Ngày 10/12/2024, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3988/QĐ-BVHTTDL công nhận nghệ thuật “Khắp cọi” của người Tày, huyện Lục Yên, huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
I. Tên gọi của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
1. “Khắp cọi” của người Tày
2. Tên gọi khác: Lượn cọi, hát khắp, hát cọi, khắp, cọi.
II. Loại hình
Nghệ thuật trình diễn “Khắp cọi” của người Tày được xếp vào loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian.
III. Quyết định công bố Di sản văn hóa phi vật thể
Quyết định số 3988/QĐ-BVHTTDL, ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch công nhận nghệ thuật “Khắp cọi” của người Tày, huyện Lục Yên, huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

IV. Địa điểm phân bố Di sản
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “nghệ thuật “Khắp cọi” của người Tày được phân bổ trên cơ sở lưu trú của cộng đồng người Tày huyện Lục Yên và huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái
V. Chủ thể văn hóa
Cộng đồng người Tày ở huyện Lục Yên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
VI. Miêu tả về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
1. Quá trình ra đời và tồn tại của di sản
1.1. Quá trình ra đời của di sản
Từ “Khắp cọi” trong tiếng Tày không có nghĩa trong tiếng Việt, người ta chỉ hiểu đó là một cách hát, một kiểu hát của người Tày và tên gọi “Khắp cọi” được tìm thấy trong câu chuyện dân gian trên ở huyện Lục Yên. Phân tách ra trong tiếng Tày, từ “khắp” không có nghĩa nhưng trong tiếng Thái thì “khắp” có nghĩa là “hát”, từ “cọi” được người Tày dùng để chỉ một làn điệu dân ca trữ tình của tộc người. Vậy nên, tên gọi này khả năng gợi cho ta những vấn đề về nguồn gốc, địa vực cư trú và những giao thoa văn hóa giữa tộc người Tày và tộc người Thái (hai tộc người cùng nằm trong nhóm ngôn ngữ Tày – Thái và có nhiều nét tương đồng về văn hóa nói chung) ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam mà các huyện Lục Yên, Yên Bình của tỉnh Yên Bái chính là nơi giáp ranh, chuyển tiếp về mặt địa lý tự nhiên và khả năng cả về địa văn hóa.
Đối với cộng đồng người Tày ở vùng văn hóa sông Chảy (phía Đông của tỉnh Yên Bái), tiếp giáp với các tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang có nhiều nét văn hóa tương đồng với người Tày ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Đồng bào có nền văn hóa lâu đời và được duy trì bền vững trong đời sống cộng đồng. Từ các dạng thức văn hóa vật chất như những nếp nhà sàn truyền thống, các giá trị ẩm thực, những bộ trang phục màu chàm với dây dao “slaicha” đến các yếu tố văn hóa tinh thần độc đáo như các lễ hội, các nghi lễ theo chu kỳ đời người, theo chu kỳ nông nghiệp, nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc, hệ thống tri thức dân gian, các nghề thủ công truyền thống, tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian,… Tất cả các dạng thức văn hóa này đều được duy trì phổ biến trong cộng đồng, xứng đáng được tôn vinh, bảo tồn, phát huy trong điều kiện xã hội có nhiều biến đổi như hiện nay.
Riêng đối với nghệ thuật trình diễn “Khắp cọi” của người Tày thì ở vùng sông Chảy là phổ biến và đặc sắc hơn cả. “Khắp cọi” vốn gắn bó với đồng bào Tày từ lâu đời, không chỉ hiện hữu trong các hình thức diễn xướng, lễ hội mà còn gắn với nhiều hoạt động trong đời sống thường nhật của cộng đồng. Đặc biệt, khi muốn tìm người yêu, muốn kết duyên, nam thanh nữ tú đều phải “Khắp cọi” giao duyên để tìm hiểu. Bởi thế, họ phải học “Khắp cọi” từ khi còn nhỏ. Có thể nói, “Khắp cọi” là món ăn tinh thần không thể thiếu của cộng đồng người Tày vùng sông Chảy, tỉnh Yên Bái. Vậy “Khắp cọi” là gì? Nguồn gốc của loại hình nghệ thuật này như thế nào?
Cộng đồng người Tày ở vùng Lục Yên, Yên Bình thường truyền nhau câu chuyện kể về sự ra đời của tiếng “Khắp cọi” như sau:
Ngày xưa, có một ông cụ già trong làng ra ngồi trên hòn đá bên bờ suối câu cá. Bỗng có ngọn gió ào qua bụi tre bên bờ suối nơi ông ngồi. Cơn gió đẩy các cây tre cọ vào nhau phát ra âm thanh kẽo kẹt hòa quyện cùng với thác nước chảy, nghe hay làm sao. Thổn thức lòng người, ông già tự dưng mở miệng "hới lả" vọng theo, thấy người thanh thản, nhẹ nhõm, quên cả cái đói, cái mệt. Ông già nghĩ: có thể Thiên Nhan Thượng Đế đã ban thưởng tiếng hát cho người Tày mình đây? Ông về nhà gọi mọi người đến truyền dạy lời hát. Tuy nhiên, để lời hát được hấp dẫn hơn thì phải có nhạc cụ kèm theo. Ông lấy da ếch bọc ống nứa, căng 2 sợi dây tơ tằm rồi bện mấy sợi lông đuôi ngựa làm cung để kéo đi, kéo lại (cò cử) sau này gọi là nhị 2 dây. Tiếp đó, ông lấy ống nứa tép dùi thành 7 lỗ để thổi tạo tiếng nước chảy, sau này gọi là sáo (biẻm). Từ đấy, hát “Khắp cọi” có nhị (dỉ dèn) và có sáo (biẻm) đệm theo.
Tiếng “khắp” là theo âm thanh của dòng suối chảy, tiếng “cọi” là theo âm thanh của gió thổi tác động vào cây tre, cây nứa. Tiếng “Khắp cọi” ra đời từ đó.
Câu chuyện này được truyền lại rất rõ trong nội dung bài hát: hỏi gốc khắp gốc cọi (sam cốc khắp - cốc cọi) và kể gốc khắp gốc cọi (kể cốc khắp - cốc cọi) trong chặng 1, phần II: Hát giao duyên hỏi - đáp, được sưu tầm tại xã Mường Lai, huyện Lục Yên. Đó là nguồn gốc của “Khắp cọi” theo truyền thuyết được các nghệ nhân trong cộng đồng tộc người kể lại.
Xét về mặt khoa học lịch sử, để xác định nguồn gốc của nghệ thuật này, chúng tôi nhận thấy: nghệ thuật “Khắp cọi” nói riêng cũng như các loại hình nghệ thuật trình diễn khác nói chung thường xuất phát từ quá trình lao động sản xuất và óc tư duy sáng tạo của con người với nghệ thuật, là nhu cầu tinh thần giúp cho người ta vơi đi cái mệt nhọc trong lao động, ham lao động hơn, lao động hiệu quả hơn, làm cho con người gần nhau hơn, hiểu nhau hơn. Có thể trong quá trình lao động trên những mảnh ruộng, triền nương ít người, nhiều cây rừng, muông thú, người ta ngân nga tạo nên âm thanh để tránh thú dữ, để xua đi cảm giác sợ hãi nơi rừng núi vắng bóng người, để con người nhận thấy nhau ở nơi rừng sâu núi thẳm ấy. Lúc đầu có thể chỉ là những âm thanh rời nhau, đứt quãng, chỉ là những câu hát, thậm chí là câu nói đơn giản, không có nhịp điệu, âm vần. Sau dần, bằng tài năng, óc sáng tạo nghệ thuật và sự bồi đắp qua nhiều thế hệ tộc người, những lời ca ấy được bổ sung, hoàn thiện, tạo nên những bài “Khắp cọi” theo giai điệu, có tiết tấu kèm theo những nhạc cụ đệm để trình diễn ở những không gian và thời gian khác nhau.
Việc biến tấu, sử dụng các loại hình nghệ thuật như thế nào là tùy thuộc vào óc sáng tạo, khả năng cảm nhận, môi trường sống cũng như lịch sử cư trú của mỗi cộng đồng tộc người. “Khắp cọi” của người Tày cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nó cũng được ra đời do nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của con người trong quá trình lao động sản xuất và được cộng đồng tộc người hoàn thiện dần dần trong quá trình lịch sử. Nhu cầu về đời sống tinh thần cộng với sự sáng tạo nghệ thuật và môi trường cư trú truyền thống đã quy định sự ra đời và tồn tại của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Trải qua hàng trăm, hàng ngàn năm, nó được đúc kết, lưu truyền và phát triển rực rỡ như ngày nay. Đây được coi là sản phẩm của cả cộng đồng, của nhiều thế hệ tộc người cùng hun đúc, hoàn thiện.
Nghệ thuật “Khắp cọi” được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng tộc người Tày, nó gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Người Tày ở Việt Nam thường cư trú ở khu vực miền núi, ven những con sông, con suối lớn, làm ruộng nước ở những cánh đồng thung lũng trước núi, cư trú thành bản trên những nếp nhà sàn. Trong cuộc mưu sinh để tồn tại và phát triển, người Tày luôn cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, chế ngự nguồn nước, anh dũng đấu tranh chống lại kẻ thù và thú dữ. Với đặc điểm của cư dân nông nghiệp điển hình, ở môi trường và tập quán cư trú như vậy, mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, cộng đồng muốn tập hợp lại tổng kết một chu kỳ nông nghiệp, ăn mừng được mùa cùng nhau nhảy múa, hát ca, gặp gỡ, giao lưu, sẻ chia, tâm sự, tìm bạn đời, … Và để diễn tả tâm tư tình cảm trong những hoàn cảnh cụ thể đó, người ta sử dụng những lời hay ý đẹp, mượn những hình ảnh quen thuộc trong môi trường sống hằng ngày để ví von, diễn tả tâm trạng, viết nên những vần thơ để rồi người hát sử dụng những vần thơ đó thể hiện tâm tư với người đối diện giúp hiểu nhau hơn, gần nhau hơn, sẻ chia nỗi niềm, tăng cường tình làng nghĩa xóm, gắn kết yêu thương đôi lứa, … để sinh động và hấp dẫn hơn, người ta sử dụng nhạc cụ đệm là nhị và sáo khi trình diễn lời ca. Hoạt động này được lặp đi lặp lại nhiều lần, dần dần được nâng lên ở cả lời ca lẫn ý thức, hình thành nên “văn hóa trình diễn khắp cọi”. Văn hóa ấy hội tụ cả ý thơ, lời ca, tiếng hát, biểu diễn nhạc cụ và được truyền từ đời này qua đời khác, được cộng đồng chấp nhận, duy trì và phát triển, tồn tại song song với quá trình lịch sử, văn hóa - xã hội tộc người, trở thành một trong những di sản văn hóa tiêu biểu, mang tính đặc trưng của tộc người, được tộc người sáng tạo, duy trì, bồi đắp, bảo lưu, truyền dạy và được các cộng đồng tộc người khác ưa chuộng và ghi nhận. “Khắp cọi” có lẽ được hình thành, hoàn thiện và tồn tại trong tổng hòa những hoàn cảnh đó.
Theo ông Hoàng Quang Nhạn, ở các vùng khác của huyện Lục Yên không tìm thấy các văn bản cổ, riêng ở xã Mường Lai, bản thân ông vẫn còn lưu giữ được những trang ”Khắp cọi” bằng chữ nôm Tày, lời cổ, ước tính có từ khoảng năm 1922. Từ những câu chuyện và nguồn tư liệu trên, nhiều người đã khẳng định: Lục Yên là cái nôi nảy sinh làn điệu “Khắp cọi” độc đáo của tộc người Tày vùng sông Chảy.
Qua truyền thuyết dân gian, các tư liệu lịch sử, bước đầu có thể khẳng định: “Khắp cọi” là một nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống có từ lâu đời, gắn liền với cộng đồng người Tày, cư trú trên địa bàn huyện Lục Yên và huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Hạt nhân của di sản xoay quanh việc trình diễn các làn điệu ca hát phù hợp với không gian và thời gian khác nhau trong đời sống. Di sản đã và đang khẳng định vai trò không thể thiếu của mình trong dòng chảy lịch sử xã hội tộc người.
Như vậy, có thể nói chính từ môi trường tự nhiên, cảnh quan cư trú, điều kiện lao động sản xuất, nhu cầu giãi bày, thưởng thức văn hóa văn nghệ, sẻ chia buồn vui cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của đời sống tinh thần cùng với khát vọng về cuộc sống tốt đẹp của tộc người Tày đã hình thành nên nghệ thuật “Khắp cọi”.
1.2 Quá trình tồn tại của di sản
Theo những bậc cao niên người Tày ở xã Mường Lai, huyện Lục Yên thì: ở Lục Yên, nghệ thuật “Khắp cọi” tồn tại xuyên suốt trong quá trình lịch sử tồn tại và phát triển của xã hội cộng đồng. Càng trở về quá khứ, người ta càng hát nhiều hơn, mọi lời chào mời, thăm hỏi, chúc tụng, giao duyên, thử tài, tìm hiểu, đối đáp, hát trong những giờ giải lao trên các cánh đồng khi lao động sản xuất, …. đều được thể hiện bằng ca từ của “Khắp cọi” . Vậy nên, “Khắp cọi” trở nên phổ biến, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng như một giá trị văn hóa mặc định mà mỗi cư dân Tày cần phải tự trang bị để có thể hòa nhập trong cộng đồng. Đến nay, chỉ có lời “Khắp cọi” trong lao động sản xuất là có mai một so với thời kỳ thịnh hành nhất là những năm lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, mọi người tham gia làm việc trong các hợp tác xã (khoảng những năm 50 và nửa đầu những năm 60 của thế kỷ XX), khi nghỉ giải lao, các nhóm thường cất lên lời ca tiếng hát cho vơi đi những mệt nhọc, khó khăn, thậm chí người ta còn hát giao duyên ngay khi đi làm trên các cánh đồng, thanh niên tìm hiểu, trao gửi tâm tình, để rồi có những đôi nên vợ nên chồng trong những năm tháng hăng say lao động đó.
“Khắp cọi” cũng có một thời gian mai một do chiến tranh từ nửa cuối những năm 60 đến khi thống nhất đất nước. Theo nghệ nhân ưu tú Hoàng Quang Nhạn (sinh năm 1947): trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mĩ, đặc biệt giai đoạn từ năm 1964 đến 1967 và kéo dài đến năm 1975, thanh niên đi tham gia kháng chiến trên khắp các chiến trường, đất nước khó khăn, khói lửa chiến tranh triền miên nên “Khắp cọi” lắng xuống, người ở lại, ra đồng cũng không còn ai muốn hát, lời hát cứ thế vắng bóng dần đi. Đến khi hòa bình lập lại, năm 1976, khi các chàng trai đội cơi trầu sang hỏi vợ, họ bắt đầu hát lại, từ đó trong các đám hỏi, cưới, trong hội vui, khi lên nhà mới, khi hỏi thăm nhau hay chơi xuân, chúc xuân và đặc biệt trai gái tìm hiểu, đối đáp, giao duyên đồng bào lại cùng nhau trình diễn lời ca tiếng hát truyền thống, “Khắp cọi” đã được cộng đồng tự khôi phục bước đầu như thế. Tuy nhiên, nhận thấy “Khắp cọi” đã không được phổ biến như trước, người thích thì hát, người không thích thì không hát cũng không sao. Để làm sống dậy làn điệu dân ca truyền thống, những người tâm huyết như ông Hoàng Quang Nhạn đã tự thành lập các câu lạc bộ những người yêu tiếng hát “Khắp cọi” , sưu tầm, tổng hợp những bài “Khắp cọi” truyền thống, dạy miễn phí cho con em trong bản. Đó là cách làm của địa phương và những người đam mê với văn hóa truyền thống nhằm giữ gìn điệu “Khắp cọi” trong những năm 1990 – 2010.
Những năm sau đó, “Khắp cọi” dần được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ một phần kinh phí để truyền dạy, phục hồi; đưa văn hóa truyền thống nói chung, trong đó có nghệ thuật “Khắp cọi” của người Tày vào các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, trên địa bàn các xã trong vùng sông Chảy đều tổ chức các hội thi hát dân ca, tùy điều kiện của mỗi thời kỳ nên không cố định nhưng mỗi dịp tổ chức đều thu hút đông đảo bà con tham gia, trở thành sân chơi, thành nơi phô diễn những làn điệu dân ca truyền thống, trong đó, đồng bào Tày chủ yếu tham gia trình diễn “Khắp cọi” . Đây là một môi trường tuyên truyền, giáo dục các thế hệ sau về truyền thống văn hóa của tộc người hữu hiệu, từ đó, thế hệ trẻ thêm yêu, thêm tự hào và ngấm dần, thấm dần di sản độc đáo này trong mỗi cá nhân.
Đến nay, “Khắp cọi” được sống dậy và lan tỏa ngày càng sâu rộng trong cộng đồng, vốn di sản này đã ngày càng dày, số người thực hành ngày càng đông đảo, phổ biến, trở thành niềm tự hào của cộng đồng người Tày vùng sông Chảy.
Đây là một thành tố quan trọng của đời sống văn hóa tộc người, ra đời cùng với quá trình hình thành bản sắc văn hóa tộc người. Nó thể hiện ở cả hai phương diện: nội dung và hình thức. Nó gắn với đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Người Tày đã sáng tạo ra nghệ thuật “Khắp cọi” , bảo vệ và truyền dạy, kế tục nhiều đời để trở thành di sản mang đậm bản sắc tộc người. Mỗi làn điệu, câu ca, hình thức diễn xướng đều thể hiện những triết lý sống cao đẹp của cộng đồng, thể hiện óc sáng tạo và trình độ nghệ thuật cao. Đây chính là hình thức nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu của tộc người, được mạch nguồn của môi trường tự nhiên, môi trường lao động, môi trường xã hội, môi trường văn hóa tộc người ươm mầm và nuôi dưỡng, tạo cơ hội để di sản tồn tại và phát triển theo quá trình phát triển của lịch sử tộc người. Đến hôm nay, “Khắp cọi” vẫn khẳng định được vị trí của mình trong kho tàng văn hóa tộc người, là bản sắc, là tâm hồn, là ước mơ, khát vọng của cộng đồng người Tày ở vùng phía Đông của tỉnh Yên Bái.
2. Hình thức biểu hiện và quy trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể
2.1 Hình thức biểu hiện
Trong hồ sơ khoa học này, chúng tôi đang xem “Khắp cọi” là một trong những tiểu loại của “lượn”. “Lượn” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, là kho tàng dân ca của tộc người Tày.
“Khắp cọi” thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, có hình thức biểu hiện qua ngôn ngữ, cử chỉ, động tác, âm nhạc, đó là lời ca, tiếng hát với các nội dung và làn điệu khác nhau, có sử dụng nhạc cụ truyền thống kèm theo trong quá trình diễn xướng. Có thể đối đáp giữa hai người (một nam, một nữ hoặc hai nam, hai nữ), hai bên (hai nhóm), có thể trình diễn cá nhân hoặc tập thể.
Về nội dung lời hát, có sự gần gũi, lấy đề tài từ những sinh hoạt thường ngày hoặc những cảnh vật xung quanh môi trường sống của đồng bào, phần lớn đều là những bài mang tính chất cố định về mặt văn bản, có lời từ thơ, người diễn xướng phải học thuộc, khi đối đáp, tùy thuộc vào vốn lời của từng người mà cuộc hát kéo dài, có khi có người đi cạnh để nhắc cho khi quên. Bên cạnh đó, “Khắp cọi” cũng có lời ứng tác nhưng không nhiều và không phải ai cũng có thể ứng tác trong cuộc hát. “Khắp cọi” nói chung sử dụng thể thơ ngũ ngôn, thất ngôn và thơ tự do, dùng vần lưng để kéo dài khổ thơ. Cùng một lời bài hát người hát có thể lên giọng hát “Khắp cọi” tùy theo khẩu khiếu từng người hoặc từng vùng.
Đây là những lời thơ trữ tình, mộc mạc, do các tác giả khuyết danh nhiều đời để lại. Quá trình kiểm kê xây dựng hồ sơ khoa học, tính đến tháng 10/2024, có 310 bài thơ do Nghệ nhân ưu tú Hoàng Quang Nhạn (xã Mường Lai, huyện Lục Yên) sưu tầm, dịch thuật, phổ biến và 302 bài do Nghệ nhân ưu tú Hoàng Tương Lai (xã Xuân Lai, huyện Yên Bình) sưu tầm, dịch thuật, phổ biến. Đây là những bài “Khắp cọi” theo lời cổ, có bản nôm Tày, được các nghệ nhận dịch thuật và truyền dạy.
Tuy nhiên, đi sâu tìm hiểu và trong quan niệm của cộng đồng, vẫn có sự khác biệt giữa “khắp” và “cọi” ở một số nội dung văn bản cố định và hình thức diễn xướng.
Đối với “cọi”, chủ yếu là thơ ngũ ngôn; “khắp” ngoài thơ ngũ ngôn còn có thơ thất ngôn và thơ tự do nên “khắp” khó hát hơn “cọi”. Thường thì đồng bào sử dụng một số nội dung chuyên cho “khắp”, một số nội dung chuyên cho “cọi” nhưng cũng có một số bài có thể vừa “khắp” vừa “cọi”.
Về mặt diễn xướng, khi trình diễn “Khắp cọi” , các làn điệu lúc thấp lúc cao, lúc trầm lúc bổng khác nhau tùy từng hoàn cảnh và mỗi cá nhân khi thể hiện. “Khắp” lên giọng cao hơn “cọi”. Trong một không gian diễn xướng, thường thì nếu một người cất lên giọng “khắp” thì người kia cũng “khắp” theo, nếu bắt đầu bằng giọng “cọi” thì người đáp cũng “cọi” theo nhưng cũng có trường hợp người lên bằng giọng “khắp”, người đáp bằng giọng “cọi” và ngược lại. Hát “khắp” lên giọng “ới lả….” ngân dài đủ ba nhịp rồi bắt vào lời bài hát luôn, còn hát “cọi” bắt đầu bằng “ứ ơi ứ hợi…” lên xuống đủ ba nhịp mới bắt đầu vào lời bài hát.
