thu BHXH, BHYT, BHTN hàng năm luôn hoàn thành, hoàn thành vượt mức kế hoạch BHXH Việt Nam giao, với tổng số thu trong 30 năm đạt 21.493 tỷ đồng ( năm 1995 tổng số thu là 4,5 tỷ đồng, thì đến hết năm 2024 số thu là 2.378,6 tỷ đồng, tăng gấp 528 lần. Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây số thu bình quân tăng 129 tỷ đồng/năm, số thu năm 2024 tăng gấp hơn 2 lần so với số thu năm 2014).

Công tác truyền thông; phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHTN, BHYT

BHXH tỉnh luôn chú trọng, tập trung triển khai đa dạng các phương thức truyền thông theo hướng hiện đại, thân thiện. Trong đó đã Tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn, các cơ quan báo chí tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng; Công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT trên Cổng Thông tin điện tử BHXH tỉnh và các kênh truyền thông mạng xã hội của Ngành (Fanpage BHXH, Zalo của BHXH tỉnh) tiếp tục được quan tâm thực hiện hiệu quả.

Từ năm 1995 đến nay, đã tổ chức 52.756 hội nghị truyền thông trực tiếp, trong đó: 3.499 cuộc hội nghị tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, đối thoại, tập huấn trực tiếp xuống tận cơ sở; 49.257 cuộc truyền thông theo nhóm nhỏ; qua đó giúp cho người dân hiểu được quyền lợi chính sách BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước, cùng tham gia chung tay thực hiện BHXH, BHYT toàn dân. Phối hợp với Báo, đài địa phương và Trung ương tăng cường truyền thông về chính sách BHXH, BHYT qua các chuyên trang, chuyên mục định kỳ hàng tháng, xây dựng 8.375 chuyên trang, chuyên mục cố định.

Cổng Thông tin điện tử BHXH tỉnh từ năm 2012 đến nay đã có 3.359 tin, bài và hơn 1,5 triệu lượt truy cập; số lượt đăng tải, chia sẻ các sản phẩm truyền thông trên Fanpage, Zalo OA, Youtube của đơn vị 5.392 lượt; số lượt đăng tải là 30.082 lượt,…

Nâng cao chất lượng phục vụ vì sự hài lòng của người dân, DN

Những năm qua, BHXH tỉnh Yên Bái luôn xác định cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ngành. Ngành đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp mạnh mẽ, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính (TTHC), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số, tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân tham gia, thụ hưởng chính sách và được BHXH Việt Nam cùng cộng đồng DN, người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Từ năm 2009 đến nay đã thực hiện cắt giảm từ 263 TTHC xuống còn 25 TTHC (giảm 78%), số giờ thực hiện thủ tục hành chính đã giảm 86%, trong đó 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4, thực hiện giao dịch điện tử với các tổ chức, cá nhân ở tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ… Theo đó, gần như tất cả các hoạt động của Ngành, cũng như các giao dịch của người tham gia, đơn vị sử dụng lao động với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên môi trường số; người dân, đơn vị có thể giao dịch với cơ quan BHXH mọi lúc, mọi nơi. (tính đến thời điểm báo cáo trên địa bàn tỉnh có 2.556/2.739 đơn vị đủ điều kiện, thực hiện giao dịch điện tử đạt tỷ lệ 93%). Cùng với đó là việc đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận và trả kết quả (tiếp nhận trực tiếp, tiếp nhận và trả kết hồ sơ qua bưu điện, giao dịch điện tử), đến nay, doanh nghiệp không phải xếp hàng, chờ lấy số làm thủ tục nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan BHXH như trước đây. Ngoài ra, hàng loạt các tiện ích khác như đưa hệ thống phần mềm nghiệp vụ vào sử dụng thống nhất từ Trung ương tới địa phương; triển khai nhiều dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực chi trả chế độ; nhiều phần mềm nghiệp vụ, quản lý đã được sửa đổi, nâng cấp, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người tham gia, hưởng chính sách BHXH, BHYT. 

Đến nay, 100% quy trình nghiệp vụ của ngành được thực hiện liên thông trên môi trường điện tử các kết quả được số hóa toàn diện. Các quy trình nghiệp vụ được tái cấu trúc một cách triệt để nhằm đơn giản hóa tối đa về thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC.

Đặc biệt với công nghệ sinh trắc ứng dụng trên CCCD gắn chip hoặc với hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VneID, VssID chỉ mất khoảng 6-15 giây để hoàn thành thủ tục đăng ký KCB.

 Triển khai thực hiện mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 của ngành. Qua đó, đáp ứng yêu cầu cải tiến quy trình hoạt động nghiệp vụ trong giải quyết TTHC và quy trình giải quyết công việc nội bộ của các đơn vị theo đúng quy định.

