Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English
Câu hỏi mới
Hỏi đáp xem nhiều

Câu hỏi:

Bố mẹ tôi có một khoảnh đất rừng khai hoang từ những năm 1980 canh tác từ đó đến nay nhưng chưa làm sổ đất rừng. Vậy tôi xin hỏi thủ tục để làm sổ đất vườn rừng như thế nào? Phí và lệ phí ra sao? Bố tôi là người có công có được hưởng ưu đãi gì trong việc làm sổ không? Vì hiện nay đất gia đình đang ở không phải đóng thuế . Tôi xin chân thành cảm ơn!

Người hỏi: Công dân Mai Thu / Địa chỉ: Thành phố Yên Bái / Ngày hỏi: 26/11/2019

Câu trả lời:

Sau khi xem xét, Ủy ban nhân dân thành phố có ý kiến như sau:

1. Về thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu: được thực hiện theo điểm a, điểm b, điểm c Mục I .7 Quyết định số 2981/QĐ-UBND ngày 11/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc công bố các thủ tục hành chính được chuẩn hóa, các thủ tục hành chính bị bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước về Tài nguyên và Môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Yên Bái như sau:

7. Thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu

a) Trình tự thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký đất đai và Phát triển quỹ đất cấp huyện hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện hoặc tại UBND cấp xã. Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trong giờ làm việc, trừ các ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết.

Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Bước 2: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả và trao Phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người nộp hồ sơ.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã (cán bộ địa chính cấp xã) phải chuyển hồ sơ đến Văn phòng Đăng ký đất đai và Phát triển quỹ đất cấp huyện.

Bước 3: Văn phòng Đăng ký đất đai và Phát triển quỹ đất cấp huyện cập nhật thông tin thửa đất đăng ký vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai (nếu có).

b) Cách thức thực hiện

Người sử dụng đất nộp hồ sơ trực tiếp tại Văn phòng Đăng ký đất đai và Phát triển quỹ đất cấp huyện hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện hoặc tại UBND cấp xã.

c) Thành phần, số lượng hồ sơ

1. Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK;

2. Một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất (bản sao) như sau:

2a) Giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

2b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

2c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;

2d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

2đ) Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;

2e) Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất:

- Bằng khoán điền thổ;

- Văn tự đoạn mãi bất động sản (gồm nhà ở và đất ở) có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ;

- Văn bản mua bán nhà ở, tặng cho nhà ở, đổi nhà ở, thừa kế nhà ở mà gắn liền với đất ở có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ;

- Bản di chúc hoặc giấy thỏa thuận tương phân di sản về nhà ở được cơ quan thuộc chế độ cũ chứng nhận;

- Giấy phép cho xây cất nhà ở hoặc giấy phép hợp thức hóa kiến trúc cửa cơ quan thuộc chế độ cũ cấp;

- Bản án của cơ quan Tòa án của chế độ cũ đã có hiệu lực thi hành;

- Các loại giấy tờ khác chứng minh việc tạo lập nhà ở, đất ở nay được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất ở công nhận.

2g) Một trong các giấy tờ lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 có tên người sử dụng đất, bao gồm:

- Sổ mục kê đất, sổ kiến điền lập trước ngày 18 tháng 12 năm 1980.

-  Một trong các giấy tờ được lập trong quá trình thực hiện đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị số 299-TTg ngày 10 tháng 11 năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước do cơ quan nhà nước đang quản lý, có tên người sử dụng đất bao gồm:

+ Biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã xác định người đang sử dụng đất là hợp pháp; 

+ Bản tổng hợp các trường hợp sử dụng đất hợp pháp do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã hoặc cơ quan quản lý đất đai cấp huyện, cấp tỉnh lập;

+ Đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất đối với trường hợp không có biên bản xét duyệt và Bản tổng hợp các trường hợp sử dụng đất hợp pháp.

- Dự án hoặc danh sách hoặc văn bản về việc di dân đi xây dựng khu kinh tế mới, di dân tái định cư được Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Giấy tờ của nông trường, lâm trường quốc doanh về việc giao đất cho người lao động trong nông trường, lâm trường để làm nhà ở (nếu có).

- Giấy tờ có nội dung về quyền sở hữu nhà ở, công trình; về việc xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình được Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở, xây dựng chứng nhận hoặc cho phép.

- Giấy tờ tạm giao đất của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh; Đơn đề nghị được sử dụng đất được Ủy ban nhân dân cấp xã, hợp tác xã nông nghiệp phê duyệt, chấp thuận trước ngày 01 tháng 7 năm 1980 hoặc được Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh phê duyệt, chấp thuận.

- Giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giao đất cho cơ quan, tổ chức để bố trí đất cho cán bộ, công nhân viên tự làm nhà ở hoặc xây dựng nhà ở để phân (cấp) cho cán bộ, công nhân viên bằng vốn không thuộc ngân sách nhà nước hoặc do cán bộ, công nhân viên tự đóng góp xây dựng. Trường hợp xây dựng nhà ở bằng vốn ngân sách nhà nước thì phải bàn giao quỹ nhà ở đó cho cơ quan quản lý nhà ở của địa phương để quản lý, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2h) Bản sao các giấy tờ lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 có tên người sử dụng đất nêu tại điểm g có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành cấp huyện, cấp tỉnh đối với trường hợp bản gốc giấy tờ này đã bị thất lạc và cơ quan nhà nước không còn lưu giữ hồ sơ quản lý việc cấp loại giấy tờ đó.