Về mặt địa lý: Hiện nay, ở huyện Lục Yên, đồng bào “khắp” nhiều hơn “cọi”; ở huyện Yên Bình, “cọi” phổ biến hơn “khắp”. Ở hai huyện, hình thức nghệ thuật này tương đồng nhau về nội dung văn bản cố định, chỉ khác đôi chút về nghệ thuật diễn xướng như trên đã nói. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, người Tày vùng sông Chảy ở hai huyện Lục Yên và huyện Yên Bình gọi “cọi” là “lượn cọi” như các vùng người Tày ở Đông Bắc Việt Nam nhưng không gọi “khắp” là “lượn khắp” như một số ý kiến đã nghiên cứu ở vùng Đông Bắc, thế nên “khắp” ở đây nằm trong “lượn” hay tương đương với “lượn” thì có lẽ cần nghiên cứu thêm. Tuy vậy, trong hồ sơ này, chúng tôi vẫn để “khắp” đang là một trong những tiểu loại của “lượn”.
Trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy: nghệ thuật trình diễn này được phần đa đồng bào người Tày ở các xã của huyện Lục Yên gọi là “khắp”, một số xã ở khu vực thượng huyện như Lâm Thượng, Khánh Thiện, Minh Xuân, Minh Chuẩn (tiếp giáp với huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) và các thôn 1, thôn 2 (xã Mường Lai) có những người gọi là “iếu” (có nghĩa là “yêu”) ; cũng với hình thức tương đồng này, ở các xã có người Tày sinh sống vùng thượng huyện Yên Bình gọi là “cọi”. Đi sâu tìm hiểu, so sánh, bước đầu chúng tôi nhận định như sau:
“Khắp”, “cọi” hay “iếu” đều có không gian văn hóa chung, được trình diễn trong những ngày hội vui của bản làng, trong đám cưới, khi lên nhà mới, chơi xuân, thăm hỏi nhau, đối đáp, giao duyên, tìm hiểu để nên vợ nên chồng. Đây đều là những làn điệu dân ca trữ tình đối đáp giữa nam và nữ nhưng nếu như ở "iếu" thường chỉ có một trai, một gái và đó phải là trai chưa vợ, gái chưa chồng thì ở “Khắp cọi” không nhất thiết phải như vậy và cũng không phải là người cùng làng, cùng xã mới có thể hát với nhau mà người nơi khác đến đều có thể hát nếu thuộc lời hoặc ứng tác nhanh, người ta có thể hát theo nhóm đối đáp hoặc cá nhân cũng có thể trình diễn. Tuy nhiên, có một nguyên tắc ở “Khắp cọi” là những người đã có gia đình thì khi đi chơi, đối đáp không được rủ nhau xuống thăm Mường Nước. Như vậy, có thể thấy, không gian diễn xướng của “Khắp cọi” rộng hơn và khả năng là bao trùm cả hát “iếu”.
Về nội dung thể hiện, so với “Khắp cọi” , hát “iếu” có biên độ sáng tác, ứng khẩu rộng hơn, nhiều và tự do hơn, người tham gia "iếu" phải thông minh, nhanh nhạy, có tài ứng tác. Vậy nên, dung lượng một bài “Khắp cọi” thường dài
2.2 Quy trình thực hành
“Khắp cọi” đã gắn bó với cuộc sống của người dân tộc Tày vùng sông Chảy, tỉnh Yên Bái từ bao đời nay, đó là tài sản vô giá được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác và trở thành hồn cốt của cộng đồng. Họ có thể “Khắp cọi” ở bất kỳ đâu, trong hoàn bất cứ hoàn cảnh nào. Dưới đây là một số không gian thực hành phổ biến:
- “Khắp cọi” trong ngày hội vui của bản làng: Theo chu kỳ một năm, người Tày vùng sông Chảy thường có các ngày tết và ngày lễ hội chung của cộng đồng như: tết nguyên đán, ăn tết nhỏ (kin đắp nọi), tết thanh minh, tết đoan ngọ, tết rằm tháng bảy, tết cơm mới, lễ hội xuống đồng, lễ hội tại các đình, đền như: lễ hội đền Đại Cại (xã Tân Lĩnh), lễ hội đình Nà Ngàm (xã Mường Lai), lễ hội đình làng Xóa (xã An Phú), lễ hội đình làng Mường (xã Tô Mậu), … Trong những ngày hội vui này, cộng đồng nam nữ, thanh niên, người già, người trẻ trong những bộ trang phục truyền thống cùng gặp gỡ, giao lưu, làn điệu “Khắp cọi” lại được ngân lên, những người bạn lâu ngày gặp nhau, hỏi han về sức khỏe, gia đình, con cháu, kèm những lời chúc tốt đẹp; những nam nữ thanh niên thì hát những câu đố, câu ví, thể hiện tình cảm, mong vọng, yêu thương; các cụ già thì nắm chặt tay nhau, mừng nhau mạnh khỏe, con cháu bình an, … Tất cả đều được thể hiện qua lời “Khắp cọi” trong không khí hân hoan, vui vẻ của cả cộng đồng. Ở những không gian văn hóa rộng như các lễ hội của cộng đồng, người ta thường chia theo nhóm ở các lứa tuổi khác nhau để đối đáp (thanh niên, trung niên, cao niên), có thể 5 – 7 người đến hàng chục người một nhóm, đến khi đông quá họ tự tách ra, đối với các nhóm thanh niên đang độ tìm hiểu, nếu đôi nào cảm thấy ưng ý ai thì họ tự tách ra đối đáp, tìm hiểu hoặc cũng có thể một người đối với một người để thăm hỏi, chúc tụng nhau. Các nhóm hát này, nếu có người mang theo sáo, nhị thì trình diễn cùng lời “Khắp cọi” của nhóm, nếu không có thì họ vẫn hát mà không có nhạc đệm nhưng ở không gian lễ hội những năm gần đây đều có trống hội được đánh lên thường xuyên, tạo nên không khí sôi động của bản làng. Những bài hát phổ biến trong những ngày hội vui của cộng đồng có: Lỉn chẩm chiêng (chơi mừng giêng); Chúc thụ chẩm chiêng (chúc thụ mừng giêng); Lỉn cầu chiêng (chơi lễ hội cầu giêng); Chẩm đình (mừng đình); chầm đình chang tổng (mừng đình giữa tổng); chầm tồng (mừng đồng); chầm cốc lùng (mừng cây đa); nặc nà (đố ruộng); nặc cọn (đố cọn); chầm mường (mừng mường); chầm bản (mừng bản); chầm thổ công hua bản (mừng thổ công đầu bản)…
Giêng hai trời không gió không mưa
Ao cá trên sắp cạn
Ít việc mới ở không
Bình yên mới tính chơi
Người yêu vui nói cười
Đưa chân ta đi tới.
(Trích “Lỉn cầu chiêng” (Chơi lễ hội cầu giêng)
Trong những ngày tết, cộng đồng thường tổ chức ở các gia đình và mời anh em họ hàng, những người thân quen tới dự. Trong không gian hẹp hơn và số lượng người tham dự ít hơn cũng có những khác biệt nhất định trong khi trình diễn “Khắp cọi” , đó thường là những bài hát thể hiện lời chào người già, chào bố mẹ chủ nhà, chủ nhà cảm ơn và mời vào dự lễ, mời ăn cơm, uống rượu, khách đáp lời và chúc gia chủ những điều tốt đẹp nhất phù hợp với hoàn cảnh thực tại:
Dựng nồi nhỏ trong nhà
Dựng nồi to nấu cơm
Con cá to ta dành để nướng
Con cá nhỏ ta nấu dấm chấm rau
Về ta lo bữa trưa thết bạn.
(Trích “Mơi khảu lảu 1” (Mời cơm rượu 1)
Ở không gian văn hóa này, những nhạc cụ đệm cho lời “Khắp cọi” như sáo, nhị phổ biến hơn so với những ngày lễ hội cung của cộng đồng nhưng trống gần như là không có. Về trang phục, đối với chủ nhà, thầy cúng thực hiện các nghi lễ và các bậc cao niên đến tham dự đều mặc trang phục truyền thống, tầng lớp thanh thiếu niên thì có người mặc người không, tùy theo nhu cầu của mỗi cá nhân.
- “Khắp cọi” khi chơi xuân: Mỗi dịp xuân mới về, sau một năm lao động vất vả, gặp nhau người Tày lại “Khắp cọi” nói lên niềm vui xuân, chơi xuân, niềm vui được mùa hay nỗi niềm của người con trai, con gái trước cảnh xuân, với rất nhiều bài được thể hiện như: Lỉn chẩm chiêng (Chơi mừng giêng); Chúc thụ chẩm chiêng (Chúc thụ mừng giêng); Bioóc mùa xuân (hoa mùa xuân), Lỉn cầu chiêng (Chơi lễ hội cầu giêng); lìn chầm chiêng (chơi xuân), Lỉn tứn chạu 1 (Chơi dậy sớm 1,2); Lỉn moóc (Chơi mây mù); Lỉn đét ón (Chơi nắng non); Lỉn đét rát (Chơi nắng vàng); Chẩm luồng (Chơi rồng); Chẩm kỳ lân (Chơi kỳ lân); Lỉn bát ngần 1,2 (Chơi câu bạc 1,2); Lỉn khắp (Chơi hát khắp); Lỉn thạu tính (Chơi đàn tính); Lỉn thạu cửa (Chơi đàn nhị)…
Gái trai vui đua ngựa tung còn
Gái trẻ vui bãi trên đánh yến
Gái già chơi đêm giêng quên sáng
Người già ngồi giường trên uống rượu
Sáng sớm mây mưa rơi ướt đất
Nắng chiều ngọn núi tiếng ve kêu
Trống chiêng đánh chào xuân nhộn nhịp.
(Trích “Lỉn chẩm chiêng” (Chơi mừng giêng)
Khi đi chơi xuân, bao giờ người Tày cũng chọn cho mình những bộ trang y phục mới nhất, đẹp nhất với tinh thần vui mừng, rạng rỡ của những ngày đầu năm mới, nhiều người mang theo sáo, nhị để có thể trình diễn hoặc đệm lời cho tiếng “Khắp cọi” ở bất cứ nơi nào, khi gặp bất cứ ai mà mình muốn gặp gỡ, làm quen, thổ lộ tâm tình hay chỉ đơn giản là thăm hỏi, chúc tụng nhau. Khi đi chơi xuân, người ta có “Khắp cọi” ở mọi lúc, mọi nơi, người già có thể hát với người trẻ, nam có thể hỏi thăm nam, nữ có thể chúc mừng nữ khi gặp ở trên đường bản, khi tới nhà chúc tết, khi ăn uống ở một gia chủ nào đó. Ngoài ra, nam nữ cũng “Khắp cọi” giao duyên, tìm hiểu trong dịp đầu xuân này, để rồi trao gửi yêu thương, nên vợ nên chồng.
- “Khắp cọi” trong đám cưới: Trong đám cưới truyền thống của người Tày, lời “Khắp cọi” được vang lên gần như trong suốt tiến trình diễn ra lễ cưới, từ nhà gái đến nhà trai, từ khi khách đến có lời: “Em vui mừng em đến xem nàng dâu mới/ Càng nói, càng cười, càng như hoa”, chủ nhà đáp lại và có lời mời: “Khách lên nhà là có trầu cau/ Biết nhau phải lên nhà lên cửa mới là biết” cho đến khi làm lễ và dặn dâu: “Con rồng khéo thì đẻ con rồng/ Việc nhà cửa mọi nghề đều phải biết/ Kính bố mẹ, anh em, họ hàng/ Sinh con trai, con gái khôn khéo”. Khách đến chúc mọi điều tốt đẹp đến với đôi bạn trẻ: “Chúc hai em làm nhà khó sánh với trăng/ Làm nhà ở sánh với bạn/ Làm nhà kho cho ra nhà kho để mọi người biết tiếng/ Làm nhà cho nên nhà để mọi người lên được/ Muốn lên không muốn xuống”. Trên đường đưa dâu về nhà trai, vẫn vang vọng lời “Khắp cọi” răn dạy, chúc tụng. Khi đưa dâu về tới nhà trai, người ta lại cất lời đón dâu, ra mắt, chúc mừng, … Ngoài ra, trong không gian của đám cưới, những người tới tham dự đều có thể “Khắp cọi” tùy theo hoàn cảnh, tình huống và tâm trạng của mỗi người. Có thể hai bên nam nữ đối đáp hoặc các nhóm đối đáp cũng có khi cá nhân hát với cá nhân. Có thể bên nam hát một hai câu chạm đến bên nữ là bên nữ lập tức đáp lời, câu nọ nối câu kia, vế sau nối vế trước, cứ thế tiếp diễn, không tính thời gian, hát đến khi bên bạn không hát nổi nữa mới thôi. Những bài hát thường được thể hiện trong đám cưới là cung tạm biệt mẹ đi làm dâu và dạy bảo con cái với các bài như: 13 bài chầm đảm lảu (Mừng đám cưới); Piạc mé pây hắt lùa (Tạm biệt mẹ đi làm dâu); Sắng lùa (Dặn dâu); Chứ công pó mé (Nhớ công cha mẹ):
Giờ tốt xin ra lời
Giờ đẹp tôi cất tiếng
Ngẩng mặt tôi xin nói
Chắp tay ra lời trình
Trình tới các cụ già ngồi trên
Trình đến cô chú, đạo dâu ngồi dưới
Tôi mừng đến hạnh phúc đang xuân
Nay nội ngoại xa gần chứng kiến.
Trích “Chầm đảm lảu” (Mừng đám cưới)
Trong đám cưới, trang phục truyền thống bao giờ cũng được mọi người tham dự mặc nhiều nhất, cô dâu, chú rể còn đội thêm chiếc nón có quai được làm từ dây dao dài thêu tay “slaicha”, các thành viên trong đoàn đưa, đón dâu đội nón trắng. “Khắp cọi” trong đám cưới thường chỉ có tiếng hát, không sử dụng nhạc cụ kèm theo.
- “Khắp cọi” khi lên nhà mới: Làm xong căn nhà mới, người Tày thường chọn ngày tốt để làm lễ vào nhà mới. Việc chọn ngày phải nhờ đến thầy mo. Trong ngày vào nhà mới, người ta tổ chức lễ nhập trạch và mọi người đến chúc mừng nhà mới, cùng nhau ăn uống vui vẻ. “Khắp cọi” được thể hiện khi mọi người đến chúc mừng gia chủ và chúc tụng nhau trong bữa cơm vào nhà mới đó. Có nhiều bài được trình diễn khi gia chủ lên nhà mới như: Xam rườn (Hỏi nhà); Chẩm rườn (Xem nhà); Chẩm rườn mâứ (Xem nhà mới); Nặc rườn 1,2 (Đố nhà 1,2); Kể rườn 1,2 (Kể nhà 1,2); Thạu rườn 1,2 (Chúc mừng nhà mới 1,2); chầm tu ảng (Mừng cổng nhà); Chầm pác đây (Mừng cầu thang); Chầm pình phày (Mừng bếp lửa); Chầm choòng đẳm (Mừng bàn thờ tổ); Chầm ràng tin (Mừng máng nước rửa chân); Chẩm đuây (Mừng cầu thang); Chẩm thích (Mừng thích); Chẩm xay (Mừng cối xay); Chẩm hưởng rườn (Mừng hướng nhà), …
Mười năm mới được năm này hay
Trăm năm mới được năm này tốt
Sắm lễ cúng thiên đình tạ địa
Nhắc mâm ra làm lễ bách niên
Trâu bò mổ hàng nghìn vô kể
Nhà người dựng năm nay vạn đại ới giàu sang).
(Trích “Thạu rườn 1” (Chúc mừng nhà mới 1)
“Khắp cọi” khi tham dự lễ lên nhà mới thường có đệm bằng sáo ngang hoặc nhị có thể do chủ nhà chuẩn bị hoặc khách mang theo, làm cho lời hát thêm sinh động, hấp dẫn.
- “Khắp cọi” trong lễ mừng thọ: Theo phong tục truyền thống của người Tày, khi cha mẹ đủ 60 tuổi, con cháu tổ chức lễ mừng thọ (thạu khoăn) để cúng cho vía của cha mẹ luôn mạnh khỏe, sống lâu. Sau phần nghi lễ được thầy mo thực hiện là lúc anh em, họ hàng, các con cháu, người thân quen được mời đến “Khắp cọi” mừng vía và dự bữa cơm với gia đình. Những bài hát phổ biến trong lễ mừng thọ có: Chúc thụ chẩm khoăn (Chúc thụ mừng vía); Thạu khoăn (Mừng vía); Chẩm khoăn (Xem vía); Má khoăn (Gọi vía); Chúc thụ khoăn (Chúc thụ vía); Chúc thụ khoăn po me (Chúc thụ vía bố mẹ), ….
Vía mọi nơi trở lại
Mọi chỗ vía về đủ
Vía ông chủ về ngồi giường trên cháu lạy
Lạy cho khỏe ba ngàn năm đến bốn ngàn năm
Lạy vía cho ông khỏe cả đời
Vía ông chủ đừng lang thang đi chơi mọi nơi
Trai trẻ được đi về mừng vui.
(Trích “Thạu khoăn” (Mừng vía)
- “Khắp cọi” khi đối đáp, giao duyên: “Khắp cọi” khi đối đáp, giao duyên, tìm hiểu giữa nam nữ thanh niên được coi là đề tài phong phú nhất: nội dung lời hát thể hiện tuần tự từ khi mới gặp, chào hỏi, làm quen đến mời vào bản, mời lên nhà, mời ăn cơm, uống rượu, tìm hiểu về gia đình, dòng họ, sở thích, … đến việc đưa nhau đi chơi, tìm hiểu thiên nhiên, con người rồi chia tay, ước hẹn ngày gặp lại. Không gian văn hóa thể hiện nội dung giao duyên rất phong phú, có thể gặp ở đâu là đối đáp giao duyên, tìm hiểu ở đó, từ ngoài ruộng, trên nương, trên đường, khi vào bản, lên nhà sàn, đi chơi ở rừng cây, thác nước hay trong một hội vui, trong ngày lễ, tết của cộng đồng. Với không gian thể hiện đa dạng nên trang phục và nhạc cụ kèm theo cùng tùy thuộc mỗi hoàn cảnh mà thể hiện. Nếu trong ngày lễ, tết, hội vui của bản làng thì người ta diện những bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất để đi dự hội, đi chơi, thăm thú và cũng mang theo sáo, nhị và cộng đồng có trống hội làm cho không khí thêm náo nhiệt nhưng khi gặp nhau trên ruộng, trên nương thì chỉ có lời hát được cất lên để trao đổi tâm tình. Đây là tập hợp tất cả những bài hát ở phần giao duyên hỏi, đáp, cùng kết bạn tình với lời nam và lời nữ, một số bài ở phần hát mời, cung dọn đường, chơi và xem, hệ mười hai tháng, giã bạn, mong vọng, thương nhớ:
Nam than tháng Giêng cất lời:
Tháng giêng thấy hoa nở anh than
Muôn thức hoa đầy cành nở rộ
Ong bướm bay mọi chỗ tìm hoa
Bướm ong bay lên ngàn tìm nhị
Chẳng thấy em anh nhớ anh thương
Một mình khác trách thân là ở
Nhớ bạn, bạn ở chốn quê nhà
Than nhiều khác thấy buồn tư lự.
Nữ ước tháng giêng đáp lời:
Tháng giêng em ước anh nhiều đoạn
Mọi người đến tìm bạn yêu đương
Một mình em thở than chốn ấy
Đêm nằm lệ tuôn chảy tràn mi
Ước bạn, bạn đường xa khác bản
Ước nhiều nhờ đến én thông tin
Em ước bạn nho sinh chẳng được
Với anh - em mong ước cũng không
Đêm ngày khác khóc than cùng vía.
Những lời hát mộc mạc, chân chất, gắn liền với cuộc sống lao động, gắn liền với thiên nhiên nhưng ẩn chứa trong đó là cả một kho tàng văn hóa của dân tộc Tày. Hát Khắp đã trở thành bản sắc riêng, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân khắp nơi trong huyện Lục Yên. Người Tày hát Khắp không chỉ để vui, giải trí, trên hết, nó thể hiện hồn phách, trí tuệ được kết tinh qua hàng ngàn, hàng vạn năm, và cứ thế, mùa xuân này giai điệu trầm bổng của làn điệu Khắp lại được ngân vang…
Theo nguồn tư liệu sưu tầm được ở cộng đồng người Tày thuộc hai huyện Lục Yên và Yên Bình, tỉnh Yên Bái thì “Khắp cọi” lời cổ gồm hơn 600 bài đã được ghi chép, dịch thuật, làm tư liệu lưu giữ lâu dài. Ngoài ra, còn có nguồn ứng tác và những sáng tác mới rất phong phú, tùy vào mỗi không gian diễn xướng và khả năng của mỗi cá nhân khi tham gia diễn xướng. Trong hồ sơ khoa học này, chỉ tóm tắt những nội dung của phần hát theo lời cổ được sưu tầm ở hai huyện Lục Yên và Yên Bình. Những nội dung này được ghi chép này theo tuần tự từ khi mới gặp, chào hỏi, làm quen đến mời vào bản, mời lên nhà, mời uống, ăn cơm, uống rượu, tìm hiểu về gia đình, dòng họ, sở thích, … đến việc đưa nhau đi chơi, tìm hiểu, rồi chia tay, ước hẹn ngày gặp lại.