Công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong những năm qua, toàn Ngành đã luôn chú trọng cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ; quyết liệt chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, tác phong làm việc chuyển từ hành chính sang phục vụ. Tại BHXH tỉnh, công tác cải cách TTHC và ứng dụng CNTT, chuyển đổi số tiếp tục được tập trung chỉ đạo, nhằm giảm thủ tục, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi nhất cho các đơn vị, cá nhân giao dịch với cơ quan BHXH, hướng tới phục vụ tốt nhất quyền lợi người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, toàn bộ ứng dụng CNTT ngành BHXH đã được triển khai theo kiến trúc Chính phủ điện tử được xây dựng theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Ngành BHXH đã triển khai 28 hệ thống phần mềm, đảm bảo xử lý 100% quy trình nghiệp vụ của ngành trên môi trường điện tử; 100% CCVC và NLĐ của ngành được định danh và cấp chữ ký số phục vụ quản lý, giải quyết các hoạt động nghiệp vụ; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của BHXH Việt Nam được thực hiện trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành điện tử eoffice; đảm bảo 100% văn bản trao đổi giữa các đơn vị được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng; 100% hồ sơ được tạo lập, lưu trữ chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.

Triển khai ứng dụng VssID-BHXH số trên thiết bị di động là bước đột phá mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam. Sau gần 4 năm triển khai, ứng dụng VssID ngày càng khẳng định và phát huy vai trò hữu ích của mình trong việc cung cấp thông tin chính sách về BHXH, BHYT, BHTN; thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia; sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT thay cho thẻ BHYT giấy; cung cấp các dịch vụ công dành cho cá nhân phục vụ giao dịch với cơ quan BHXH;… giúp người tham gia chủ động quản lý thông tin, trực tiếp giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN để đảm bảo quyền lợi an sinh cho chính mình. Đặc biệt, tại những thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc sử dụng ứng dụng đã góp phần hiệu quả trong việc giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Đến nay BHXH tỉnh đã phê duyệt cho gần 200 ngàn tài khoản giao dịch điện tử cá nhân (dùng để đăng nhập và sử dụng Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam và ứng dụng VssID), chiếm 22% người tham gia trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư ngay từ khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức. Tại tỉnh Yên Bái, số lượng người có CCCD/ĐDCN đã được cập nhật, xác thực, đồng bộ với CSDL Quốc gia về dân cư: 775.151 người đang tham gia (đạt 99,6% tổng số người đang tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh).

Hiện tại có 198/198 cơ sở KCB BHYT (đạt 100%) đã phối hợp thực hiện và triển khai tiếp đón người bệnh đi KCB BHYT bằng CCCD có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNeID (áp dụng đối với công dân đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp). Toàn bộ các TTHC của BHXH Việt Nam đủ điều kiện đã được cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình. Trên cơ sở quy định về điều kiện cung ứng DVC trực tuyến toàn trình và thực tiễn, BHXH Việt Nam ký ban hành Quyết định số 838/QĐ-BHXH ngày 5/6/2024 công bố danh mục 70 DVC trực tuyến đạt mức độ toàn trình, trong đó có 2 DVC liên thông theo Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời phối hợp với Sở Y tế hỗ trợ các cơ sở KCB trong việc tạo lập và liên thông dữ liệu Giấy khám sức khỏe lái xe, Giấy chứng sinh, Giấy báo tử điện tử lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT.

Có thể nói, từ năm 1995 đến nay, với sự cố gắng, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, CCVC, BHXH tỉnh Yên Bái đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành quả quan trọng. Qua đó, vị thế của Ngành BHXH Việt Nam nói chung và BHXH tỉnh Yên Bái nói riêng được nâng cao không chỉ trong hệ thống chính trị mà cả trong nhận thức của người dân, trong đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp và là một chủ thể quan trọng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách của hệ thống an sinh xã hội của Đất nước và hướng đến phát triển hệ thống đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, nâng cao tính hấp dẫn, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người dân cũng như các chủ thể tham gia BHXH, BHYT…

Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; đồng thời là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Tình hình kinh tế vẫn còn những điểm nghẽn, nhiều khó khăn; các vấn đề xã hội, dịch bệnh, thiên tai, an ninh mạng… Tiếp tục áp lực lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Trước bối cảnh đó, BHXH tỉnh Yên Bái tiếp tục đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm, thống nhất phương châm hành động trong toàn ngành. Bám sát tình hình thực tiễn và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực được giao, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT, BHTN trong tình hình mới, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất các chỉ tiêu được giao, trong đó ghi dấu mốc ấn tượng cho giai đoạn 30 năm xây dựng và phát triển vào năm 2025 tới đây.  

 

 

 

 

Ban Biên tập