2i) Một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất nêu tại các điểm a, b, c, d , đ, e, g và h trên đây mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan.

2k) Hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành.

2l) Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ ngày 15/10/1993 đến ngày 01/7/2014.

2m) Giấy xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng đối với trường hợp cộng đồng dân cư đang sử dụng đất.

3. Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất - nếu có (bản sao).

4. Trường hợp có đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.

Số lượng hồ sơ: 1 bộ.

Hiện nay việc tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố được thực hiện tại Bộ phận phục vụ hành chính công của thành phố Yên Bái, địa chỉ tại tổ 2, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị bố mẹ bà Mai Thu chủ động liên hệ.

            2. Về phí và lệ phí; chính sách đối với người có công trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của bố mẹ bà Mai:

            - Về các loại phí phải nộp gồm:

+ Phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện theo khoản b Điều 7 Quyết định số 52/2016/QĐ-UBND ngày 23/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về Ban hành một số loại phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Yên Bái thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh;

Điều 7. Phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

...

b) Mức thu phí:

     

Số TT

Nội dung

Đơn vị tính

Mức thu

Mức thu cấp mới

Mức thu cấp đổi, cấp lại

I

Mức thu đối với hộ gia đình, cá nhân

1

Đất làm nhà ở

 

 

 

2

Đất sản xuất

 

 

 

 

Quy mô diện tích < = 0,1ha

Đồng/hồ sơ

140.000

70 .000

 

0,1 ha < QMDT < = 0,2 ha

Đồng/hồ sơ

160.000

80.000

 

0,2 ha < QMDT < = 0,3 ha

Đồng/hồ sơ

180.000

90.000

 

0,3 ha < QMDT < = 0,4 ha

Đồng/hồ sơ

200.000

100.000

 

0,4 ha < QMDT < = 0,5 ha

Đồng/hồ sơ

220.000

110.000

 

Quy mô diện tích > 0,5 ha

Đồng/hồ sơ

280.000

140.000

 

+ Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện theo khoản 1 Điều 2, khoản 2 Điều 3 Thông tư số 106/2010/TT-BTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tài chính về hướng dẫn lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau:

“Điều 2. Mức thu lệ phí cấp Giấy chứng nhận

1. Đối với hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; phường nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh: Mức thu tối đa không quá 100.000 đồng/giấy đối với cấp mới; tối đa không quá 50.000 đồng/lần cấp đối với cấp lại (kể cả cấp lại Giấy chứng nhận do hết chỗ xác nhận), cấp đổi, xác nhận bổ sung vào Giấy chứng nhận.

Trường hợp Giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình, cá nhân chỉ có quyền sử dụng đất (không có nhà và tài sản khác gắn liền với đất) thì áp dụng mức thu tối đa không quá 25.000 đồng/giấy cấp mới; tối đa không quá 20.000 đồng/lần cấp đối với cấp lại (kể cả cấp lại Giấy chứng nhận do hết chỗ xác nhận), cấp đổi, xác nhận bổ sung vào Giấy chứng nhận.

...

Điều 3. Miễn lệ phí.

...

2. Miễn lệ phí cấp Giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và các phường nội thành thuộc thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh (quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này) được cấp Giấy chứng nhận ở nông thôn thì không được miễn lệ phí cấp Giấy chứng nhận”.

Do bà Mai không nêu địa chỉ thửa đất cụ thể nên Ủy ban nhân dân thành phố cung cấp các văn bản nêu trên để gia đình tham khảo. Ngoài ra khi cấp giấy chứng nhận gia đình còn phải trả phí đo đạc cho đơn vị đo đạc nếu thửa đất có sự biến động về ranh giới, diện tích so với bản đồ địa chính.

            - Về lệ phí trước bạ:

            Căn cứ khoản 6 Điều 9 Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định:

            “Điều 9. Miễn lệ phí trước bạ.

            ...

6. Đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân tự khai hoang phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, không có tranh chấp mà được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Như vậy theo đơn trình bầy của gia đình bà Mai Thu thì toàn bộ diện tích đất rừng do gia đình tự khai phá sẽ không phải nộp lệ phí trước bạ khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Về chính sách ưu đãi đối với người có công trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của bố mẹ bà Mai:

  “Điều 2.

1. Tuỳ theo điều kiện và khả năng của địa phương, việc hỗ trợ người có công với Cách mạng cải thiện nhà ở có thế áp dụng một trong các hình thức sau đây:

- Tặng nhà tình nghĩa;

- Hỗ trợ kinh phí để xây dựng hoặc sữa chữa nhà ở;

- Hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần tiền sử dụng đất khi bán nhà của Nhà nước hoặc khi giao đất làm nhà ở;

- Các hình thức hỗ trợ khác.”

Như vậy chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng chỉ áp dụng khi nhà nước giao đất làm nhà ở (Giao đất có thu tiền sử dụng đất) còn thửa đất của bố mẹ bà Mai Thu là đất rừng (đất nông nghiệp) thuộc trường hợp được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Do vậy không áp dụng chính sách ưu đãi đối với người có công trong thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp.

 Trên đây là ý kiến của Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái về việc trả lời câu hỏi trên Cổng thông tin điện tử của công dân công dân Mai Thu.

Cổng Thông tin điện tử tỉnh trân trọng cảm ơn UBND thành phố Yên Bái đã có ý kiến trả lời công dân!

Tệp đính kèm

Ngày trả lời: 09/03/2020