Trên địa bàn huyện Lục Yên, xã Mường Lai được coi là cái nôi của tiếng “Khắp cọi” . Ở nơi này, năm tiếp năm, đời tiếp đời, tiếng “Khắp cọi” được lưu truyền liền mạch, dù cho ở nơi này nơi kia có mai một, người hát ít đi, giới trẻ nhiều khi không còn tìm hiểu nhau qua câu “Khắp cọi” , cộng đồng không còn đối chọi qua câu dân ca nữa thì Mường Lai vẫn có những con người kiên trì, dày công sưu tầm, ghi chép, bổ sung từ đời này qua đời khác để truyền lại cho con cháu. Trong hồ sơ khoa học này, chúng tôi sử dụng nguồn tư liệu sưu tầm được tại xã Mường Lai, huyện Lục Yên do nghệ nhân ưu tú Hoàng Quang Nhạn cung cấp, bao gồm 310 bài thơ dùng để “Khắp cọi” trong nhiều không gian diễn xướng khác nhau. Những nội dung này được ông Hoàng Quang Nhạn bắt đầu sưu tầm từ năm 1964, ban đầu chỉ là những ghi chép từng bài đơn thuần để có vốn giao lưu với bạn bè, sau thành đam mê với những câu “Khắp cọi” truyền thống, thôi thúc ông ra sức sưu tầm, ghi chép, đối chiếu với các bản sách ghi lại bằng chữ nôm Tày của các thế hệ trước như cụ Hoàng Triều Cống, Hoàng Xuân Bình, Nghiêm Văn Tuân, Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Cương Quyết. Theo lời kể của ông Hoàng Quang Nhạn thì cụ Hoàng Triều Cống cho biết: “Những bài “Khắp cọi” chép lại đều được dịch từ bản gốc ở sách nôm Tày, không có tên tác giả mà cũng không biết có từ đời nào, cứ lưu truyền hết đời này đến đời khác, con cháu biết mà hát theo thôi” (mỗi bài hát đều có lời tiếng Tày và dịch nghĩa tiếng Việt).
Nội dung lời “Khắp cọi” sưu tầm được ở huyện Lục Yên được nghệ nhân ưu tú Hoàng Quang Nhạn chia thành 05 phần: (1) phần khắp khuyên là tập hợp những bài hát có nội dung chào hỏi, mời mọc với ngụ ý muốn trò chuyện, tâm sự bằng văn chương qua lời khắp; (2) phần hát giao duyên, hỏi đáp được chia làm 03 chặng, đó là những bài hát đối đáp hỏi nhau về nguồn gốc của khắp cọi, đường về bản, lên nhà, mời khách vào nhà, ăn cơm, uống rượu, rồi hỏi nhau về tình yêu, gia thất, hoàn cảnh, để rồi nếu ưng sẽ chuyển sang các bài của (3) phần thứ ba là chơi và xem, hai người dẫn nhau đi chơi thăm bản thăm làng, xem cảnh vật xung quanh, xem của cải vật chất do con người tạo ra, ca ngợi công sức lao động, cùng nhau vào xem các lễ hội, tham dự mùa cưới của cộng đồng làng bản, thậm chí còn tưởng tượng ra đi chơi ở tận thiên cung Mường Trời, chơi miền âm phủ rồi vượt biển đầy rẫy những nguy hiểm để trở về với bản, với mường; (4) phần thứ tư là hát về mười hai tháng, trong những tháng đó gắn với các hoạt động sinh hoạt của con người, những tâm trạng buồn vui, no đói và các hiện tượng thiên nhiên, trời đất giao hòa; (5) phần thứ năm được gọi là mong vọng trữ tình và các loài hoa, hai bên thể hiện tâm trạng mong vọng, nhớ thương để nhắn nhủ bạn mình khi sắp hết cuộc hát, trước khi từ biệt, hai bên “khắp” về các loài hoa để thổ lộ tâm tình thay lời ước hẹn về tương lai tốt đẹp.
Nội dung lời “Khắp cọi” ở huyện Yên Bình do nghệ nhân ưu tú Hoàng Tương Lai sưu tầm, dịch thuật từ những năm 1970 – 1971, chia thành 07 cung: (1) cung dọn đường là tập hợp những bài hát có nội dung chào hỏi, mời mọc, trò chuyện, tâm sự; (2) cung yêu hoa là tập hợp những bài hát về các loài hoa; (3) cung khuyên là những lời khuyên bảo, dặn dò cho cả nam và nữ; (4) cung kết bạn tình với 07 chặng: cất lời, xin trầu, hỏi nhà, hát bạn, trông vọng bốn mùa, xem số, xuống thế gian; (5) cung giã bạn với những bài hát tạm biệt, hẹn ngày gặp lại; (6) cung thương nhớ là những bài hát hai bên thể hiện tâm trạng mong vọng, nhớ thương; (7) Cung tạm biệt mẹ đi làm dâu và dạy bảo con cái thể hiện những lưu luyến, yêu thương và những lời răn dạy có lý có tình của cha mẹ đối với con gái.
* Một số nhận định về “Khắp cọi” của người Tày vùng sông Chảy:
- Về nội dung văn bản: Các văn bản thu thập được về “khắp cọi’ vùng sông Chảy rất phong phú, nội dung đa dạng. Qua đối chiếu, so sánh các văn bản, chúng tôi nhận thấy, không có sự trùng khớp, có chăng chỉ là sự tương đồng về nội dung, việc chia tách, sắp xếp các chương, mục cũng khác nhau. Điều này cho thấy sự sáng tạo của cộng đồng người Tày mỗi vùng có khác nhau, thể hiện sự đa dạng về văn hóa, nhận thức, ứng xử với môi trường sống xung quanh, đồng thời cũng thể hiện nhiều nét tương đồng là do thống nhất trong thế giới quan, nhân sinh quan và văn hóa truyền thống của tộc người, cùng với đó là quá trình giao thoa văn hóa do có sự tiếp giáp về địa lý giữa các vùng. Điều này có thể lý giải bằng ý kiến của chính nhà sưu tầm Lục Văn Pảo trong cuốn “Lượn cọi” nêu trên: “Các bản nôm sưu tầm từ nhiều địa phương cho thấy không có những văn bản hoàn toàn giống nhau về câu chữ và cả chương mục. Chúng chỉ có thể giống nhau ở những chương lớn như mừng ruộng, mừng nhà, mừng gia chủ chứ ít khi thấy giống nhau cả câu, cả đoạn. Còn bố cục những chương lớn cũng hiếm có hai bản của hai địa phương giống nhau hoàn toàn. Điều này phản ánh một thực tế là khoảng 50 năm về trước, những trí thức Tày có nho học ở các vùng đều là những “nhà sáng tác” thơ lượn. Chính vì vậy, ta thấy các bản được ghi chép là không hoàn toàn giống nhau giữa các địa phương.
- Về quy tắc sử dụng: “Khắp cọi” được xác định là làn điệu dân ca trữ tình, có đối đáp giữa nam và nữ, không chỉ với trai chưa vợ, gái chưa chồng mà với cả thanh niên đã có vợ, có chồng, trung niên và cả cao niên thăm hỏi nhau, không phải chỉ đối đáp giữa những người cùng làng, cùng xã mà cả với những người nơi khác đến.
Tuy nhiên, có một nguyên tắc ở “Khắp cọi” là những người đã có gia đình thì khi đi chơi thì không được rủ nhau xuống thăm Mường Nước (tức là có những đoạn, những bài không dành cho những người đã có gia đình).
Quy tắc bắt đầu vào nhịp của “khắp” và “cọi” có khác nhau và người thực hành luôn đảm bảo chặt chẽ.
- Về hình thức thể hiện: “Khắp cọi” là nghệ thuật trình diễn dân gian, có hình thức thể hiện qua ngôn ngữ, cử chỉ, động tác, âm nhạc trên nền tảng những bài thơ đã được sáng tác trước đó và một phần là ứng tác ngay tại cuộc vui (nhưng không nhiều), đó là lời ca, tiếng hát phù hợp với mỗi tâm trạng, mỗi không gian văn hóa riêng với các nội dung và làn điệu khác nhau, có sử dụng nhạc cụ truyền thống kèm theo trong quá trình trình diễn. Có thể đối đáp giữa hai người, hai bên hoặc trình diễn cá nhân, tập thể trong quá trình thực hành di sản.
* Các nhạc cụ sử dụng trong nghệ thuật “Khắp cọi” :
Nhạc cụ được sử dụng khi trình diễn “Khắp cọi” phổ biến có: nhị hai dây, sáo ngang và trống.
- Nhị hai dây đồng bào gọi là "dỉ dèn" hay "cửa thoong thai" là một loại nhạc khí dây kéo, có cấu tạo như sau:
+ Bầu cộng hưởng: là bầu vang, hình hoa muống, rỗng lòng, làm bằng gỗ cứng, dài khoảng 13,8cm, một đầu bịt da trăn hay da kỳ đà. Ðường kính vòng ngoài khoảng 6,8cm, chỗ uốn cong của bầu có chu vi khoảng 13,4cm.
+ Dọc nhị (cần đàn): làm bằng gỗ cứng, gụ hay trắc để có sức chịu khi lên dây, cần đàn thân tròn hoặc vuông (15mmx15mm) chiều dài khoảng 75,5cm, phần đầu giống hình cổ cò, phía dưới cần đàn xuyên thủng bầu cộng hưởng khoảng 2cm về phía mặt da.
+ Trục đàn: dùng để lên dây còn gọi là trục dây, cả hai trục đều cắm xuyên qua đầu cần đàn, nằm theo hướng của bầu cộng hưởng. Trục đàn dài khoảng 14cm hình gỗ tròn (một đầu lớn, một đầu nhỏ) trục được gọt thành những múi hình lục lăng để lên dây, có khi được làm bằng xương hay gỗ xà cừ.
+ Ngựa đàn: giống như phím đàn nguyệt nhưng nhỏ hơn, làm bằng tre hay gỗ dài khoảng 1cm, cao khoảng 0,7cm và dày khoảng 0,4cm, ngựa đàn đặt trên khoảng giữa mặt da.
+ Dây nhị: Trước đây dây đàn được làm bằng sợi tơ se, ngày nay làm bằng nilon hoặc kim loại. Dây kim loại cho âm thanh chuẩn hơn nhưng không ngọt ngào bằng dây tơ hay dây nilon. Dây đàn chỉnh theo quãng 4 đúng, quãng 5 đúng, quãng 7 thứ... nhưng phổ biến nhất là quãng 5 đúng.
+ Cử nhị (hay khuyết nhị): là một sợi dây tơ se neo 2 dây đàn vào gần sát dọc nhị, nơi dưới hai trục dây. Có khi cử nhị là một khung áo buộc gần sát dọc nhị, hai dây đàn xỏ qua hai lỗ khung này. Cử nhị là bộ phận để điều chỉnh cao độ âm thanh. Nếu kéo cử nhị xuống, 2 dây đàn sẽ ngắt quãng hơn, tạo ra âm thanh cao hơn. nếu bạn đẩy cử nhị lên khi đàn 2 dây sẽ phát ra âm thanh trầm hơn vì quãng dây dài hơn. Tuy nhiên để lên dây đàn người ta còn vặn trục dây nữa.
+ Cung vĩ: làm bằng tre hay bằng gỗ, có mắc lông đuôi ngựa, cung vĩ uốn cong hình cánh cung, tương xứng với cần đàn dài khoảng 74,2cm, được nằm giữa hai dây đàn (không lấy cung vĩ ra ngoài được). Khi đàn, cọ sát vào dây và kéo, đẩy để phát ra âm thanh.
Nhị hai dây cổ truyền lên dây rất linh động, hai dây có khi theo quãng 4 đúng, quãng 5 đúng, quãng 7 thứ nhưng phổ biến nhất là cách lên dây theo quãng 5 đúng.
+ Sáo ngang: người Tày gọi là “Bjẳm”, là loại sáo có 6 lỗ bấm, 1 lỗ thổi, 1 lỗ âm cơ bản và 2 lỗ định âm, âm vực rộng 2 quãng 8, được làm bằng trúc hoặc nứa
+ Trống: loại nhạc cụ gõ có vai trò quan trọng trong việc thể hiện những điệu “Khắp cọi” nhộn nhịp, sôi động trong những ngày vui của cộng đồng. Ngày nay, khi “Khắp cọi” trong đám cưới, trong hội xuân người ta sử dụng trống thường xuyên hơn để tạo không khí vui tươi, phấn chấn của ngày hội.
3. Không gian văn hóa liên quan, các sản phẩm vật chất và tinh thần tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể
Nghệ thuật “Khắp cọi” vốn gắn bó với đồng bào Tày trong đời sống hằng ngày từ xa xưa. Không gian diễn xướng của “Khắp cọi” khá rộng. Người ta “Khắp cọi” trong những ngày hội vui của cộng đồng làng bản, trong hội xuân, đám cưới, lên nhà mới, hát giao duyên, đối đáp, tìm hiểu, hát đón khách, thăm hỏi khi đến nhà nhau chơi, … Trước kia, nam nữ thanh niên ra sức học lời thơ để đi đến đâu là sẵn sàng đối chọi dân ca, giao lưu học hỏi, đặc biệt cứ mỗi độ xuân về, họ lại mong chờ để cùng nhau “Khắp cọi” đối đáp, tìm hiểu lứa đôi rồi nên duyên vợ nên chồng cho hạnh phúc trăm năm.
Có thể nói, nghệ thuật trình diễn “Khắp cọi” được thực hành ở nhiều không gian văn hóa khác nhau trong những thời điểm cụ thể khác nhau, xuyên suốt đời sống sinh hoạt của cộng đồng cũng như trải dài trong suốt chu kỳ cuộc đời mỗi cá nhân tộc người. Ngay từ khi còn nhỏ, các cháu bé đã được chứng kiến những cuộc “Khắp cọi” của mọi thành viên trong cộng đồng, từ nam nữ thanh niên đối đáp tìm hiểu đến các bậc trung niên, cao niên “Khắp cọi” hỏi thăm nhau, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất, rồi các em được cha mẹ, ông bà, cộng đồng truyền cho lời “Khắp cọi” ; lớn lên muốn tìm được người yêu, muốn đi đến hôn nhân bền vững, nam thanh nữ tú phải biết sử dụng lời ca tiếng hát của mình để “Khắp cọi” giao duyên, tìm hiểu, xây dựng hạnh phúc lứa đôi, nếu không có “vốn” bài hát nhất định thì thật khó có thể đối đáp trong các cuộc hát giao duyên, thật khó để có thể xây dựng được một tổ ấm hiểu nhau, hạnh phúc; khi đã có gia đình thì người ta lại học thêm lời để “Khắp cọi” chúc mừng nhau có nhà mới, có thêm thành viên, chúc tụng nhau những khi gặp mặt hay những ngày tết đến xuân về; về già họ lại ca những lời chúc nhau sức khỏe, sống lâu bên con cháu. Cứ như vậy, “Khắp cọi” sinh sôi, tồn tại và phát triển ngày càng sâu và rộng trong mỗi cá nhân và nâng lên là đối với cả cộng đồng tộc người Tày nơi đây. Rồi từ năm này qua năm khác, từ đời này qua đời khác, “Khắp cọi” được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng tộc người, đồng thời được cộng đồng tự bổ sung, làm dày, tự lưu giữ, trao truyền trở thành vốn di sản văn hóa độc đáo, có mang đặc trưng vùng miền rõ rệt. Như vậy, di sản hiện diện trong hầu hết đời sống sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của tộc người, có không gian văn hóa liên quan rộng và không cố định, có thể chỉ trong phạm vi một ngôi nhà, một sân chơi nhỏ, cũng có khi là ở cộng đồng bản hay cả một vùng.
Nghệ thuật trình diễn “Khắp cọi” là tổng hòa các giá trị văn hóa truyền thống từ văn học, nghệ thuật, thơ ca, diễn xướng đến cách ứng xử, tri thức dân gian, óc sáng tạo của tộc người. Bởi vậy, có rất nhiều sản phẩm vật chất và tinh thần được tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển của di sản. Những giá trị vật chất điển hình có thể kể đến là: trang y phục truyền thống khi trình diễn, không gian diễn xướng như nhà sàn truyền thống và các khu vực liên quan; lễ vật và các sản phẩm vật chất khác trong các nghi lễ có diễn xướng “Khắp cọi” như: đám cưới, lễ lên nhà mới, tết nguyên đán, các hội vui của cộng đồng, ...; các nhạc cụ kèm theo khi trình diễn như nhị hai dây, sáo ngang, trống, .... Những sản phẩm tinh thần gắn với di sản rất phong phú, đa dạng. Có thể nói, với vai trò của mình, lời ca “Khắp cọi” cũng như nghệ thuật trình diễn “Khắp cọi” hiện diện trong tất cả các dạng thức di sản văn hóa phi vật thể của tộc người, từ tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian đến nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. Tiếng “Khắp cọi” vang lên để giãi bày tâm sự, tạo ra sự an ủi, chia sẻ, động viên, đồng cảm giữa các thành viên, tăng tính cố kết cộng đồng, làm cho con người vơi đi những vất vả, khó khăn, buồn tủi, tạo nên liều thuốc tinh thần vô giá, là động lực để con người hăng say lao động sản xuất, hướng tới cuộc sống ấm no, bền vững.
VI. GIÁ TRỊ CỦA DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Nghệ thuật trình diễn “Khắp cọi” của người Tày ở tỉnh Yên Bái là một thành tố văn hóa dân gian độc đáo, riêng biệt, là sự sáng tạo có chọn lọc và tích luỹ trong quá trình lịch sử tồn tại và phát triển của tộc người. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc và mang nhiều ý nghĩa đã được kiểm nghiệm và thẩm định qua chiều dài của thời gian, chiều rộng của không gian văn hóa. Đến nay, di sản này vẫn được gìn giữ và lưu truyền trong cộng đồng. Tất cả đều toát lên tính nhân văn sâu sắc, triết lý sâu xa, đều thể hiện nguyện vọng chân chính của cộng đồng tộc người luôn mong muốn vươn tới chân - thiện - mỹ. Di sản hội tụ những giá trị không thể phủ nhận về mặt lịch sử, văn hóa – xã hội, khoa học cũng như nghệ thuật, thẩm mỹ.
1. Giá trị lịch sử: Nghệ thuật trình diễn “Khắp cọi” là một di sản văn hóa phi vật thể rất độc đáo, có lịch sử lâu đời trong xã hội cộng đồng tộc người, được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng người Tày vùng sông Chảy, nó phản ánh quá trình lịch sử của tộc người tương đối rõ nét.
Với những bài hát được sưu tầm, ghi chép, dịch thuật cẩn thận của những nghệ nhân tộc người, truyền từ đời này qua đời khác, chúng ta thấy toát lên được phần nào bức tranh trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng qua chiều dài lịch sử với những đặc điểm trong cư trú, đời sống sinh hoạt, sản xuất, cách ứng xử của xã hội tộc người trong tiến trình phát triển của lịch sử tộc người, nhất là ứng xử của con người với con người, của con người với thiên nhiên và vạn vật xung quanh, những am hiểu về phong tục tập quán, những tri thức dân gian, các nghề thủ công truyền thống, .... Với những gì mà “Khắp cọi” thể hiện và phản ánh, cho thấy đây là một loại hình nghệ thuật đã tồn tại lâu đời trong đời sống tộc người và được kế tục qua nhiều thế hệ.
Mỗi bài thơ, mỗi lời ca, cách thức trình diễn đều mang những ý nghĩa riêng, gắn với lịch sử di cư, lịch sử cư trú, lịch sử xã hội, lịch sử kinh tế - văn hóa của tộc người. Như thế, nghiên cứu “Khắp cọi” là nghiên cứu văn học nghệ thuật tộc người, nghiên cứu quá trình tư duy và óc sáng tạo của tộc người, nghiên cứu lịch sử tộc người được phản ánh, tái hiện trong thơ ca, trong nghệ thuật. Bởi thế, giá trị lịch sử của di sản văn hóa phi vật thể này được khắc họa rất rõ nét.
Nghệ thuật “Khắp cọi” ở người Tày vùng sông Chảy tồn tại và phát triển xuyên suốt trong lịch sử tộc người, được truyền dạy qua nhiều thế hệ, được cộng đồng tự bảo lưu, tự trao truyền và thực hành thường xuyên trong đời sống, đã khẳng định sức sống bền vững của một di sản văn hóa độc đáo, lâu đời, song hành cùng lịch sử tộc người.
2. Giá trị văn hóa - xã hội: Nghệ thuật “Khắp cọi” là một trong những di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng tộc người Tày ở vùng sông Chảy, tỉnh Yên Bái. Với bản chất là một nghệ thuật diễn xướng dân gian khá tổng hợp, “Khắp cọi” phản ánh sự đa dạng trong văn hóa, mang những đặc trưng vùng miền rõ nét với sự sáng tạo độc đáo của cộng đồng. Đó là sản phẩm văn hóa thuộc sở hữu chung của đồng bào, di sản hội tụ nhiều yếu tố văn hóa truyền thống cả về vật chất và tinh thần của tộc người và được cộng đồng tự nguyện kế tục qua nhiều thế hệ. Mỗi lời ca, điệu hát, mỗi động tác trình diễn đều thể hiện những quan niệm của cộng đồng về thế giới quan, nhân sinh quan, thể hiện những cách ứng xử đẹp của con người với con người, con người với thiên nhiên, của cá nhân với cộng đồng và của cộng đồng với nhau.
Qua cách thức thực hành của loại hình nghệ thuật này, chúng ta thấy được không gian “Khắp cọi” là nơi phô diễn, hiện hữu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng, là địa chỉ lưu giữ, bảo tồn, truyền dạy không chỉ các bài dân ca truyền thống, nghệ thuật trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống mà qua từng câu từ, từng cách thức ứng xử trong hội hát thì đây còn là môi trường giáo dục những giá trị văn hóa ứng xử truyền thống của cộng đồng.
