Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động

Văn Chấn Công tác đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm

15/10/2019 15:49:00 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Văn Chấn luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và đang phát huy tốt hiệu quả. Dù là nghề nông nghiệp hay phi nông nghiệp, sau khi học tại các lớp đào tạo nghề, phần lớn các học viên đã phát huy được nghề tại địa phương hoặc tại một số doanh nghiệp.

Lớp học nghề thêu thổ cẩm huyện Văn Chấn

Điểm nổi bật trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Văn Chấn những năm gần đây là đào tạo nghề gắn với tạo việc làm mới cho lao động bằng hình thức liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. 

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) ở huyện Văn Chấn luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, chú trọng. Phần lớn các học viên sau khi học nghề đã phát huy ngành nghề được đào tạo, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để mở các lớp dạy nghề, tuyên truyền, tư vấn các chính sách về công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm thông qua các buổi họp từ xã, thị trấn đến các thôn, bản. 

Năm 2018 vừa qua, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã phối hợp với các cơ sở dạy nghề trong và ngoài huyện thực hiện nhiều giải pháp để tuyển sinh học nghề ở các cấp, liên thông, liên kết đào tạo và dạy nghề cho 2.704 người, đạt 106,88% kế hoạch; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt trên 85%. 

Để công tác dạy nghề phù hợp với yêu cầu và nguyện vọng của người dân, hiện nay, Trung tâm đang đưa 17 nội dung dạy nghề vào giảng dạy. Trong đó, nghề phi nông nghiệp như: sửa chữa điện dân dụng, sửa chữa xe máy, may mặc, gò hàn...; nghề nông nghiệp như: trồng trọt, chế biến nông sản, chăn nuôi - thú y, sản xuất rau an toàn, chế biến chè... 

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề gặp phải một số  khó khăn như: công tác thông tin quảng bá về học nghề còn ít; kinh phí cấp cho vận chuyển trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy còn thấp; thù lao cho giáo viên giảng dạy chỉ phù hợp với các xã vùng thấp.

Điểm nổi bật trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở huyện Văn Chấn những năm gần đây là thực hiện đào tạo nghề gắn với tạo việc làm mới cho lao động bằng hình thức liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.  Mặt khác, người lao động cũng tự tạo việc làm ngay tại gia đình mình dưới nhiều hình thức như đưa kiến thức được học vào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. 

Điển hình như nghề trồng nấm được phát triển khá mạnh ở xã Sơn A, Phúc Sơn; nuôi lợn ở Phù Nham, Thanh Lương; trạm khắc đá ở Sơn Thịnh... Qua tìm hiểu thực tế công tác đào tạo nghề cho LĐNT của huyện Văn Chấn được biết, một số cơ sở tham gia tuyển dụng dạy nghề đang gặp phải một số khó khăn khác như: một số chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo nghề; trên địa bàn huyện không có nhiều công ty, doanh nghiệp tuyển dụng lao động sau khi học nghề; chính sách hỗ trợ dạy nghề còn thấp; đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu về số lượng; một số nghề đào tạo chưa đáp ứng được thị trường lao động… ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cũng như tuyển sinh hàng năm trên địa bàn.

Xác định công tác đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm sẽ góp phần đắc lực cho công tác xóa đói giảm nghèo, tăng cường nguồn nhân lực qua đào tạo, đáp ứng các yêu cầu về phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn trong thời kỳ hội nhập hiện nay.  Do đó năm 2019, cùng với nhiều giải pháp tích cực, huyện Văn Chấn phấn đấu đào tạo nghề cho 2.560 LĐNT. Trong đó, cao đẳng nghề 150 người, trung cấp nghề 230 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 1.490 người... Phấn đấu đến năm 2020 nâng tỷ lệ LĐNT được đào tạo nghề trên toàn huyện đạt hơn 60%. 

 

Ban Biên tập