Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động

Mù Cang Chải chú trọng đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn

25/10/2019 09:33:00 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Đào tạo nghề nông nghiệp được huyện Mù Cang Chải xác định là trọng tâm trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đào tạo nghề nông nghiệp được gắn với tái cơ cấu, tạo đột phá, nâng cao năng suất trong sản xuất, cải thiện thu nhập cho đồng bào vùng cao.

Chị Hờ Thị Dê hướng dẫn hội viên thêu dệt thổ cẩm

Huyện Mù Cang Chải hiện có trên 91 % dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp. Những năm qua, Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề - Giáo dục thường xuyên huyện Mù Cang Chải luôn chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giúp bà con ổn định cuộc sống. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã mở 07 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 205 học viên tham gia; Thực hiện xã hội hóa học nghề và tập huấn kỹ thuật của lao động nông thôn cho 575 người. Số lao động qua đào tạo là 11.456/33.234 người, đạt tỷ lệ 34,5% kế hoạch. Phần lớn các học viên đều phát huy được hiệu quả ngành nghề đã học ngay tại địa phương hoặc được tuyển dụng vào làm trong các doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế xã hội.

Anh Giàng A Chang ở xã La Pán Tẩn là chủ nhân của gần 40 đõ ong mật và trên 1,5 ha nương, ruộng cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm. Anh cho biết: "Được đào tạo về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, tôi hài lòng nhất là biết được đặc tính của con ong mật, nắm được cách làm đõ, cho ăn và giữ được ong không bay ra khỏi đõ lúc thay đổi khí hậu và khi thức ăn khan hiếm…”. 

Chị Lý Thị Pàng ở xã Cao Phạ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo nghề dệt may thổ cẩm trong chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Là đối tượng thuộc diện hộ nghèo, quá trình đi học được Nhà nước hỗ trợ kinh phí ăn ở, sau khóa học, chị đã tự tạo được việc làm với thu nhập ổn định. Chị Pàng cho biết: "Trước kia, tôi chỉ biết làm nông nghiệp, sau khóa học, những lúc nông nhàn tôi đã may áo, váy thổ cẩm để dùng và bán, nhờ đó cho thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng”. 

Những người như chị Pàng, anh Chang là đối tượng được đào tạo nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mù Cang Chải.

Một trong những cách làm hay mang lại hiệu quả trong công tác dạy nghề ở huyện Mù Cang Chải là thực hiện mô hình dạy nghề lưu động cho nông dân, nhất ở các xã vùng sâu, vùng xa. Huyện đã chỉ đạo Trung tâm hướng nghiệp dạy - Giáo dục thường xuyên huyện đã tổ chức các lớp đào tạo ngắn ngày như truyền đạt kỹ năng trồng, chăm sóc cây sơn tra, đan lát, điện dân dụng, kỹ thuật sửa chữa xe máy và kỹ thuật trồng trọt…tạo điều kiện cho lao động nông thôn có kiến thức, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Nhờ vậy, sau khi được đào tạo nhiều lao động ở nông thôn đã có việc làm và biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm giàu chính đáng tại địa phương mình.

Từ thực tế trên, xác định đào tạo nghề nông nghiệp là trọng tâm, gắn với tái cơ cấu, trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề, tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần tích cực vào mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững của huyện.

 

Ban Biên tập