“Khắp cọi” là một sinh hoạt văn hóa có từ xưa của cộng đồng, “Khắp cọi” tạo không gian để cộng đồng giao lưu, tâm sự, tìm hiểu, yêu đương, kết duyên đôi lứa, cũng là nơi trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, thăm hỏi, chúc tụng nhau trong đời sống. Lời “Khắp cọi” giao duyên của thanh niên nam, nữ thể hiện các cung bậc tình cảm diễn biến theo thời gian. Không gian của “Khắp cọi” cũng là dịp để cộng đồng cùng thưởng thức các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian, thử tài đối đáp, tâm sự, sẻ chia, tìm hiểu về phong tục tập quán, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của chính mình.
Ngoài loại hình mà di sản đang mang (nghệ thuật trình diễn dân gian), “Khắp cọi” hiện nay được các nghệ nhân sưu tầm, dịch thuật, ghi chép, giới thiệu với hơn 600 bài là một kho tàng ngữ văn dân gian có giá trị thuộc sở hữu chung của cộng đồng. Có thể thấy, “Khắp cọi” thể hiện giá trị của mình trong hầu hết các không gian văn hóa truyền thống của tộc người, gắn kết và liên quan tới nhiều loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tộc người, “Khắp cọi” là một hình thức nghệ thuật trình diễn dân gian, hiện hữu trong tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; lễ hội truyền thống; tập quán xã hội và tín ngưỡng; tri thức dân gian; trong các giá trị văn hóa vật chất liên quan đến ăn (ẩm thực), mặc (trang phục), ở (nhà sàn), ... của tộc người.
Giá trị xã hội của nghệ thuật này đã thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng rất rõ nét, đồng thời khi cất lên lời ca, tiếng hát của “Khắp cọi” , khi hòa mình vào không gian văn hóa của “Khắp cọi” , người ta như được tiếp thêm động lực tinh thần giúp con người vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ưu tư, sầu não, hướng tới cái chân – thiện – mỹ, hướng tới cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Đặc biệt, đối đáp trong “Khắp cọi” để trai gái được tự do tìm hiểu, yêu đương và đi đến hôn nhân. Quá trình này được diễn ra lành mạnh, trong sáng, có chiều sâu. Vậy nên, đây cũng là một yếu tố quan trọng để khi đi đến hôn nhân tự nguyện, quyết định cuộc sống hòa thuận, hạnh phúc, gắn bó bền chặt với nhau của các gia đình trong xã hội tộc người, thể hiện sự tiến bộ trong hôn nhân truyền thống của cộng đồng từ trong lịch sử.
3. Giá trị khoa học: Có thể thấy, nghệ thuật “Khắp cọi” là một di sản có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng tộc người. Nội dung các bài hát và hình thức thể hiện của nghệ thuật “Khắp cọi” là nguồn tư liệu quan trọng giúp các nhà nghiên cứu có thêm tri thức khoa học xã hội và nhân văn nói chung về lịch sử, xã hội tộc người và đời sống văn hóa vật chất cũng như tinh thần của cộng đồng tộc người Tày vùng sông Chảy, tỉnh Yên Bái.
Khi tìm hiểu nội dung các bài “Khắp cọi” và đặc biệt là tham dự trọn vẹn một chương trình “Khắp cọi” của tộc người, sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về truyền thống lịch sử, đặc điểm kinh tế, văn hóa - xã hội, phong tục tập quán, tri thức dân gian, … với những đặc trưng riêng của đồng bào Tày vùng sông Chảy trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong tương quan với văn hóa của người Tày vùng Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam.
Di sản cũng chứa đựng những sáng tạo mang tính khoa học độc đáo, được biểu hiện qua tiết tấu đa dạng, biến hóa khi trình diễn kết hợp với nhạc cụ truyền thống điển hình khi diễn xướng.
Từ những nguồn tư liệu khoa học có giá trị này sẽ giúp các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào người Tày nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung hiệu quả và bền vững hơn.
4. Giá trị nghệ thuật: Nghệ thuật trình diễn “Khắp cọi” là một hình thức diễn xướng dân gian điển hình, được ra đời và tồn tại cùng sự phát triển của xã hội tộc người Tày nên di sản có lịch sử tồn tại lâu đời, mang tính nghệ thuật cao (nghệ thuật thơ ca, câu từ, văn học, nghệ thuật diễn xướng lời ca, nghệ thuật trình diễn nhạc cụ truyền thống,…), với nội dung và hình thức khá độc đáo, thể hiện phong cách diễn xướng đầy cảm xúc trữ tình, mang đậm yếu tố truyền thống trong cái chung của văn hóa nghệ thuật Tày và những đặc trưng vùng miền điển hình của người Tày vùng sông Chảy – nơi chuyển tiếp địa lý và giao thoa văn hóa giữa Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam.
Lời đối đáp của các thành viên tham gia đầy sáng tạo, chứa đựng tư duy, suy nghĩ, tình cảm và những khát vọng vươn tới cái chân - thiện - mĩ của mỗi cá nhân trong cộng đồng tộc người. Đó chính là cái đẹp, cái cao cả của giá trị sống, giá trị nghệ thuật đích thực mà nghệ thuật “Khắp cọi” mang lại.
“Khắp cọi” của người Tày thể hiện trình độ sáng tạo nghệ thuật độc đáo, phù hợp với văn hóa truyền thống và tư duy tộc người. Việc sử dụng ngôn từ, thể hiện qua làn điệu âm thanh, động tác, với giai điệu nhạc nền phù hợp, trình diễn trong những không gian văn hóa khác nhau nhằm thể hiện cảm xúc, tâm tư, tình cảm, ước vọng, thẩm mỹ của tộc người.
Nghệ thuật “Khắp cọi” thể hiện đặc sắc sự kết hợp giữa lời ca và âm nhạc truyền thống phù hợp với tâm trạng, với mong muốn, ước vọng của con người, với không gian trình diễn. Trong khi trình diễn “Khắp cọi” , ngoài những lời ca cố định, người diễn xướng có thể sáng tạo một cách ngẫu hứng, thăng hoa mà vẫn mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của tộc người. Người diễn xướng thể hiện cảm xúc nội tâm mạnh mẽ.
Nghệ thuật trình diễn “Khắp cọi” mang giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao của tộc người, có sức lan tỏa trong sự rộng lớn không gian và chiều dài của thời gian. Di sản mang vẻ đẹp từ khuôn hình cho đến ý nghĩa nhân sinh, mục đích làm cho người ta chiêm nhiệm, suy ngẫm từ cảm nhận của thính giác, thị giác, để rồi đi đến khâm phục, ngưỡng mộ, ưa chuộng. Trong lịch sử phát triển loài người, con người sáng tạo các loại hình nghệ thuật làm phong phú hơn cuộc sống, giúp con người thêm tự tin tồn tại và phát triển. Vì vậy sáng tạo nghệ thuật là quy luật tất yếu và là nhu cầu không thể thiếu của con người. Nghệ thuật “Khắp cọi” cũng nằm trong quy luật như vậy, nó thể hiện những cảm xúc thẩm mỹ lành mạnh trước thiên nhiên hùng vĩ, trước những cuộc đấu tranh sinh tồn và phát triển, trước tình yêu chân chính và ước vọng vươn tới cái đẹp, cái đủ đầy, no ấm, hạnh phúc của con người.
Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật “Khắp cọi” thể hiện trình độ nghệ thuật và óc sáng tạo cao của tộc người, bởi nó không sao chép hiện thực, mà nó dùng hình tượng sinh động cụ thể và gợi cảm để phản ánh hiện thực và truyền tải hiện thực. Sự phản ánh hiện thực ấy được thông qua lăng kính và cái nhìn của con người với những cảm xúc thẩm mĩ, sáng tạo, chứa đựng tư duy, suy nghĩ, ý nguyện, tình cảm và những khát vọng vươn tới cái chân - thiện - mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng tộc người. Đó chính là vẻ đẹp bất biến, cao cả của giá trị nghệ thuật đích thực lắng đọng trong “Khắp cọi” .
5. Giá trị giáo dục: Nghệ thuật “Khắp cọi” thể hiện rất rõ giá trị giáo dục từ thế hệ này qua thế hệ khác trong đời sống cộng đồng. Thông qua nội dung các bài hát, cách ứng xử ở những không gian văn hóa khác nhau trong khi hát, những người thế hệ trước truyền lại cho những người thế hệ sau những kinh nghiệm về đạo đức con người, cách sống, cách nghĩ, cách ứng xử sao cho tốt đẹp, hài hòa nhất, dạy con người biết thể hiện mình đồng thời biết nhường nhịn, biết coi trọng tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, đồng thời khuyên răn con người những điều hay, lẽ phải, thắt chặt yêu thương, chia sẻ giữa các bản mường, biết yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và yêu lao động sản xuất, tôn trọng thành quả của mình tạo ra, đồng thời phải luôn tìm cách học hỏi và tiếp thu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Với những giá trị trên, nghệ thuật “Khắp cọi” đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực trong đời sống con người. Đây là một hình thức nghệ thuật dân gian có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng tộc người Tày vùng văn hóa sông Chảy. Cho dù “Khắp cọi” có mai một ít nhiều về nội dung cũng như không gian trình diễn (những bài hát ngợi ca lao động thể hiện khi lao động sản xuất trên những cánh đồng đã ít hơn trước, nam nữ thanh niên hiện nay dù có thuộc thì cũng không thông qua “Khắp cọi” để tìm hiểu, yêu đương dẫn đến hôn nhân như trước kia) nhưng những giá trị cốt lõi của di sản văn hóa phi vật thể này vẫn luôn được bảo tồn, kế tục và trao truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Những sự thay đổi này là thứ yếu và được xem là phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội mới hiện nay, phù hợp với đời sống xã hội đương đại, để đáp ứng với sự đổi mới, hội nhập, giao lưu và nhu cầu thưởng thức văn hóa của cộng đồng. Việc khôi phục thành công nghệ thuật “Khắp cọi” ở vùng sông Chảy trong thời gian qua đã thể hiện sức sống mãnh liệt của di sản trong cộng đồng, hứa hẹn một tương lai phát huy hiệu quả giá trị của di sản với sức lan tỏa mạnh mẽ. Di sản này cũng đã được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ. Việc đưa nghệ thuật trình diễn dân gian “Khắp cọi” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ góp phần tích cực vào việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản với những đặc trưng văn hoá truyền thống của tộc người Tày vùng sông Chảy cũng như khẳng định tính đa dạng của di sản trong bức tranh văn hoá cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng thời đảm bảo cơ sở pháp lý lâu dài cho quá trình phát huy bền vững giá trị di sản.
6. Vai trò của di sản trong đời sống của người Tày: Nghệ thuật “Khắp cọi” vốn gắn bó với đồng bào Tày trong đời sống hằng ngày từ xa xưa. Trong đời sống xã hội tộc người, “Khắp cọi” được coi như món ăn tinh thần không thể thiếu mà cứ từ đời này qua đời khác, năm này qua năm khác, người ta truyền nhau những câu hát “Khắp cọi” như một báu vật của cộng đồng.
Trong đời sống xã hội cộng đồng, “Khắp cọi” xuất hiện với tần xuất khá dày đặc trong các “sự kiện” văn hóa truyền thống như trong ngày tết, trong các lễ hội mùa xuân, “Khắp cọi” khi xuống đồng, khi đám cưới, khi mừng nhà mới, khi con trẻ đầy tháng, khi gặp nhau thăm hỏi, khi giãi bày tâm sự, tìm hiểu, giao duyên… Hầu như mọi tâm tư, tình cảm, niềm vui đều được thể hiện qua lời “Khắp cọi” , “Khắp cọi” làm cho con người hiểu nhau hơn, sẻ chia, đoàn kết trong cộng đồng hơn. Với sự hiện diện thường xuyên và liên tục của di sản trong đời sống tộc người ở nhiều phương diện khác nhau đã khẳng định vai trò không thể thiếu của di sản. Đối với nhiều người yêu tiếng hát dân ca, “Khắp cọi” giống như cơm ăn, nước uống và không khí để thở hằng ngày, trong bất cứ không gian, thời gian, hoàn cảnh nào ở những dịp vui, lời ca “Khắp cọi” đều được cất lên như một phương tiện để thể hiện tâm tư, tình cảm của mỗi người.
Trong lịch sử tồn tại của di sản, có những khoảng thời gian mai một, vắng bóng nhưng với vị trí, vai trò quan trọng của mình trong đời sống văn hóa, văn nghệ cộng đồng, di sản đã nhanh chóng được khôi phục, gìn giữ và lưu truyền. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo, mang nhiều ý nghĩa, thể hiện sự sáng tạo có chọn lọc trong quá trình phát triển của lịch sử tộc người, đã được kiểm nghiệm, chọn lọc qua chiều dài của thời gian, chiều rộng của không gian văn hóa. Bởi thế, di sản có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng, hứa hẹn một tương lai phát huy hiệu quả giá trị của di sản với sức lan tỏa mạnh mẽ. Di sản này cũng đã được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ để phát huy trong tương lai.
VII. HIỆN TRẠNG DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Trong tiến trình phát triển, “Khắp cọi” cũng có một khoảng thời gian “vắng bóng” (từ 1964 đến 1975). Sau đó, có khôi phục lại nhưng cũng chưa được “nở rộ” như trước. Cho đến đầu những năm 2000, “Khắp cọi” được chú ý nhiều hơn, từ đó, di sản hiện diện nhiều hơn trong đời sống và dần dần được phục hồi, lan tỏa rộng rãi trong đời sống sinh hoạt tinh thần của đồng bào mang theo những giá trị nguyên gốc của di sản. Đến nay, “Khắp cọi” được coi như món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống người Tày vùng sông Chảy, được cộng đồng tự nguyện lưu truyền như một báu vật của cộng đồng.
Qua khảo sát tại huyện Lục Yên và huyện Yên Bình, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật trình diễn “Khắp cọi” của người Tày trong vùng khá hiệu quả, đặc biệt trong những năm gần đây. Cụ thể:
- Về sưu tầm, dịch thuật nội dung lời cổ: Tính đến thời điểm lập hồ sơ, chúng tôi đã thu thập được 310 bài trên địa bàn huyện Lục Yên và 302 bài trên địa bàn huyện Yên Bình. Đây là nguồn tư liệu quý giúp cho quá trình phục hồi và phát triển nghệ thuật “Khắp cọi” được như ngày nay.
- Về nghệ nhân được công nhận: Tính đến tháng 10 năm 2024, trên địa bàn hai huyện Lục Yên và Yên Bình, có 03 nghệ nhân ưu tú người Tày được Chủ tịch nước phong tặng, đều thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, đó là: Ông Hoàng Quang Nhạn (thôn Nà Chùa, xã Mường Lai, huyện Lục Yên); ông Hoàng Tương Lai (thôn Trung Tâm, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình); bà Mai Thị Hồng Chắn (xã Minh Xuân, huyện Lục Yên). Bên cạnh đó, còn có 3 nghệ nhân đang được đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Yên Bái lần thứ 3 đều thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, đó là: Ông Hoàng Ngọc Thành (thôn Trung Tâm, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình); Bà Lộc Thị Thi (thôn 8, xã Mường Lai, huyện Lục Yên); bà Nông Thị Kiệm (thôn 7, xã Mường Lai, huyện Lục Yên). Đây là những hạt nhân vô cùng quý báu, dày công sưu tầm, dịch thuật, truyền dạy, phổ biến, làm sống dậy nghệ thuật “Khắp cọi” của người Tày vùng sông Chảy.
- Về công tác truyền dạy: Từ xưa, cộng đồng đều tự trao truyền vốn di sản này từ thế hệ trước sang thế hệ sau thông qua việc thực hành trực tiếp trong đời sống hằng ngày, biết “Khắp cọi” để đi chơi tết, đi thăm hỏi, chúc tụng nhau, đi giao lưu, tìm bạn, đi tham gia các lễ hội mùa xuân, mùa thu của bản làng; những năm gần đây biết “Khắp cọi” để tham gia các hội thi, hội diễn, hoạt động văn hóa văn nghệ tại địa phương và giao lưu vùng miền.
Công tác truyền dạy hiện nay có khác so với trước kia, nếu như truyền thống chỉ dạy thực hành, truyền miệng trực tiếp bằng tiếng Tày thì hiện nay trước khi đi vào truyền dạy trực tiếp, các nghệ nhân, những người am hiểu kể về nguồn gốc, xuất xứ của “Khắp cọi” từ mảnh đất Lục Yên, trong lịch sử “Khắp cọi” gắn với đồng bào mình như thế nào để người học thêm hiểu, thêm yêu, thêm tự hào về lời ca tiếng hát của tộc người, từ đó, họ tự tìm hiểu, tự trao truyền, gìn giữ vốn di sản cho mình và cho đời sau; quá trình truyền dạy bổ sung cả tiếng Tày và tiếng Việt, đồng thời những bài hát mới được tìm hiểu, sưu tầm bổ sung và những sáng tác mới cũng được cập nhật trong chương trình truyền dạy ở những lớp sau này. Càng những lớp về sau chủ đề càng mở rộng hơn, tất cả các lớp đều được truyền dạy đầy đủ những nội dung “Khắp cọi” cổ. Đảm nhận nhiệm vụ truyền dạy “Khắp cọi” trong vùng hiện nay chủ yếu là các nghệ nhân ưu tú, gồm có: ông Hoàng Quang Nhạn (xã Mường Lai, huyện Lục Yên); bà Mai Thị Hồng Chắn (xã Minh Xuân, huyện Lục Yên); ông Hoàng Tương Lai (xã Xuân Lai, huyện Yên Bình).
Tại các trường học trên địa bàn huyện Lục Yên và một số trường học trên địa bàn huyện Yên Bình đều có các chương trình dạy và học “Khắp cọi” tại trường (từ cấp học mầm non đến trung học phổ thông), đặc biệt từ năm 2019 đến nay, các lớp học được truyền dạy thường xuyên, liên tục cho các khóa trong các giờ ngoại khóa hoặc các giờ giáo dục địa phương. Cơ bản tại các trường học trên địa bàn huyện đều có đội văn nghệ trình diễn được nghệ thuật “Khắp cọi” . Hình thành phong trào chung của các đơn vị nhà trường nhằm mở rộng các hoạt động văn hóa, văn nghệ lành mạnh phù hợp với lứa tuổi và phong tục tập quán của dân tộc; góp phần thúc đẩy mô hình “trường học du lịch”, “trường học gắn với văn hóa truyền thống” đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người Tày trên địa bàn các huyện và đưa bản sắc văn hóa Tày đến thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân một cách sâu rộng, quảng bá nét văn hóa truyền thống của các dân tộc đến với du khách, dần đưa di sản trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch của địa phương.
Việc truyền dạy, khôi phục, phát triển nghệ thuật “Khắp cọi” rất hiệu quả, ngày càng nhiều người yêu thích “Khắp cọi” , đặc biệt là những người trẻ tuổi. Nội dung của hơn 600 bài “Khắp cọi” lời cổ đã được sao chép thành nhiều bộ tài liệu để truyền dạy và tự học.
- Về công tác phát huy, phổ biến: Hiện nay, 24/24 xã, thị trấn của huyện Lục Yên và 06 xã ở vùng thượng huyện Yên Bình có người Tày sinh sống đều có đội văn nghệ của người Tày, một số xã có trên 90% là người Tày thì các đội văn nghệ được thành lập tới tận thôn, bản như các xã Mường Lai, Minh Xuân, Lâm Thượng, Khánh Thiện (huyện Lục Yên), Xuân Lai, Ngọc Chấn, Xuân Long, Bạch Hà (huyện Yên Bình); các tổ chức đoàn thể (hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội người cao tuổi, …) cũng có đội văn nghệ (mỗi đội trên 10 người). Các đội văn nghệ này trình diễn tổng hòa các giá trị văn hóa truyền thống tộc người, trong đó, “Khắp cọi” là một phần không thể thiếu và được thực hành rất thuần thục ở tất cả các thành viên trong đội, họ có thể diễn xướng nhiều nội dung trong các không gian văn hóa khác nhau. Vào những dịp đầu xuân, lễ hội của địa phương, các đội văn nghệ thường thi với nhau ở cấp xã, xã nhiều thì tham gia thi 2 đến 3 lần mỗi năm, xã ít thì mỗi năm thi 1 lần vào dịp đầu xuân. Đến nay, hội diễn nghệ thuật quần chúng tại cơ sở trên địa bàn các huyện được tổ chức 2 năm 1 lần từ cấp xã đến cấp huyện, thu hút đông đảo đồng bào tham gia, trong đó, đồng bào Tày chủ yếu tham gia các tiết mục “Khắp cọi” điển hình và luôn giành giải thưởng cao ở cấp huyện, cấp tỉnh và trong khu vực.
So với truyền thống, nghệ thuật “Khắp cọi” hiện nay ở hai huyện Lục Yên và Yên Bình đã được khôi phục khá hoàn chỉnh, chỉ có nội dung “Khắp cọi” trong đối đáp giao duyên, tìm hiểu để rồi nên vợ nên chồng là chưa được thực hành, chỉ còn lại trong trí nhớ của các cụ cao niên (nội dung này trong điều kiện xã hội mới, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ hiện nay là khó thực hiện hơn, bởi lớp trẻ sử dụng công nghệ mới, nhanh hơn, dễ tiếp cận hơn, có thể họ vẫn thuộc các bài hát nhưng là để hát đối đáp trong đám cưới, trong hội xuân chứ không hát khi tìm hiểu, yêu đương). Với những gì mà “Khắp cọi” vùng sông Chảy được khôi phục và thực hành như hiện nay, chúng tôi nhận thấy đã khá đầy đủ và tương đối nguyên gốc, đáng ghi nhận để bảo tồn, phát huy trong tương lai để “Khắp cọi” mãi vang cao, vang xa và trường tồn trong đời sống tinh thần của tộc người cũng như trong bức tranh đa màu sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Hằng năm, tỉnh Yên Bái cũng như các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều tổ chức nhiều chương trình, nhiều sự kiện nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đó có tộc người Tày mà nghệ thuật trình diễn “Khắp cọi” của cộng đồng là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, không thể thiếu trong các chương trình, sự kiện như thế. Có thể kể đến như: các hoạt động mừng Đảng mừng xuân hằng năm; ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức ở các huyện Lục Yên, Yên Bình; ngày hội đại đoàn kết các dân tộc; ngày hội khám phá danh thắng quốc gia hồ Thác Bà; chương trình du lịch “Về miền đất Ngọc”; ngày hội văn hóa, thể thao “Âm vang hồ Thác Bà”; các ngày hội được tổ chức ở quy mô cấp huyện như: ngày hội “pay tái” (tết nhà ngoại) (trung tuần tháng 7 âm lịch hằng năm); lễ “cắc kéng” (giã cốm); lễ hội “lồng tồng” (xuống đồng); Lễ “xo may” (cầu may); trải nghiệm nghệ thuật “Khắp cọi” của người Tày ở xã Minh Xuân, Mường Lai, huyện Lục Yên;... trong đó chú trọng tái hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào các tộc người, điển hình là tộc người Tày, mà “Khắp cọi” là một di sản không thể bỏ qua.
“Khắp cọi” có thời gian tồn tại lâu đời, có không gian trình diễn rộng khắp. Với tinh thần tự bảo tồn, lan tỏa, phát huy di sản văn hóa truyền thống của chính mình, đến nay, “Khắp cọi” đã được lan tỏa tới mọi thế hệ cư dân Tày trên địa bàn hai huyện, các cụ cao niên và bậc trung niên có vốn ca từ phong phú, khá thành thạo khi trình diễn “Khắp cọi” , tầng lớp thanh niên đã và đang tích cực tham gia các lớp truyền dạy được mở rộng khắp trên địa bàn các xã, huyện trong thời gian vừa qua theo tinh thần của Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022-2025; đối với các cấp học phổ thông và mầm non thì “Khắp cọi” được đưa vào trường học trong các giờ âm nhạc hoặc hoạt động ngoại khóa. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, “Khắp cọi” được lan tỏa rộng rãi và phổ biến trong cộng đồng người Tày trên địa bàn hai huyện Lục Yên và Yên Bình trong mọi cuộc sinh hoạt văn hóa văn nghệ cộng đồng. Có thể nói, đến nay, nghệ thuật “Khắp cọi” của người Tày ở huyện Lục Yên và huyện Yên Bình đang được khôi phục, lưu giữ và bước đầu phát huy. Tuy nhiên, so với thời kỳ thịnh hành nhất của “Khắp cọi” (gần như 100% cư dân Tày đều “Khắp cọi” , 100% nam nữ thanh niên tìm hiểu nhau qua “Khắp cọi” ) thì những năm gần đây, một bộ phận những người trẻ tuổi còn lơ là với loại hình nghệ thuật này, số người hát đã ít đi, lớp trẻ đã không còn tìm hiểu nhau qua lời “Khắp cọi” nữa. Cho dù “Khắp cọi” có mai một ít nhiều về nội dung cũng như không gian trình diễn như vậy nhưng những giá trị cốt lõi của di sản văn hóa phi vật thể này vẫn luôn được bảo tồn, kế tục và trao truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Những sự thay đổi, thu hẹp này là thứ yếu và được xem là phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội mới hiện nay, phù hợp với đời sống xã hội đương đại, để đáp ứng với sự đổi mới, hội nhập, giao lưu và nhu cầu thưởng thức văn hóa của cộng đồng.
431 lượt xem
Ban Biên tập
Ngày 10/12/2024, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3988/QĐ-BVHTTDL công nhận nghệ thuật “Khắp cọi” của người Tày, huyện Lục Yên, huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.I. Tên gọi của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
1. “Khắp cọi” của người Tày
2. Tên gọi khác: Lượn cọi, hát khắp, hát cọi, khắp, cọi.
II. Loại hình
Nghệ thuật trình diễn “Khắp cọi” của người Tày được xếp vào loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian.
III. Quyết định công bố Di sản văn hóa phi vật thể
Quyết định số 3988/QĐ-BVHTTDL, ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch công nhận nghệ thuật “Khắp cọi” của người Tày, huyện Lục Yên, huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
IV. Địa điểm phân bố Di sản
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “nghệ thuật “Khắp cọi” của người Tày được phân bổ trên cơ sở lưu trú của cộng đồng người Tày huyện Lục Yên và huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái
V. Chủ thể văn hóa
Cộng đồng người Tày ở huyện Lục Yên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
VI. Miêu tả về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
1. Quá trình ra đời và tồn tại của di sản
1.1. Quá trình ra đời của di sản
Từ “Khắp cọi” trong tiếng Tày không có nghĩa trong tiếng Việt, người ta chỉ hiểu đó là một cách hát, một kiểu hát của người Tày và tên gọi “Khắp cọi” được tìm thấy trong câu chuyện dân gian trên ở huyện Lục Yên. Phân tách ra trong tiếng Tày, từ “khắp” không có nghĩa nhưng trong tiếng Thái thì “khắp” có nghĩa là “hát”, từ “cọi” được người Tày dùng để chỉ một làn điệu dân ca trữ tình của tộc người. Vậy nên, tên gọi này khả năng gợi cho ta những vấn đề về nguồn gốc, địa vực cư trú và những giao thoa văn hóa giữa tộc người Tày và tộc người Thái (hai tộc người cùng nằm trong nhóm ngôn ngữ Tày – Thái và có nhiều nét tương đồng về văn hóa nói chung) ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam mà các huyện Lục Yên, Yên Bình của tỉnh Yên Bái chính là nơi giáp ranh, chuyển tiếp về mặt địa lý tự nhiên và khả năng cả về địa văn hóa.
Đối với cộng đồng người Tày ở vùng văn hóa sông Chảy (phía Đông của tỉnh Yên Bái), tiếp giáp với các tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang có nhiều nét văn hóa tương đồng với người Tày ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Đồng bào có nền văn hóa lâu đời và được duy trì bền vững trong đời sống cộng đồng. Từ các dạng thức văn hóa vật chất như những nếp nhà sàn truyền thống, các giá trị ẩm thực, những bộ trang phục màu chàm với dây dao “slaicha” đến các yếu tố văn hóa tinh thần độc đáo như các lễ hội, các nghi lễ theo chu kỳ đời người, theo chu kỳ nông nghiệp, nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc, hệ thống tri thức dân gian, các nghề thủ công truyền thống, tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian,… Tất cả các dạng thức văn hóa này đều được duy trì phổ biến trong cộng đồng, xứng đáng được tôn vinh, bảo tồn, phát huy trong điều kiện xã hội có nhiều biến đổi như hiện nay.
Riêng đối với nghệ thuật trình diễn “Khắp cọi” của người Tày thì ở vùng sông Chảy là phổ biến và đặc sắc hơn cả. “Khắp cọi” vốn gắn bó với đồng bào Tày từ lâu đời, không chỉ hiện hữu trong các hình thức diễn xướng, lễ hội mà còn gắn với nhiều hoạt động trong đời sống thường nhật của cộng đồng. Đặc biệt, khi muốn tìm người yêu, muốn kết duyên, nam thanh nữ tú đều phải “Khắp cọi” giao duyên để tìm hiểu. Bởi thế, họ phải học “Khắp cọi” từ khi còn nhỏ. Có thể nói, “Khắp cọi” là món ăn tinh thần không thể thiếu của cộng đồng người Tày vùng sông Chảy, tỉnh Yên Bái. Vậy “Khắp cọi” là gì? Nguồn gốc của loại hình nghệ thuật này như thế nào?
Cộng đồng người Tày ở vùng Lục Yên, Yên Bình thường truyền nhau câu chuyện kể về sự ra đời của tiếng “Khắp cọi” như sau:
Ngày xưa, có một ông cụ già trong làng ra ngồi trên hòn đá bên bờ suối câu cá. Bỗng có ngọn gió ào qua bụi tre bên bờ suối nơi ông ngồi. Cơn gió đẩy các cây tre cọ vào nhau phát ra âm thanh kẽo kẹt hòa quyện cùng với thác nước chảy, nghe hay làm sao. Thổn thức lòng người, ông già tự dưng mở miệng "hới lả" vọng theo, thấy người thanh thản, nhẹ nhõm, quên cả cái đói, cái mệt. Ông già nghĩ: có thể Thiên Nhan Thượng Đế đã ban thưởng tiếng hát cho người Tày mình đây? Ông về nhà gọi mọi người đến truyền dạy lời hát. Tuy nhiên, để lời hát được hấp dẫn hơn thì phải có nhạc cụ kèm theo. Ông lấy da ếch bọc ống nứa, căng 2 sợi dây tơ tằm rồi bện mấy sợi lông đuôi ngựa làm cung để kéo đi, kéo lại (cò cử) sau này gọi là nhị 2 dây. Tiếp đó, ông lấy ống nứa tép dùi thành 7 lỗ để thổi tạo tiếng nước chảy, sau này gọi là sáo (biẻm). Từ đấy, hát “Khắp cọi” có nhị (dỉ dèn) và có sáo (biẻm) đệm theo.
Tiếng “khắp” là theo âm thanh của dòng suối chảy, tiếng “cọi” là theo âm thanh của gió thổi tác động vào cây tre, cây nứa. Tiếng “Khắp cọi” ra đời từ đó.
Câu chuyện này được truyền lại rất rõ trong nội dung bài hát: hỏi gốc khắp gốc cọi (sam cốc khắp - cốc cọi) và kể gốc khắp gốc cọi (kể cốc khắp - cốc cọi) trong chặng 1, phần II: Hát giao duyên hỏi - đáp, được sưu tầm tại xã Mường Lai, huyện Lục Yên. Đó là nguồn gốc của “Khắp cọi” theo truyền thuyết được các nghệ nhân trong cộng đồng tộc người kể lại.
Xét về mặt khoa học lịch sử, để xác định nguồn gốc của nghệ thuật này, chúng tôi nhận thấy: nghệ thuật “Khắp cọi” nói riêng cũng như các loại hình nghệ thuật trình diễn khác nói chung thường xuất phát từ quá trình lao động sản xuất và óc tư duy sáng tạo của con người với nghệ thuật, là nhu cầu tinh thần giúp cho người ta vơi đi cái mệt nhọc trong lao động, ham lao động hơn, lao động hiệu quả hơn, làm cho con người gần nhau hơn, hiểu nhau hơn. Có thể trong quá trình lao động trên những mảnh ruộng, triền nương ít người, nhiều cây rừng, muông thú, người ta ngân nga tạo nên âm thanh để tránh thú dữ, để xua đi cảm giác sợ hãi nơi rừng núi vắng bóng người, để con người nhận thấy nhau ở nơi rừng sâu núi thẳm ấy. Lúc đầu có thể chỉ là những âm thanh rời nhau, đứt quãng, chỉ là những câu hát, thậm chí là câu nói đơn giản, không có nhịp điệu, âm vần. Sau dần, bằng tài năng, óc sáng tạo nghệ thuật và sự bồi đắp qua nhiều thế hệ tộc người, những lời ca ấy được bổ sung, hoàn thiện, tạo nên những bài “Khắp cọi” theo giai điệu, có tiết tấu kèm theo những nhạc cụ đệm để trình diễn ở những không gian và thời gian khác nhau.
Việc biến tấu, sử dụng các loại hình nghệ thuật như thế nào là tùy thuộc vào óc sáng tạo, khả năng cảm nhận, môi trường sống cũng như lịch sử cư trú của mỗi cộng đồng tộc người. “Khắp cọi” của người Tày cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nó cũng được ra đời do nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của con người trong quá trình lao động sản xuất và được cộng đồng tộc người hoàn thiện dần dần trong quá trình lịch sử. Nhu cầu về đời sống tinh thần cộng với sự sáng tạo nghệ thuật và môi trường cư trú truyền thống đã quy định sự ra đời và tồn tại của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Trải qua hàng trăm, hàng ngàn năm, nó được đúc kết, lưu truyền và phát triển rực rỡ như ngày nay. Đây được coi là sản phẩm của cả cộng đồng, của nhiều thế hệ tộc người cùng hun đúc, hoàn thiện.
Nghệ thuật “Khắp cọi” được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng tộc người Tày, nó gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Người Tày ở Việt Nam thường cư trú ở khu vực miền núi, ven những con sông, con suối lớn, làm ruộng nước ở những cánh đồng thung lũng trước núi, cư trú thành bản trên những nếp nhà sàn. Trong cuộc mưu sinh để tồn tại và phát triển, người Tày luôn cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, chế ngự nguồn nước, anh dũng đấu tranh chống lại kẻ thù và thú dữ. Với đặc điểm của cư dân nông nghiệp điển hình, ở môi trường và tập quán cư trú như vậy, mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, cộng đồng muốn tập hợp lại tổng kết một chu kỳ nông nghiệp, ăn mừng được mùa cùng nhau nhảy múa, hát ca, gặp gỡ, giao lưu, sẻ chia, tâm sự, tìm bạn đời, … Và để diễn tả tâm tư tình cảm trong những hoàn cảnh cụ thể đó, người ta sử dụng những lời hay ý đẹp, mượn những hình ảnh quen thuộc trong môi trường sống hằng ngày để ví von, diễn tả tâm trạng, viết nên những vần thơ để rồi người hát sử dụng những vần thơ đó thể hiện tâm tư với người đối diện giúp hiểu nhau hơn, gần nhau hơn, sẻ chia nỗi niềm, tăng cường tình làng nghĩa xóm, gắn kết yêu thương đôi lứa, … để sinh động và hấp dẫn hơn, người ta sử dụng nhạc cụ đệm là nhị và sáo khi trình diễn lời ca. Hoạt động này được lặp đi lặp lại nhiều lần, dần dần được nâng lên ở cả lời ca lẫn ý thức, hình thành nên “văn hóa trình diễn khắp cọi”. Văn hóa ấy hội tụ cả ý thơ, lời ca, tiếng hát, biểu diễn nhạc cụ và được truyền từ đời này qua đời khác, được cộng đồng chấp nhận, duy trì và phát triển, tồn tại song song với quá trình lịch sử, văn hóa - xã hội tộc người, trở thành một trong những di sản văn hóa tiêu biểu, mang tính đặc trưng của tộc người, được tộc người sáng tạo, duy trì, bồi đắp, bảo lưu, truyền dạy và được các cộng đồng tộc người khác ưa chuộng và ghi nhận. “Khắp cọi” có lẽ được hình thành, hoàn thiện và tồn tại trong tổng hòa những hoàn cảnh đó.
Theo ông Hoàng Quang Nhạn, ở các vùng khác của huyện Lục Yên không tìm thấy các văn bản cổ, riêng ở xã Mường Lai, bản thân ông vẫn còn lưu giữ được những trang ”Khắp cọi” bằng chữ nôm Tày, lời cổ, ước tính có từ khoảng năm 1922. Từ những câu chuyện và nguồn tư liệu trên, nhiều người đã khẳng định: Lục Yên là cái nôi nảy sinh làn điệu “Khắp cọi” độc đáo của tộc người Tày vùng sông Chảy.
Qua truyền thuyết dân gian, các tư liệu lịch sử, bước đầu có thể khẳng định: “Khắp cọi” là một nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống có từ lâu đời, gắn liền với cộng đồng người Tày, cư trú trên địa bàn huyện Lục Yên và huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Hạt nhân của di sản xoay quanh việc trình diễn các làn điệu ca hát phù hợp với không gian và thời gian khác nhau trong đời sống. Di sản đã và đang khẳng định vai trò không thể thiếu của mình trong dòng chảy lịch sử xã hội tộc người.
Như vậy, có thể nói chính từ môi trường tự nhiên, cảnh quan cư trú, điều kiện lao động sản xuất, nhu cầu giãi bày, thưởng thức văn hóa văn nghệ, sẻ chia buồn vui cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của đời sống tinh thần cùng với khát vọng về cuộc sống tốt đẹp của tộc người Tày đã hình thành nên nghệ thuật “Khắp cọi”.
1.2 Quá trình tồn tại của di sản
Theo những bậc cao niên người Tày ở xã Mường Lai, huyện Lục Yên thì: ở Lục Yên, nghệ thuật “Khắp cọi” tồn tại xuyên suốt trong quá trình lịch sử tồn tại và phát triển của xã hội cộng đồng. Càng trở về quá khứ, người ta càng hát nhiều hơn, mọi lời chào mời, thăm hỏi, chúc tụng, giao duyên, thử tài, tìm hiểu, đối đáp, hát trong những giờ giải lao trên các cánh đồng khi lao động sản xuất, …. đều được thể hiện bằng ca từ của “Khắp cọi” . Vậy nên, “Khắp cọi” trở nên phổ biến, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng như một giá trị văn hóa mặc định mà mỗi cư dân Tày cần phải tự trang bị để có thể hòa nhập trong cộng đồng. Đến nay, chỉ có lời “Khắp cọi” trong lao động sản xuất là có mai một so với thời kỳ thịnh hành nhất là những năm lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, mọi người tham gia làm việc trong các hợp tác xã (khoảng những năm 50 và nửa đầu những năm 60 của thế kỷ XX), khi nghỉ giải lao, các nhóm thường cất lên lời ca tiếng hát cho vơi đi những mệt nhọc, khó khăn, thậm chí người ta còn hát giao duyên ngay khi đi làm trên các cánh đồng, thanh niên tìm hiểu, trao gửi tâm tình, để rồi có những đôi nên vợ nên chồng trong những năm tháng hăng say lao động đó.
“Khắp cọi” cũng có một thời gian mai một do chiến tranh từ nửa cuối những năm 60 đến khi thống nhất đất nước. Theo nghệ nhân ưu tú Hoàng Quang Nhạn (sinh năm 1947): trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mĩ, đặc biệt giai đoạn từ năm 1964 đến 1967 và kéo dài đến năm 1975, thanh niên đi tham gia kháng chiến trên khắp các chiến trường, đất nước khó khăn, khói lửa chiến tranh triền miên nên “Khắp cọi” lắng xuống, người ở lại, ra đồng cũng không còn ai muốn hát, lời hát cứ thế vắng bóng dần đi. Đến khi hòa bình lập lại, năm 1976, khi các chàng trai đội cơi trầu sang hỏi vợ, họ bắt đầu hát lại, từ đó trong các đám hỏi, cưới, trong hội vui, khi lên nhà mới, khi hỏi thăm nhau hay chơi xuân, chúc xuân và đặc biệt trai gái tìm hiểu, đối đáp, giao duyên đồng bào lại cùng nhau trình diễn lời ca tiếng hát truyền thống, “Khắp cọi” đã được cộng đồng tự khôi phục bước đầu như thế. Tuy nhiên, nhận thấy “Khắp cọi” đã không được phổ biến như trước, người thích thì hát, người không thích thì không hát cũng không sao. Để làm sống dậy làn điệu dân ca truyền thống, những người tâm huyết như ông Hoàng Quang Nhạn đã tự thành lập các câu lạc bộ những người yêu tiếng hát “Khắp cọi” , sưu tầm, tổng hợp những bài “Khắp cọi” truyền thống, dạy miễn phí cho con em trong bản. Đó là cách làm của địa phương và những người đam mê với văn hóa truyền thống nhằm giữ gìn điệu “Khắp cọi” trong những năm 1990 – 2010.
Những năm sau đó, “Khắp cọi” dần được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ một phần kinh phí để truyền dạy, phục hồi; đưa văn hóa truyền thống nói chung, trong đó có nghệ thuật “Khắp cọi” của người Tày vào các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, trên địa bàn các xã trong vùng sông Chảy đều tổ chức các hội thi hát dân ca, tùy điều kiện của mỗi thời kỳ nên không cố định nhưng mỗi dịp tổ chức đều thu hút đông đảo bà con tham gia, trở thành sân chơi, thành nơi phô diễn những làn điệu dân ca truyền thống, trong đó, đồng bào Tày chủ yếu tham gia trình diễn “Khắp cọi” . Đây là một môi trường tuyên truyền, giáo dục các thế hệ sau về truyền thống văn hóa của tộc người hữu hiệu, từ đó, thế hệ trẻ thêm yêu, thêm tự hào và ngấm dần, thấm dần di sản độc đáo này trong mỗi cá nhân.
Đến nay, “Khắp cọi” được sống dậy và lan tỏa ngày càng sâu rộng trong cộng đồng, vốn di sản này đã ngày càng dày, số người thực hành ngày càng đông đảo, phổ biến, trở thành niềm tự hào của cộng đồng người Tày vùng sông Chảy.
Đây là một thành tố quan trọng của đời sống văn hóa tộc người, ra đời cùng với quá trình hình thành bản sắc văn hóa tộc người. Nó thể hiện ở cả hai phương diện: nội dung và hình thức. Nó gắn với đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Người Tày đã sáng tạo ra nghệ thuật “Khắp cọi” , bảo vệ và truyền dạy, kế tục nhiều đời để trở thành di sản mang đậm bản sắc tộc người. Mỗi làn điệu, câu ca, hình thức diễn xướng đều thể hiện những triết lý sống cao đẹp của cộng đồng, thể hiện óc sáng tạo và trình độ nghệ thuật cao. Đây chính là hình thức nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu của tộc người, được mạch nguồn của môi trường tự nhiên, môi trường lao động, môi trường xã hội, môi trường văn hóa tộc người ươm mầm và nuôi dưỡng, tạo cơ hội để di sản tồn tại và phát triển theo quá trình phát triển của lịch sử tộc người. Đến hôm nay, “Khắp cọi” vẫn khẳng định được vị trí của mình trong kho tàng văn hóa tộc người, là bản sắc, là tâm hồn, là ước mơ, khát vọng của cộng đồng người Tày ở vùng phía Đông của tỉnh Yên Bái.
2. Hình thức biểu hiện và quy trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể
2.1 Hình thức biểu hiện
Trong hồ sơ khoa học này, chúng tôi đang xem “Khắp cọi” là một trong những tiểu loại của “lượn”. “Lượn” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, là kho tàng dân ca của tộc người Tày.
“Khắp cọi” thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, có hình thức biểu hiện qua ngôn ngữ, cử chỉ, động tác, âm nhạc, đó là lời ca, tiếng hát với các nội dung và làn điệu khác nhau, có sử dụng nhạc cụ truyền thống kèm theo trong quá trình diễn xướng. Có thể đối đáp giữa hai người (một nam, một nữ hoặc hai nam, hai nữ), hai bên (hai nhóm), có thể trình diễn cá nhân hoặc tập thể.
Về nội dung lời hát, có sự gần gũi, lấy đề tài từ những sinh hoạt thường ngày hoặc những cảnh vật xung quanh môi trường sống của đồng bào, phần lớn đều là những bài mang tính chất cố định về mặt văn bản, có lời từ thơ, người diễn xướng phải học thuộc, khi đối đáp, tùy thuộc vào vốn lời của từng người mà cuộc hát kéo dài, có khi có người đi cạnh để nhắc cho khi quên. Bên cạnh đó, “Khắp cọi” cũng có lời ứng tác nhưng không nhiều và không phải ai cũng có thể ứng tác trong cuộc hát. “Khắp cọi” nói chung sử dụng thể thơ ngũ ngôn, thất ngôn và thơ tự do, dùng vần lưng để kéo dài khổ thơ. Cùng một lời bài hát người hát có thể lên giọng hát “Khắp cọi” tùy theo khẩu khiếu từng người hoặc từng vùng.
Đây là những lời thơ trữ tình, mộc mạc, do các tác giả khuyết danh nhiều đời để lại. Quá trình kiểm kê xây dựng hồ sơ khoa học, tính đến tháng 10/2024, có 310 bài thơ do Nghệ nhân ưu tú Hoàng Quang Nhạn (xã Mường Lai, huyện Lục Yên) sưu tầm, dịch thuật, phổ biến và 302 bài do Nghệ nhân ưu tú Hoàng Tương Lai (xã Xuân Lai, huyện Yên Bình) sưu tầm, dịch thuật, phổ biến. Đây là những bài “Khắp cọi” theo lời cổ, có bản nôm Tày, được các nghệ nhận dịch thuật và truyền dạy.
Tuy nhiên, đi sâu tìm hiểu và trong quan niệm của cộng đồng, vẫn có sự khác biệt giữa “khắp” và “cọi” ở một số nội dung văn bản cố định và hình thức diễn xướng.
Đối với “cọi”, chủ yếu là thơ ngũ ngôn; “khắp” ngoài thơ ngũ ngôn còn có thơ thất ngôn và thơ tự do nên “khắp” khó hát hơn “cọi”. Thường thì đồng bào sử dụng một số nội dung chuyên cho “khắp”, một số nội dung chuyên cho “cọi” nhưng cũng có một số bài có thể vừa “khắp” vừa “cọi”.
Về mặt diễn xướng, khi trình diễn “Khắp cọi” , các làn điệu lúc thấp lúc cao, lúc trầm lúc bổng khác nhau tùy từng hoàn cảnh và mỗi cá nhân khi thể hiện. “Khắp” lên giọng cao hơn “cọi”. Trong một không gian diễn xướng, thường thì nếu một người cất lên giọng “khắp” thì người kia cũng “khắp” theo, nếu bắt đầu bằng giọng “cọi” thì người đáp cũng “cọi” theo nhưng cũng có trường hợp người lên bằng giọng “khắp”, người đáp bằng giọng “cọi” và ngược lại. Hát “khắp” lên giọng “ới lả….” ngân dài đủ ba nhịp rồi bắt vào lời bài hát luôn, còn hát “cọi” bắt đầu bằng “ứ ơi ứ hợi…” lên xuống đủ ba nhịp mới bắt đầu vào lời bài hát.
Về mặt địa lý: Hiện nay, ở huyện Lục Yên, đồng bào “khắp” nhiều hơn “cọi”; ở huyện Yên Bình, “cọi” phổ biến hơn “khắp”. Ở hai huyện, hình thức nghệ thuật này tương đồng nhau về nội dung văn bản cố định, chỉ khác đôi chút về nghệ thuật diễn xướng như trên đã nói. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, người Tày vùng sông Chảy ở hai huyện Lục Yên và huyện Yên Bình gọi “cọi” là “lượn cọi” như các vùng người Tày ở Đông Bắc Việt Nam nhưng không gọi “khắp” là “lượn khắp” như một số ý kiến đã nghiên cứu ở vùng Đông Bắc, thế nên “khắp” ở đây nằm trong “lượn” hay tương đương với “lượn” thì có lẽ cần nghiên cứu thêm. Tuy vậy, trong hồ sơ này, chúng tôi vẫn để “khắp” đang là một trong những tiểu loại của “lượn”.
Trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy: nghệ thuật trình diễn này được phần đa đồng bào người Tày ở các xã của huyện Lục Yên gọi là “khắp”, một số xã ở khu vực thượng huyện như Lâm Thượng, Khánh Thiện, Minh Xuân, Minh Chuẩn (tiếp giáp với huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) và các thôn 1, thôn 2 (xã Mường Lai) có những người gọi là “iếu” (có nghĩa là “yêu”) ; cũng với hình thức tương đồng này, ở các xã có người Tày sinh sống vùng thượng huyện Yên Bình gọi là “cọi”. Đi sâu tìm hiểu, so sánh, bước đầu chúng tôi nhận định như sau:
“Khắp”, “cọi” hay “iếu” đều có không gian văn hóa chung, được trình diễn trong những ngày hội vui của bản làng, trong đám cưới, khi lên nhà mới, chơi xuân, thăm hỏi nhau, đối đáp, giao duyên, tìm hiểu để nên vợ nên chồng. Đây đều là những làn điệu dân ca trữ tình đối đáp giữa nam và nữ nhưng nếu như ở "iếu" thường chỉ có một trai, một gái và đó phải là trai chưa vợ, gái chưa chồng thì ở “Khắp cọi” không nhất thiết phải như vậy và cũng không phải là người cùng làng, cùng xã mới có thể hát với nhau mà người nơi khác đến đều có thể hát nếu thuộc lời hoặc ứng tác nhanh, người ta có thể hát theo nhóm đối đáp hoặc cá nhân cũng có thể trình diễn. Tuy nhiên, có một nguyên tắc ở “Khắp cọi” là những người đã có gia đình thì khi đi chơi, đối đáp không được rủ nhau xuống thăm Mường Nước. Như vậy, có thể thấy, không gian diễn xướng của “Khắp cọi” rộng hơn và khả năng là bao trùm cả hát “iếu”.
Về nội dung thể hiện, so với “Khắp cọi” , hát “iếu” có biên độ sáng tác, ứng khẩu rộng hơn, nhiều và tự do hơn, người tham gia "iếu" phải thông minh, nhanh nhạy, có tài ứng tác. Vậy nên, dung lượng một bài “Khắp cọi” thường dài
2.2 Quy trình thực hành
“Khắp cọi” đã gắn bó với cuộc sống của người dân tộc Tày vùng sông Chảy, tỉnh Yên Bái từ bao đời nay, đó là tài sản vô giá được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác và trở thành hồn cốt của cộng đồng. Họ có thể “Khắp cọi” ở bất kỳ đâu, trong hoàn bất cứ hoàn cảnh nào. Dưới đây là một số không gian thực hành phổ biến:
- “Khắp cọi” trong ngày hội vui của bản làng: Theo chu kỳ một năm, người Tày vùng sông Chảy thường có các ngày tết và ngày lễ hội chung của cộng đồng như: tết nguyên đán, ăn tết nhỏ (kin đắp nọi), tết thanh minh, tết đoan ngọ, tết rằm tháng bảy, tết cơm mới, lễ hội xuống đồng, lễ hội tại các đình, đền như: lễ hội đền Đại Cại (xã Tân Lĩnh), lễ hội đình Nà Ngàm (xã Mường Lai), lễ hội đình làng Xóa (xã An Phú), lễ hội đình làng Mường (xã Tô Mậu), … Trong những ngày hội vui này, cộng đồng nam nữ, thanh niên, người già, người trẻ trong những bộ trang phục truyền thống cùng gặp gỡ, giao lưu, làn điệu “Khắp cọi” lại được ngân lên, những người bạn lâu ngày gặp nhau, hỏi han về sức khỏe, gia đình, con cháu, kèm những lời chúc tốt đẹp; những nam nữ thanh niên thì hát những câu đố, câu ví, thể hiện tình cảm, mong vọng, yêu thương; các cụ già thì nắm chặt tay nhau, mừng nhau mạnh khỏe, con cháu bình an, … Tất cả đều được thể hiện qua lời “Khắp cọi” trong không khí hân hoan, vui vẻ của cả cộng đồng. Ở những không gian văn hóa rộng như các lễ hội của cộng đồng, người ta thường chia theo nhóm ở các lứa tuổi khác nhau để đối đáp (thanh niên, trung niên, cao niên), có thể 5 – 7 người đến hàng chục người một nhóm, đến khi đông quá họ tự tách ra, đối với các nhóm thanh niên đang độ tìm hiểu, nếu đôi nào cảm thấy ưng ý ai thì họ tự tách ra đối đáp, tìm hiểu hoặc cũng có thể một người đối với một người để thăm hỏi, chúc tụng nhau. Các nhóm hát này, nếu có người mang theo sáo, nhị thì trình diễn cùng lời “Khắp cọi” của nhóm, nếu không có thì họ vẫn hát mà không có nhạc đệm nhưng ở không gian lễ hội những năm gần đây đều có trống hội được đánh lên thường xuyên, tạo nên không khí sôi động của bản làng. Những bài hát phổ biến trong những ngày hội vui của cộng đồng có: Lỉn chẩm chiêng (chơi mừng giêng); Chúc thụ chẩm chiêng (chúc thụ mừng giêng); Lỉn cầu chiêng (chơi lễ hội cầu giêng); Chẩm đình (mừng đình); chầm đình chang tổng (mừng đình giữa tổng); chầm tồng (mừng đồng); chầm cốc lùng (mừng cây đa); nặc nà (đố ruộng); nặc cọn (đố cọn); chầm mường (mừng mường); chầm bản (mừng bản); chầm thổ công hua bản (mừng thổ công đầu bản)…
Giêng hai trời không gió không mưa
Ao cá trên sắp cạn
Ít việc mới ở không
Bình yên mới tính chơi
Người yêu vui nói cười
Đưa chân ta đi tới.
(Trích “Lỉn cầu chiêng” (Chơi lễ hội cầu giêng)
Trong những ngày tết, cộng đồng thường tổ chức ở các gia đình và mời anh em họ hàng, những người thân quen tới dự. Trong không gian hẹp hơn và số lượng người tham dự ít hơn cũng có những khác biệt nhất định trong khi trình diễn “Khắp cọi” , đó thường là những bài hát thể hiện lời chào người già, chào bố mẹ chủ nhà, chủ nhà cảm ơn và mời vào dự lễ, mời ăn cơm, uống rượu, khách đáp lời và chúc gia chủ những điều tốt đẹp nhất phù hợp với hoàn cảnh thực tại:
Dựng nồi nhỏ trong nhà
Dựng nồi to nấu cơm
Con cá to ta dành để nướng
Con cá nhỏ ta nấu dấm chấm rau
Về ta lo bữa trưa thết bạn.
(Trích “Mơi khảu lảu 1” (Mời cơm rượu 1)
Ở không gian văn hóa này, những nhạc cụ đệm cho lời “Khắp cọi” như sáo, nhị phổ biến hơn so với những ngày lễ hội cung của cộng đồng nhưng trống gần như là không có. Về trang phục, đối với chủ nhà, thầy cúng thực hiện các nghi lễ và các bậc cao niên đến tham dự đều mặc trang phục truyền thống, tầng lớp thanh thiếu niên thì có người mặc người không, tùy theo nhu cầu của mỗi cá nhân.
- “Khắp cọi” khi chơi xuân: Mỗi dịp xuân mới về, sau một năm lao động vất vả, gặp nhau người Tày lại “Khắp cọi” nói lên niềm vui xuân, chơi xuân, niềm vui được mùa hay nỗi niềm của người con trai, con gái trước cảnh xuân, với rất nhiều bài được thể hiện như: Lỉn chẩm chiêng (Chơi mừng giêng); Chúc thụ chẩm chiêng (Chúc thụ mừng giêng); Bioóc mùa xuân (hoa mùa xuân), Lỉn cầu chiêng (Chơi lễ hội cầu giêng); lìn chầm chiêng (chơi xuân), Lỉn tứn chạu 1 (Chơi dậy sớm 1,2); Lỉn moóc (Chơi mây mù); Lỉn đét ón (Chơi nắng non); Lỉn đét rát (Chơi nắng vàng); Chẩm luồng (Chơi rồng); Chẩm kỳ lân (Chơi kỳ lân); Lỉn bát ngần 1,2 (Chơi câu bạc 1,2); Lỉn khắp (Chơi hát khắp); Lỉn thạu tính (Chơi đàn tính); Lỉn thạu cửa (Chơi đàn nhị)…
Gái trai vui đua ngựa tung còn
Gái trẻ vui bãi trên đánh yến
Gái già chơi đêm giêng quên sáng
Người già ngồi giường trên uống rượu
Sáng sớm mây mưa rơi ướt đất
Nắng chiều ngọn núi tiếng ve kêu
Trống chiêng đánh chào xuân nhộn nhịp.
(Trích “Lỉn chẩm chiêng” (Chơi mừng giêng)
Khi đi chơi xuân, bao giờ người Tày cũng chọn cho mình những bộ trang y phục mới nhất, đẹp nhất với tinh thần vui mừng, rạng rỡ của những ngày đầu năm mới, nhiều người mang theo sáo, nhị để có thể trình diễn hoặc đệm lời cho tiếng “Khắp cọi” ở bất cứ nơi nào, khi gặp bất cứ ai mà mình muốn gặp gỡ, làm quen, thổ lộ tâm tình hay chỉ đơn giản là thăm hỏi, chúc tụng nhau. Khi đi chơi xuân, người ta có “Khắp cọi” ở mọi lúc, mọi nơi, người già có thể hát với người trẻ, nam có thể hỏi thăm nam, nữ có thể chúc mừng nữ khi gặp ở trên đường bản, khi tới nhà chúc tết, khi ăn uống ở một gia chủ nào đó. Ngoài ra, nam nữ cũng “Khắp cọi” giao duyên, tìm hiểu trong dịp đầu xuân này, để rồi trao gửi yêu thương, nên vợ nên chồng.
- “Khắp cọi” trong đám cưới: Trong đám cưới truyền thống của người Tày, lời “Khắp cọi” được vang lên gần như trong suốt tiến trình diễn ra lễ cưới, từ nhà gái đến nhà trai, từ khi khách đến có lời: “Em vui mừng em đến xem nàng dâu mới/ Càng nói, càng cười, càng như hoa”, chủ nhà đáp lại và có lời mời: “Khách lên nhà là có trầu cau/ Biết nhau phải lên nhà lên cửa mới là biết” cho đến khi làm lễ và dặn dâu: “Con rồng khéo thì đẻ con rồng/ Việc nhà cửa mọi nghề đều phải biết/ Kính bố mẹ, anh em, họ hàng/ Sinh con trai, con gái khôn khéo”. Khách đến chúc mọi điều tốt đẹp đến với đôi bạn trẻ: “Chúc hai em làm nhà khó sánh với trăng/ Làm nhà ở sánh với bạn/ Làm nhà kho cho ra nhà kho để mọi người biết tiếng/ Làm nhà cho nên nhà để mọi người lên được/ Muốn lên không muốn xuống”. Trên đường đưa dâu về nhà trai, vẫn vang vọng lời “Khắp cọi” răn dạy, chúc tụng. Khi đưa dâu về tới nhà trai, người ta lại cất lời đón dâu, ra mắt, chúc mừng, … Ngoài ra, trong không gian của đám cưới, những người tới tham dự đều có thể “Khắp cọi” tùy theo hoàn cảnh, tình huống và tâm trạng của mỗi người. Có thể hai bên nam nữ đối đáp hoặc các nhóm đối đáp cũng có khi cá nhân hát với cá nhân. Có thể bên nam hát một hai câu chạm đến bên nữ là bên nữ lập tức đáp lời, câu nọ nối câu kia, vế sau nối vế trước, cứ thế tiếp diễn, không tính thời gian, hát đến khi bên bạn không hát nổi nữa mới thôi. Những bài hát thường được thể hiện trong đám cưới là cung tạm biệt mẹ đi làm dâu và dạy bảo con cái với các bài như: 13 bài chầm đảm lảu (Mừng đám cưới); Piạc mé pây hắt lùa (Tạm biệt mẹ đi làm dâu); Sắng lùa (Dặn dâu); Chứ công pó mé (Nhớ công cha mẹ):
Giờ tốt xin ra lời
Giờ đẹp tôi cất tiếng
Ngẩng mặt tôi xin nói
Chắp tay ra lời trình
Trình tới các cụ già ngồi trên
Trình đến cô chú, đạo dâu ngồi dưới
Tôi mừng đến hạnh phúc đang xuân
Nay nội ngoại xa gần chứng kiến.
Trích “Chầm đảm lảu” (Mừng đám cưới)
Trong đám cưới, trang phục truyền thống bao giờ cũng được mọi người tham dự mặc nhiều nhất, cô dâu, chú rể còn đội thêm chiếc nón có quai được làm từ dây dao dài thêu tay “slaicha”, các thành viên trong đoàn đưa, đón dâu đội nón trắng. “Khắp cọi” trong đám cưới thường chỉ có tiếng hát, không sử dụng nhạc cụ kèm theo.
- “Khắp cọi” khi lên nhà mới: Làm xong căn nhà mới, người Tày thường chọn ngày tốt để làm lễ vào nhà mới. Việc chọn ngày phải nhờ đến thầy mo. Trong ngày vào nhà mới, người ta tổ chức lễ nhập trạch và mọi người đến chúc mừng nhà mới, cùng nhau ăn uống vui vẻ. “Khắp cọi” được thể hiện khi mọi người đến chúc mừng gia chủ và chúc tụng nhau trong bữa cơm vào nhà mới đó. Có nhiều bài được trình diễn khi gia chủ lên nhà mới như: Xam rườn (Hỏi nhà); Chẩm rườn (Xem nhà); Chẩm rườn mâứ (Xem nhà mới); Nặc rườn 1,2 (Đố nhà 1,2); Kể rườn 1,2 (Kể nhà 1,2); Thạu rườn 1,2 (Chúc mừng nhà mới 1,2); chầm tu ảng (Mừng cổng nhà); Chầm pác đây (Mừng cầu thang); Chầm pình phày (Mừng bếp lửa); Chầm choòng đẳm (Mừng bàn thờ tổ); Chầm ràng tin (Mừng máng nước rửa chân); Chẩm đuây (Mừng cầu thang); Chẩm thích (Mừng thích); Chẩm xay (Mừng cối xay); Chẩm hưởng rườn (Mừng hướng nhà), …
Mười năm mới được năm này hay
Trăm năm mới được năm này tốt
Sắm lễ cúng thiên đình tạ địa
Nhắc mâm ra làm lễ bách niên
Trâu bò mổ hàng nghìn vô kể
Nhà người dựng năm nay vạn đại ới giàu sang).
(Trích “Thạu rườn 1” (Chúc mừng nhà mới 1)
“Khắp cọi” khi tham dự lễ lên nhà mới thường có đệm bằng sáo ngang hoặc nhị có thể do chủ nhà chuẩn bị hoặc khách mang theo, làm cho lời hát thêm sinh động, hấp dẫn.
- “Khắp cọi” trong lễ mừng thọ: Theo phong tục truyền thống của người Tày, khi cha mẹ đủ 60 tuổi, con cháu tổ chức lễ mừng thọ (thạu khoăn) để cúng cho vía của cha mẹ luôn mạnh khỏe, sống lâu. Sau phần nghi lễ được thầy mo thực hiện là lúc anh em, họ hàng, các con cháu, người thân quen được mời đến “Khắp cọi” mừng vía và dự bữa cơm với gia đình. Những bài hát phổ biến trong lễ mừng thọ có: Chúc thụ chẩm khoăn (Chúc thụ mừng vía); Thạu khoăn (Mừng vía); Chẩm khoăn (Xem vía); Má khoăn (Gọi vía); Chúc thụ khoăn (Chúc thụ vía); Chúc thụ khoăn po me (Chúc thụ vía bố mẹ), ….
Vía mọi nơi trở lại
Mọi chỗ vía về đủ
Vía ông chủ về ngồi giường trên cháu lạy
Lạy cho khỏe ba ngàn năm đến bốn ngàn năm
Lạy vía cho ông khỏe cả đời
Vía ông chủ đừng lang thang đi chơi mọi nơi
Trai trẻ được đi về mừng vui.
(Trích “Thạu khoăn” (Mừng vía)
- “Khắp cọi” khi đối đáp, giao duyên: “Khắp cọi” khi đối đáp, giao duyên, tìm hiểu giữa nam nữ thanh niên được coi là đề tài phong phú nhất: nội dung lời hát thể hiện tuần tự từ khi mới gặp, chào hỏi, làm quen đến mời vào bản, mời lên nhà, mời ăn cơm, uống rượu, tìm hiểu về gia đình, dòng họ, sở thích, … đến việc đưa nhau đi chơi, tìm hiểu thiên nhiên, con người rồi chia tay, ước hẹn ngày gặp lại. Không gian văn hóa thể hiện nội dung giao duyên rất phong phú, có thể gặp ở đâu là đối đáp giao duyên, tìm hiểu ở đó, từ ngoài ruộng, trên nương, trên đường, khi vào bản, lên nhà sàn, đi chơi ở rừng cây, thác nước hay trong một hội vui, trong ngày lễ, tết của cộng đồng. Với không gian thể hiện đa dạng nên trang phục và nhạc cụ kèm theo cùng tùy thuộc mỗi hoàn cảnh mà thể hiện. Nếu trong ngày lễ, tết, hội vui của bản làng thì người ta diện những bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất để đi dự hội, đi chơi, thăm thú và cũng mang theo sáo, nhị và cộng đồng có trống hội làm cho không khí thêm náo nhiệt nhưng khi gặp nhau trên ruộng, trên nương thì chỉ có lời hát được cất lên để trao đổi tâm tình. Đây là tập hợp tất cả những bài hát ở phần giao duyên hỏi, đáp, cùng kết bạn tình với lời nam và lời nữ, một số bài ở phần hát mời, cung dọn đường, chơi và xem, hệ mười hai tháng, giã bạn, mong vọng, thương nhớ:
Nam than tháng Giêng cất lời:
Tháng giêng thấy hoa nở anh than
Muôn thức hoa đầy cành nở rộ
Ong bướm bay mọi chỗ tìm hoa
Bướm ong bay lên ngàn tìm nhị
Chẳng thấy em anh nhớ anh thương
Một mình khác trách thân là ở
Nhớ bạn, bạn ở chốn quê nhà
Than nhiều khác thấy buồn tư lự.
Nữ ước tháng giêng đáp lời:
Tháng giêng em ước anh nhiều đoạn
Mọi người đến tìm bạn yêu đương
Một mình em thở than chốn ấy
Đêm nằm lệ tuôn chảy tràn mi
Ước bạn, bạn đường xa khác bản
Ước nhiều nhờ đến én thông tin
Em ước bạn nho sinh chẳng được
Với anh - em mong ước cũng không
Đêm ngày khác khóc than cùng vía.
Những lời hát mộc mạc, chân chất, gắn liền với cuộc sống lao động, gắn liền với thiên nhiên nhưng ẩn chứa trong đó là cả một kho tàng văn hóa của dân tộc Tày. Hát Khắp đã trở thành bản sắc riêng, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân khắp nơi trong huyện Lục Yên. Người Tày hát Khắp không chỉ để vui, giải trí, trên hết, nó thể hiện hồn phách, trí tuệ được kết tinh qua hàng ngàn, hàng vạn năm, và cứ thế, mùa xuân này giai điệu trầm bổng của làn điệu Khắp lại được ngân vang…
Theo nguồn tư liệu sưu tầm được ở cộng đồng người Tày thuộc hai huyện Lục Yên và Yên Bình, tỉnh Yên Bái thì “Khắp cọi” lời cổ gồm hơn 600 bài đã được ghi chép, dịch thuật, làm tư liệu lưu giữ lâu dài. Ngoài ra, còn có nguồn ứng tác và những sáng tác mới rất phong phú, tùy vào mỗi không gian diễn xướng và khả năng của mỗi cá nhân khi tham gia diễn xướng. Trong hồ sơ khoa học này, chỉ tóm tắt những nội dung của phần hát theo lời cổ được sưu tầm ở hai huyện Lục Yên và Yên Bình. Những nội dung này được ghi chép này theo tuần tự từ khi mới gặp, chào hỏi, làm quen đến mời vào bản, mời lên nhà, mời uống, ăn cơm, uống rượu, tìm hiểu về gia đình, dòng họ, sở thích, … đến việc đưa nhau đi chơi, tìm hiểu, rồi chia tay, ước hẹn ngày gặp lại.
Trên địa bàn huyện Lục Yên, xã Mường Lai được coi là cái nôi của tiếng “Khắp cọi” . Ở nơi này, năm tiếp năm, đời tiếp đời, tiếng “Khắp cọi” được lưu truyền liền mạch, dù cho ở nơi này nơi kia có mai một, người hát ít đi, giới trẻ nhiều khi không còn tìm hiểu nhau qua câu “Khắp cọi” , cộng đồng không còn đối chọi qua câu dân ca nữa thì Mường Lai vẫn có những con người kiên trì, dày công sưu tầm, ghi chép, bổ sung từ đời này qua đời khác để truyền lại cho con cháu. Trong hồ sơ khoa học này, chúng tôi sử dụng nguồn tư liệu sưu tầm được tại xã Mường Lai, huyện Lục Yên do nghệ nhân ưu tú Hoàng Quang Nhạn cung cấp, bao gồm 310 bài thơ dùng để “Khắp cọi” trong nhiều không gian diễn xướng khác nhau. Những nội dung này được ông Hoàng Quang Nhạn bắt đầu sưu tầm từ năm 1964, ban đầu chỉ là những ghi chép từng bài đơn thuần để có vốn giao lưu với bạn bè, sau thành đam mê với những câu “Khắp cọi” truyền thống, thôi thúc ông ra sức sưu tầm, ghi chép, đối chiếu với các bản sách ghi lại bằng chữ nôm Tày của các thế hệ trước như cụ Hoàng Triều Cống, Hoàng Xuân Bình, Nghiêm Văn Tuân, Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Cương Quyết. Theo lời kể của ông Hoàng Quang Nhạn thì cụ Hoàng Triều Cống cho biết: “Những bài “Khắp cọi” chép lại đều được dịch từ bản gốc ở sách nôm Tày, không có tên tác giả mà cũng không biết có từ đời nào, cứ lưu truyền hết đời này đến đời khác, con cháu biết mà hát theo thôi” (mỗi bài hát đều có lời tiếng Tày và dịch nghĩa tiếng Việt).
Nội dung lời “Khắp cọi” sưu tầm được ở huyện Lục Yên được nghệ nhân ưu tú Hoàng Quang Nhạn chia thành 05 phần: (1) phần khắp khuyên là tập hợp những bài hát có nội dung chào hỏi, mời mọc với ngụ ý muốn trò chuyện, tâm sự bằng văn chương qua lời khắp; (2) phần hát giao duyên, hỏi đáp được chia làm 03 chặng, đó là những bài hát đối đáp hỏi nhau về nguồn gốc của khắp cọi, đường về bản, lên nhà, mời khách vào nhà, ăn cơm, uống rượu, rồi hỏi nhau về tình yêu, gia thất, hoàn cảnh, để rồi nếu ưng sẽ chuyển sang các bài của (3) phần thứ ba là chơi và xem, hai người dẫn nhau đi chơi thăm bản thăm làng, xem cảnh vật xung quanh, xem của cải vật chất do con người tạo ra, ca ngợi công sức lao động, cùng nhau vào xem các lễ hội, tham dự mùa cưới của cộng đồng làng bản, thậm chí còn tưởng tượng ra đi chơi ở tận thiên cung Mường Trời, chơi miền âm phủ rồi vượt biển đầy rẫy những nguy hiểm để trở về với bản, với mường; (4) phần thứ tư là hát về mười hai tháng, trong những tháng đó gắn với các hoạt động sinh hoạt của con người, những tâm trạng buồn vui, no đói và các hiện tượng thiên nhiên, trời đất giao hòa; (5) phần thứ năm được gọi là mong vọng trữ tình và các loài hoa, hai bên thể hiện tâm trạng mong vọng, nhớ thương để nhắn nhủ bạn mình khi sắp hết cuộc hát, trước khi từ biệt, hai bên “khắp” về các loài hoa để thổ lộ tâm tình thay lời ước hẹn về tương lai tốt đẹp.
Nội dung lời “Khắp cọi” ở huyện Yên Bình do nghệ nhân ưu tú Hoàng Tương Lai sưu tầm, dịch thuật từ những năm 1970 – 1971, chia thành 07 cung: (1) cung dọn đường là tập hợp những bài hát có nội dung chào hỏi, mời mọc, trò chuyện, tâm sự; (2) cung yêu hoa là tập hợp những bài hát về các loài hoa; (3) cung khuyên là những lời khuyên bảo, dặn dò cho cả nam và nữ; (4) cung kết bạn tình với 07 chặng: cất lời, xin trầu, hỏi nhà, hát bạn, trông vọng bốn mùa, xem số, xuống thế gian; (5) cung giã bạn với những bài hát tạm biệt, hẹn ngày gặp lại; (6) cung thương nhớ là những bài hát hai bên thể hiện tâm trạng mong vọng, nhớ thương; (7) Cung tạm biệt mẹ đi làm dâu và dạy bảo con cái thể hiện những lưu luyến, yêu thương và những lời răn dạy có lý có tình của cha mẹ đối với con gái.
* Một số nhận định về “Khắp cọi” của người Tày vùng sông Chảy:
- Về nội dung văn bản: Các văn bản thu thập được về “khắp cọi’ vùng sông Chảy rất phong phú, nội dung đa dạng. Qua đối chiếu, so sánh các văn bản, chúng tôi nhận thấy, không có sự trùng khớp, có chăng chỉ là sự tương đồng về nội dung, việc chia tách, sắp xếp các chương, mục cũng khác nhau. Điều này cho thấy sự sáng tạo của cộng đồng người Tày mỗi vùng có khác nhau, thể hiện sự đa dạng về văn hóa, nhận thức, ứng xử với môi trường sống xung quanh, đồng thời cũng thể hiện nhiều nét tương đồng là do thống nhất trong thế giới quan, nhân sinh quan và văn hóa truyền thống của tộc người, cùng với đó là quá trình giao thoa văn hóa do có sự tiếp giáp về địa lý giữa các vùng. Điều này có thể lý giải bằng ý kiến của chính nhà sưu tầm Lục Văn Pảo trong cuốn “Lượn cọi” nêu trên: “Các bản nôm sưu tầm từ nhiều địa phương cho thấy không có những văn bản hoàn toàn giống nhau về câu chữ và cả chương mục. Chúng chỉ có thể giống nhau ở những chương lớn như mừng ruộng, mừng nhà, mừng gia chủ chứ ít khi thấy giống nhau cả câu, cả đoạn. Còn bố cục những chương lớn cũng hiếm có hai bản của hai địa phương giống nhau hoàn toàn. Điều này phản ánh một thực tế là khoảng 50 năm về trước, những trí thức Tày có nho học ở các vùng đều là những “nhà sáng tác” thơ lượn. Chính vì vậy, ta thấy các bản được ghi chép là không hoàn toàn giống nhau giữa các địa phương.
- Về quy tắc sử dụng: “Khắp cọi” được xác định là làn điệu dân ca trữ tình, có đối đáp giữa nam và nữ, không chỉ với trai chưa vợ, gái chưa chồng mà với cả thanh niên đã có vợ, có chồng, trung niên và cả cao niên thăm hỏi nhau, không phải chỉ đối đáp giữa những người cùng làng, cùng xã mà cả với những người nơi khác đến.
Tuy nhiên, có một nguyên tắc ở “Khắp cọi” là những người đã có gia đình thì khi đi chơi thì không được rủ nhau xuống thăm Mường Nước (tức là có những đoạn, những bài không dành cho những người đã có gia đình).
Quy tắc bắt đầu vào nhịp của “khắp” và “cọi” có khác nhau và người thực hành luôn đảm bảo chặt chẽ.
- Về hình thức thể hiện: “Khắp cọi” là nghệ thuật trình diễn dân gian, có hình thức thể hiện qua ngôn ngữ, cử chỉ, động tác, âm nhạc trên nền tảng những bài thơ đã được sáng tác trước đó và một phần là ứng tác ngay tại cuộc vui (nhưng không nhiều), đó là lời ca, tiếng hát phù hợp với mỗi tâm trạng, mỗi không gian văn hóa riêng với các nội dung và làn điệu khác nhau, có sử dụng nhạc cụ truyền thống kèm theo trong quá trình trình diễn. Có thể đối đáp giữa hai người, hai bên hoặc trình diễn cá nhân, tập thể trong quá trình thực hành di sản.
* Các nhạc cụ sử dụng trong nghệ thuật “Khắp cọi” :
Nhạc cụ được sử dụng khi trình diễn “Khắp cọi” phổ biến có: nhị hai dây, sáo ngang và trống.
- Nhị hai dây đồng bào gọi là "dỉ dèn" hay "cửa thoong thai" là một loại nhạc khí dây kéo, có cấu tạo như sau:
+ Bầu cộng hưởng: là bầu vang, hình hoa muống, rỗng lòng, làm bằng gỗ cứng, dài khoảng 13,8cm, một đầu bịt da trăn hay da kỳ đà. Ðường kính vòng ngoài khoảng 6,8cm, chỗ uốn cong của bầu có chu vi khoảng 13,4cm.
+ Dọc nhị (cần đàn): làm bằng gỗ cứng, gụ hay trắc để có sức chịu khi lên dây, cần đàn thân tròn hoặc vuông (15mmx15mm) chiều dài khoảng 75,5cm, phần đầu giống hình cổ cò, phía dưới cần đàn xuyên thủng bầu cộng hưởng khoảng 2cm về phía mặt da.
+ Trục đàn: dùng để lên dây còn gọi là trục dây, cả hai trục đều cắm xuyên qua đầu cần đàn, nằm theo hướng của bầu cộng hưởng. Trục đàn dài khoảng 14cm hình gỗ tròn (một đầu lớn, một đầu nhỏ) trục được gọt thành những múi hình lục lăng để lên dây, có khi được làm bằng xương hay gỗ xà cừ.
+ Ngựa đàn: giống như phím đàn nguyệt nhưng nhỏ hơn, làm bằng tre hay gỗ dài khoảng 1cm, cao khoảng 0,7cm và dày khoảng 0,4cm, ngựa đàn đặt trên khoảng giữa mặt da.
+ Dây nhị: Trước đây dây đàn được làm bằng sợi tơ se, ngày nay làm bằng nilon hoặc kim loại. Dây kim loại cho âm thanh chuẩn hơn nhưng không ngọt ngào bằng dây tơ hay dây nilon. Dây đàn chỉnh theo quãng 4 đúng, quãng 5 đúng, quãng 7 thứ... nhưng phổ biến nhất là quãng 5 đúng.
+ Cử nhị (hay khuyết nhị): là một sợi dây tơ se neo 2 dây đàn vào gần sát dọc nhị, nơi dưới hai trục dây. Có khi cử nhị là một khung áo buộc gần sát dọc nhị, hai dây đàn xỏ qua hai lỗ khung này. Cử nhị là bộ phận để điều chỉnh cao độ âm thanh. Nếu kéo cử nhị xuống, 2 dây đàn sẽ ngắt quãng hơn, tạo ra âm thanh cao hơn. nếu bạn đẩy cử nhị lên khi đàn 2 dây sẽ phát ra âm thanh trầm hơn vì quãng dây dài hơn. Tuy nhiên để lên dây đàn người ta còn vặn trục dây nữa.
+ Cung vĩ: làm bằng tre hay bằng gỗ, có mắc lông đuôi ngựa, cung vĩ uốn cong hình cánh cung, tương xứng với cần đàn dài khoảng 74,2cm, được nằm giữa hai dây đàn (không lấy cung vĩ ra ngoài được). Khi đàn, cọ sát vào dây và kéo, đẩy để phát ra âm thanh.
Nhị hai dây cổ truyền lên dây rất linh động, hai dây có khi theo quãng 4 đúng, quãng 5 đúng, quãng 7 thứ nhưng phổ biến nhất là cách lên dây theo quãng 5 đúng.
+ Sáo ngang: người Tày gọi là “Bjẳm”, là loại sáo có 6 lỗ bấm, 1 lỗ thổi, 1 lỗ âm cơ bản và 2 lỗ định âm, âm vực rộng 2 quãng 8, được làm bằng trúc hoặc nứa
+ Trống: loại nhạc cụ gõ có vai trò quan trọng trong việc thể hiện những điệu “Khắp cọi” nhộn nhịp, sôi động trong những ngày vui của cộng đồng. Ngày nay, khi “Khắp cọi” trong đám cưới, trong hội xuân người ta sử dụng trống thường xuyên hơn để tạo không khí vui tươi, phấn chấn của ngày hội.
3. Không gian văn hóa liên quan, các sản phẩm vật chất và tinh thần tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể
Nghệ thuật “Khắp cọi” vốn gắn bó với đồng bào Tày trong đời sống hằng ngày từ xa xưa. Không gian diễn xướng của “Khắp cọi” khá rộng. Người ta “Khắp cọi” trong những ngày hội vui của cộng đồng làng bản, trong hội xuân, đám cưới, lên nhà mới, hát giao duyên, đối đáp, tìm hiểu, hát đón khách, thăm hỏi khi đến nhà nhau chơi, … Trước kia, nam nữ thanh niên ra sức học lời thơ để đi đến đâu là sẵn sàng đối chọi dân ca, giao lưu học hỏi, đặc biệt cứ mỗi độ xuân về, họ lại mong chờ để cùng nhau “Khắp cọi” đối đáp, tìm hiểu lứa đôi rồi nên duyên vợ nên chồng cho hạnh phúc trăm năm.
Có thể nói, nghệ thuật trình diễn “Khắp cọi” được thực hành ở nhiều không gian văn hóa khác nhau trong những thời điểm cụ thể khác nhau, xuyên suốt đời sống sinh hoạt của cộng đồng cũng như trải dài trong suốt chu kỳ cuộc đời mỗi cá nhân tộc người. Ngay từ khi còn nhỏ, các cháu bé đã được chứng kiến những cuộc “Khắp cọi” của mọi thành viên trong cộng đồng, từ nam nữ thanh niên đối đáp tìm hiểu đến các bậc trung niên, cao niên “Khắp cọi” hỏi thăm nhau, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất, rồi các em được cha mẹ, ông bà, cộng đồng truyền cho lời “Khắp cọi” ; lớn lên muốn tìm được người yêu, muốn đi đến hôn nhân bền vững, nam thanh nữ tú phải biết sử dụng lời ca tiếng hát của mình để “Khắp cọi” giao duyên, tìm hiểu, xây dựng hạnh phúc lứa đôi, nếu không có “vốn” bài hát nhất định thì thật khó có thể đối đáp trong các cuộc hát giao duyên, thật khó để có thể xây dựng được một tổ ấm hiểu nhau, hạnh phúc; khi đã có gia đình thì người ta lại học thêm lời để “Khắp cọi” chúc mừng nhau có nhà mới, có thêm thành viên, chúc tụng nhau những khi gặp mặt hay những ngày tết đến xuân về; về già họ lại ca những lời chúc nhau sức khỏe, sống lâu bên con cháu. Cứ như vậy, “Khắp cọi” sinh sôi, tồn tại và phát triển ngày càng sâu và rộng trong mỗi cá nhân và nâng lên là đối với cả cộng đồng tộc người Tày nơi đây. Rồi từ năm này qua năm khác, từ đời này qua đời khác, “Khắp cọi” được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng tộc người, đồng thời được cộng đồng tự bổ sung, làm dày, tự lưu giữ, trao truyền trở thành vốn di sản văn hóa độc đáo, có mang đặc trưng vùng miền rõ rệt. Như vậy, di sản hiện diện trong hầu hết đời sống sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của tộc người, có không gian văn hóa liên quan rộng và không cố định, có thể chỉ trong phạm vi một ngôi nhà, một sân chơi nhỏ, cũng có khi là ở cộng đồng bản hay cả một vùng.
Nghệ thuật trình diễn “Khắp cọi” là tổng hòa các giá trị văn hóa truyền thống từ văn học, nghệ thuật, thơ ca, diễn xướng đến cách ứng xử, tri thức dân gian, óc sáng tạo của tộc người. Bởi vậy, có rất nhiều sản phẩm vật chất và tinh thần được tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển của di sản. Những giá trị vật chất điển hình có thể kể đến là: trang y phục truyền thống khi trình diễn, không gian diễn xướng như nhà sàn truyền thống và các khu vực liên quan; lễ vật và các sản phẩm vật chất khác trong các nghi lễ có diễn xướng “Khắp cọi” như: đám cưới, lễ lên nhà mới, tết nguyên đán, các hội vui của cộng đồng, ...; các nhạc cụ kèm theo khi trình diễn như nhị hai dây, sáo ngang, trống, .... Những sản phẩm tinh thần gắn với di sản rất phong phú, đa dạng. Có thể nói, với vai trò của mình, lời ca “Khắp cọi” cũng như nghệ thuật trình diễn “Khắp cọi” hiện diện trong tất cả các dạng thức di sản văn hóa phi vật thể của tộc người, từ tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian đến nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. Tiếng “Khắp cọi” vang lên để giãi bày tâm sự, tạo ra sự an ủi, chia sẻ, động viên, đồng cảm giữa các thành viên, tăng tính cố kết cộng đồng, làm cho con người vơi đi những vất vả, khó khăn, buồn tủi, tạo nên liều thuốc tinh thần vô giá, là động lực để con người hăng say lao động sản xuất, hướng tới cuộc sống ấm no, bền vững.
VI. GIÁ TRỊ CỦA DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Nghệ thuật trình diễn “Khắp cọi” của người Tày ở tỉnh Yên Bái là một thành tố văn hóa dân gian độc đáo, riêng biệt, là sự sáng tạo có chọn lọc và tích luỹ trong quá trình lịch sử tồn tại và phát triển của tộc người. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc và mang nhiều ý nghĩa đã được kiểm nghiệm và thẩm định qua chiều dài của thời gian, chiều rộng của không gian văn hóa. Đến nay, di sản này vẫn được gìn giữ và lưu truyền trong cộng đồng. Tất cả đều toát lên tính nhân văn sâu sắc, triết lý sâu xa, đều thể hiện nguyện vọng chân chính của cộng đồng tộc người luôn mong muốn vươn tới chân - thiện - mỹ. Di sản hội tụ những giá trị không thể phủ nhận về mặt lịch sử, văn hóa – xã hội, khoa học cũng như nghệ thuật, thẩm mỹ.
1. Giá trị lịch sử: Nghệ thuật trình diễn “Khắp cọi” là một di sản văn hóa phi vật thể rất độc đáo, có lịch sử lâu đời trong xã hội cộng đồng tộc người, được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng người Tày vùng sông Chảy, nó phản ánh quá trình lịch sử của tộc người tương đối rõ nét.
Với những bài hát được sưu tầm, ghi chép, dịch thuật cẩn thận của những nghệ nhân tộc người, truyền từ đời này qua đời khác, chúng ta thấy toát lên được phần nào bức tranh trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng qua chiều dài lịch sử với những đặc điểm trong cư trú, đời sống sinh hoạt, sản xuất, cách ứng xử của xã hội tộc người trong tiến trình phát triển của lịch sử tộc người, nhất là ứng xử của con người với con người, của con người với thiên nhiên và vạn vật xung quanh, những am hiểu về phong tục tập quán, những tri thức dân gian, các nghề thủ công truyền thống, .... Với những gì mà “Khắp cọi” thể hiện và phản ánh, cho thấy đây là một loại hình nghệ thuật đã tồn tại lâu đời trong đời sống tộc người và được kế tục qua nhiều thế hệ.
Mỗi bài thơ, mỗi lời ca, cách thức trình diễn đều mang những ý nghĩa riêng, gắn với lịch sử di cư, lịch sử cư trú, lịch sử xã hội, lịch sử kinh tế - văn hóa của tộc người. Như thế, nghiên cứu “Khắp cọi” là nghiên cứu văn học nghệ thuật tộc người, nghiên cứu quá trình tư duy và óc sáng tạo của tộc người, nghiên cứu lịch sử tộc người được phản ánh, tái hiện trong thơ ca, trong nghệ thuật. Bởi thế, giá trị lịch sử của di sản văn hóa phi vật thể này được khắc họa rất rõ nét.
Nghệ thuật “Khắp cọi” ở người Tày vùng sông Chảy tồn tại và phát triển xuyên suốt trong lịch sử tộc người, được truyền dạy qua nhiều thế hệ, được cộng đồng tự bảo lưu, tự trao truyền và thực hành thường xuyên trong đời sống, đã khẳng định sức sống bền vững của một di sản văn hóa độc đáo, lâu đời, song hành cùng lịch sử tộc người.
2. Giá trị văn hóa - xã hội: Nghệ thuật “Khắp cọi” là một trong những di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng tộc người Tày ở vùng sông Chảy, tỉnh Yên Bái. Với bản chất là một nghệ thuật diễn xướng dân gian khá tổng hợp, “Khắp cọi” phản ánh sự đa dạng trong văn hóa, mang những đặc trưng vùng miền rõ nét với sự sáng tạo độc đáo của cộng đồng. Đó là sản phẩm văn hóa thuộc sở hữu chung của đồng bào, di sản hội tụ nhiều yếu tố văn hóa truyền thống cả về vật chất và tinh thần của tộc người và được cộng đồng tự nguyện kế tục qua nhiều thế hệ. Mỗi lời ca, điệu hát, mỗi động tác trình diễn đều thể hiện những quan niệm của cộng đồng về thế giới quan, nhân sinh quan, thể hiện những cách ứng xử đẹp của con người với con người, con người với thiên nhiên, của cá nhân với cộng đồng và của cộng đồng với nhau.
Qua cách thức thực hành của loại hình nghệ thuật này, chúng ta thấy được không gian “Khắp cọi” là nơi phô diễn, hiện hữu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng, là địa chỉ lưu giữ, bảo tồn, truyền dạy không chỉ các bài dân ca truyền thống, nghệ thuật trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống mà qua từng câu từ, từng cách thức ứng xử trong hội hát thì đây còn là môi trường giáo dục những giá trị văn hóa ứng xử truyền thống của cộng đồng.
“Khắp cọi” là một sinh hoạt văn hóa có từ xưa của cộng đồng, “Khắp cọi” tạo không gian để cộng đồng giao lưu, tâm sự, tìm hiểu, yêu đương, kết duyên đôi lứa, cũng là nơi trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, thăm hỏi, chúc tụng nhau trong đời sống. Lời “Khắp cọi” giao duyên của thanh niên nam, nữ thể hiện các cung bậc tình cảm diễn biến theo thời gian. Không gian của “Khắp cọi” cũng là dịp để cộng đồng cùng thưởng thức các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian, thử tài đối đáp, tâm sự, sẻ chia, tìm hiểu về phong tục tập quán, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của chính mình.
Ngoài loại hình mà di sản đang mang (nghệ thuật trình diễn dân gian), “Khắp cọi” hiện nay được các nghệ nhân sưu tầm, dịch thuật, ghi chép, giới thiệu với hơn 600 bài là một kho tàng ngữ văn dân gian có giá trị thuộc sở hữu chung của cộng đồng. Có thể thấy, “Khắp cọi” thể hiện giá trị của mình trong hầu hết các không gian văn hóa truyền thống của tộc người, gắn kết và liên quan tới nhiều loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tộc người, “Khắp cọi” là một hình thức nghệ thuật trình diễn dân gian, hiện hữu trong tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; lễ hội truyền thống; tập quán xã hội và tín ngưỡng; tri thức dân gian; trong các giá trị văn hóa vật chất liên quan đến ăn (ẩm thực), mặc (trang phục), ở (nhà sàn), ... của tộc người.
Giá trị xã hội của nghệ thuật này đã thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng rất rõ nét, đồng thời khi cất lên lời ca, tiếng hát của “Khắp cọi” , khi hòa mình vào không gian văn hóa của “Khắp cọi” , người ta như được tiếp thêm động lực tinh thần giúp con người vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ưu tư, sầu não, hướng tới cái chân – thiện – mỹ, hướng tới cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Đặc biệt, đối đáp trong “Khắp cọi” để trai gái được tự do tìm hiểu, yêu đương và đi đến hôn nhân. Quá trình này được diễn ra lành mạnh, trong sáng, có chiều sâu. Vậy nên, đây cũng là một yếu tố quan trọng để khi đi đến hôn nhân tự nguyện, quyết định cuộc sống hòa thuận, hạnh phúc, gắn bó bền chặt với nhau của các gia đình trong xã hội tộc người, thể hiện sự tiến bộ trong hôn nhân truyền thống của cộng đồng từ trong lịch sử.
3. Giá trị khoa học: Có thể thấy, nghệ thuật “Khắp cọi” là một di sản có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng tộc người. Nội dung các bài hát và hình thức thể hiện của nghệ thuật “Khắp cọi” là nguồn tư liệu quan trọng giúp các nhà nghiên cứu có thêm tri thức khoa học xã hội và nhân văn nói chung về lịch sử, xã hội tộc người và đời sống văn hóa vật chất cũng như tinh thần của cộng đồng tộc người Tày vùng sông Chảy, tỉnh Yên Bái.
Khi tìm hiểu nội dung các bài “Khắp cọi” và đặc biệt là tham dự trọn vẹn một chương trình “Khắp cọi” của tộc người, sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về truyền thống lịch sử, đặc điểm kinh tế, văn hóa - xã hội, phong tục tập quán, tri thức dân gian, … với những đặc trưng riêng của đồng bào Tày vùng sông Chảy trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong tương quan với văn hóa của người Tày vùng Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam.
Di sản cũng chứa đựng những sáng tạo mang tính khoa học độc đáo, được biểu hiện qua tiết tấu đa dạng, biến hóa khi trình diễn kết hợp với nhạc cụ truyền thống điển hình khi diễn xướng.
Từ những nguồn tư liệu khoa học có giá trị này sẽ giúp các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào người Tày nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung hiệu quả và bền vững hơn.
4. Giá trị nghệ thuật: Nghệ thuật trình diễn “Khắp cọi” là một hình thức diễn xướng dân gian điển hình, được ra đời và tồn tại cùng sự phát triển của xã hội tộc người Tày nên di sản có lịch sử tồn tại lâu đời, mang tính nghệ thuật cao (nghệ thuật thơ ca, câu từ, văn học, nghệ thuật diễn xướng lời ca, nghệ thuật trình diễn nhạc cụ truyền thống,…), với nội dung và hình thức khá độc đáo, thể hiện phong cách diễn xướng đầy cảm xúc trữ tình, mang đậm yếu tố truyền thống trong cái chung của văn hóa nghệ thuật Tày và những đặc trưng vùng miền điển hình của người Tày vùng sông Chảy – nơi chuyển tiếp địa lý và giao thoa văn hóa giữa Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam.
Lời đối đáp của các thành viên tham gia đầy sáng tạo, chứa đựng tư duy, suy nghĩ, tình cảm và những khát vọng vươn tới cái chân - thiện - mĩ của mỗi cá nhân trong cộng đồng tộc người. Đó chính là cái đẹp, cái cao cả của giá trị sống, giá trị nghệ thuật đích thực mà nghệ thuật “Khắp cọi” mang lại.
“Khắp cọi” của người Tày thể hiện trình độ sáng tạo nghệ thuật độc đáo, phù hợp với văn hóa truyền thống và tư duy tộc người. Việc sử dụng ngôn từ, thể hiện qua làn điệu âm thanh, động tác, với giai điệu nhạc nền phù hợp, trình diễn trong những không gian văn hóa khác nhau nhằm thể hiện cảm xúc, tâm tư, tình cảm, ước vọng, thẩm mỹ của tộc người.
Nghệ thuật “Khắp cọi” thể hiện đặc sắc sự kết hợp giữa lời ca và âm nhạc truyền thống phù hợp với tâm trạng, với mong muốn, ước vọng của con người, với không gian trình diễn. Trong khi trình diễn “Khắp cọi” , ngoài những lời ca cố định, người diễn xướng có thể sáng tạo một cách ngẫu hứng, thăng hoa mà vẫn mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của tộc người. Người diễn xướng thể hiện cảm xúc nội tâm mạnh mẽ.
Nghệ thuật trình diễn “Khắp cọi” mang giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao của tộc người, có sức lan tỏa trong sự rộng lớn không gian và chiều dài của thời gian. Di sản mang vẻ đẹp từ khuôn hình cho đến ý nghĩa nhân sinh, mục đích làm cho người ta chiêm nhiệm, suy ngẫm từ cảm nhận của thính giác, thị giác, để rồi đi đến khâm phục, ngưỡng mộ, ưa chuộng. Trong lịch sử phát triển loài người, con người sáng tạo các loại hình nghệ thuật làm phong phú hơn cuộc sống, giúp con người thêm tự tin tồn tại và phát triển. Vì vậy sáng tạo nghệ thuật là quy luật tất yếu và là nhu cầu không thể thiếu của con người. Nghệ thuật “Khắp cọi” cũng nằm trong quy luật như vậy, nó thể hiện những cảm xúc thẩm mỹ lành mạnh trước thiên nhiên hùng vĩ, trước những cuộc đấu tranh sinh tồn và phát triển, trước tình yêu chân chính và ước vọng vươn tới cái đẹp, cái đủ đầy, no ấm, hạnh phúc của con người.
Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật “Khắp cọi” thể hiện trình độ nghệ thuật và óc sáng tạo cao của tộc người, bởi nó không sao chép hiện thực, mà nó dùng hình tượng sinh động cụ thể và gợi cảm để phản ánh hiện thực và truyền tải hiện thực. Sự phản ánh hiện thực ấy được thông qua lăng kính và cái nhìn của con người với những cảm xúc thẩm mĩ, sáng tạo, chứa đựng tư duy, suy nghĩ, ý nguyện, tình cảm và những khát vọng vươn tới cái chân - thiện - mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng tộc người. Đó chính là vẻ đẹp bất biến, cao cả của giá trị nghệ thuật đích thực lắng đọng trong “Khắp cọi” .
5. Giá trị giáo dục: Nghệ thuật “Khắp cọi” thể hiện rất rõ giá trị giáo dục từ thế hệ này qua thế hệ khác trong đời sống cộng đồng. Thông qua nội dung các bài hát, cách ứng xử ở những không gian văn hóa khác nhau trong khi hát, những người thế hệ trước truyền lại cho những người thế hệ sau những kinh nghiệm về đạo đức con người, cách sống, cách nghĩ, cách ứng xử sao cho tốt đẹp, hài hòa nhất, dạy con người biết thể hiện mình đồng thời biết nhường nhịn, biết coi trọng tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, đồng thời khuyên răn con người những điều hay, lẽ phải, thắt chặt yêu thương, chia sẻ giữa các bản mường, biết yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và yêu lao động sản xuất, tôn trọng thành quả của mình tạo ra, đồng thời phải luôn tìm cách học hỏi và tiếp thu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Với những giá trị trên, nghệ thuật “Khắp cọi” đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực trong đời sống con người. Đây là một hình thức nghệ thuật dân gian có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng tộc người Tày vùng văn hóa sông Chảy. Cho dù “Khắp cọi” có mai một ít nhiều về nội dung cũng như không gian trình diễn (những bài hát ngợi ca lao động thể hiện khi lao động sản xuất trên những cánh đồng đã ít hơn trước, nam nữ thanh niên hiện nay dù có thuộc thì cũng không thông qua “Khắp cọi” để tìm hiểu, yêu đương dẫn đến hôn nhân như trước kia) nhưng những giá trị cốt lõi của di sản văn hóa phi vật thể này vẫn luôn được bảo tồn, kế tục và trao truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Những sự thay đổi này là thứ yếu và được xem là phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội mới hiện nay, phù hợp với đời sống xã hội đương đại, để đáp ứng với sự đổi mới, hội nhập, giao lưu và nhu cầu thưởng thức văn hóa của cộng đồng. Việc khôi phục thành công nghệ thuật “Khắp cọi” ở vùng sông Chảy trong thời gian qua đã thể hiện sức sống mãnh liệt của di sản trong cộng đồng, hứa hẹn một tương lai phát huy hiệu quả giá trị của di sản với sức lan tỏa mạnh mẽ. Di sản này cũng đã được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ. Việc đưa nghệ thuật trình diễn dân gian “Khắp cọi” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ góp phần tích cực vào việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản với những đặc trưng văn hoá truyền thống của tộc người Tày vùng sông Chảy cũng như khẳng định tính đa dạng của di sản trong bức tranh văn hoá cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng thời đảm bảo cơ sở pháp lý lâu dài cho quá trình phát huy bền vững giá trị di sản.
6. Vai trò của di sản trong đời sống của người Tày: Nghệ thuật “Khắp cọi” vốn gắn bó với đồng bào Tày trong đời sống hằng ngày từ xa xưa. Trong đời sống xã hội tộc người, “Khắp cọi” được coi như món ăn tinh thần không thể thiếu mà cứ từ đời này qua đời khác, năm này qua năm khác, người ta truyền nhau những câu hát “Khắp cọi” như một báu vật của cộng đồng.
Trong đời sống xã hội cộng đồng, “Khắp cọi” xuất hiện với tần xuất khá dày đặc trong các “sự kiện” văn hóa truyền thống như trong ngày tết, trong các lễ hội mùa xuân, “Khắp cọi” khi xuống đồng, khi đám cưới, khi mừng nhà mới, khi con trẻ đầy tháng, khi gặp nhau thăm hỏi, khi giãi bày tâm sự, tìm hiểu, giao duyên… Hầu như mọi tâm tư, tình cảm, niềm vui đều được thể hiện qua lời “Khắp cọi” , “Khắp cọi” làm cho con người hiểu nhau hơn, sẻ chia, đoàn kết trong cộng đồng hơn. Với sự hiện diện thường xuyên và liên tục của di sản trong đời sống tộc người ở nhiều phương diện khác nhau đã khẳng định vai trò không thể thiếu của di sản. Đối với nhiều người yêu tiếng hát dân ca, “Khắp cọi” giống như cơm ăn, nước uống và không khí để thở hằng ngày, trong bất cứ không gian, thời gian, hoàn cảnh nào ở những dịp vui, lời ca “Khắp cọi” đều được cất lên như một phương tiện để thể hiện tâm tư, tình cảm của mỗi người.
Trong lịch sử tồn tại của di sản, có những khoảng thời gian mai một, vắng bóng nhưng với vị trí, vai trò quan trọng của mình trong đời sống văn hóa, văn nghệ cộng đồng, di sản đã nhanh chóng được khôi phục, gìn giữ và lưu truyền. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo, mang nhiều ý nghĩa, thể hiện sự sáng tạo có chọn lọc trong quá trình phát triển của lịch sử tộc người, đã được kiểm nghiệm, chọn lọc qua chiều dài của thời gian, chiều rộng của không gian văn hóa. Bởi thế, di sản có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng, hứa hẹn một tương lai phát huy hiệu quả giá trị của di sản với sức lan tỏa mạnh mẽ. Di sản này cũng đã được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ để phát huy trong tương lai.
VII. HIỆN TRẠNG DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Trong tiến trình phát triển, “Khắp cọi” cũng có một khoảng thời gian “vắng bóng” (từ 1964 đến 1975). Sau đó, có khôi phục lại nhưng cũng chưa được “nở rộ” như trước. Cho đến đầu những năm 2000, “Khắp cọi” được chú ý nhiều hơn, từ đó, di sản hiện diện nhiều hơn trong đời sống và dần dần được phục hồi, lan tỏa rộng rãi trong đời sống sinh hoạt tinh thần của đồng bào mang theo những giá trị nguyên gốc của di sản. Đến nay, “Khắp cọi” được coi như món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống người Tày vùng sông Chảy, được cộng đồng tự nguyện lưu truyền như một báu vật của cộng đồng.
Qua khảo sát tại huyện Lục Yên và huyện Yên Bình, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật trình diễn “Khắp cọi” của người Tày trong vùng khá hiệu quả, đặc biệt trong những năm gần đây. Cụ thể:
- Về sưu tầm, dịch thuật nội dung lời cổ: Tính đến thời điểm lập hồ sơ, chúng tôi đã thu thập được 310 bài trên địa bàn huyện Lục Yên và 302 bài trên địa bàn huyện Yên Bình. Đây là nguồn tư liệu quý giúp cho quá trình phục hồi và phát triển nghệ thuật “Khắp cọi” được như ngày nay.
- Về nghệ nhân được công nhận: Tính đến tháng 10 năm 2024, trên địa bàn hai huyện Lục Yên và Yên Bình, có 03 nghệ nhân ưu tú người Tày được Chủ tịch nước phong tặng, đều thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, đó là: Ông Hoàng Quang Nhạn (thôn Nà Chùa, xã Mường Lai, huyện Lục Yên); ông Hoàng Tương Lai (thôn Trung Tâm, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình); bà Mai Thị Hồng Chắn (xã Minh Xuân, huyện Lục Yên). Bên cạnh đó, còn có 3 nghệ nhân đang được đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Yên Bái lần thứ 3 đều thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, đó là: Ông Hoàng Ngọc Thành (thôn Trung Tâm, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình); Bà Lộc Thị Thi (thôn 8, xã Mường Lai, huyện Lục Yên); bà Nông Thị Kiệm (thôn 7, xã Mường Lai, huyện Lục Yên). Đây là những hạt nhân vô cùng quý báu, dày công sưu tầm, dịch thuật, truyền dạy, phổ biến, làm sống dậy nghệ thuật “Khắp cọi” của người Tày vùng sông Chảy.
- Về công tác truyền dạy: Từ xưa, cộng đồng đều tự trao truyền vốn di sản này từ thế hệ trước sang thế hệ sau thông qua việc thực hành trực tiếp trong đời sống hằng ngày, biết “Khắp cọi” để đi chơi tết, đi thăm hỏi, chúc tụng nhau, đi giao lưu, tìm bạn, đi tham gia các lễ hội mùa xuân, mùa thu của bản làng; những năm gần đây biết “Khắp cọi” để tham gia các hội thi, hội diễn, hoạt động văn hóa văn nghệ tại địa phương và giao lưu vùng miền.
Công tác truyền dạy hiện nay có khác so với trước kia, nếu như truyền thống chỉ dạy thực hành, truyền miệng trực tiếp bằng tiếng Tày thì hiện nay trước khi đi vào truyền dạy trực tiếp, các nghệ nhân, những người am hiểu kể về nguồn gốc, xuất xứ của “Khắp cọi” từ mảnh đất Lục Yên, trong lịch sử “Khắp cọi” gắn với đồng bào mình như thế nào để người học thêm hiểu, thêm yêu, thêm tự hào về lời ca tiếng hát của tộc người, từ đó, họ tự tìm hiểu, tự trao truyền, gìn giữ vốn di sản cho mình và cho đời sau; quá trình truyền dạy bổ sung cả tiếng Tày và tiếng Việt, đồng thời những bài hát mới được tìm hiểu, sưu tầm bổ sung và những sáng tác mới cũng được cập nhật trong chương trình truyền dạy ở những lớp sau này. Càng những lớp về sau chủ đề càng mở rộng hơn, tất cả các lớp đều được truyền dạy đầy đủ những nội dung “Khắp cọi” cổ. Đảm nhận nhiệm vụ truyền dạy “Khắp cọi” trong vùng hiện nay chủ yếu là các nghệ nhân ưu tú, gồm có: ông Hoàng Quang Nhạn (xã Mường Lai, huyện Lục Yên); bà Mai Thị Hồng Chắn (xã Minh Xuân, huyện Lục Yên); ông Hoàng Tương Lai (xã Xuân Lai, huyện Yên Bình).
Tại các trường học trên địa bàn huyện Lục Yên và một số trường học trên địa bàn huyện Yên Bình đều có các chương trình dạy và học “Khắp cọi” tại trường (từ cấp học mầm non đến trung học phổ thông), đặc biệt từ năm 2019 đến nay, các lớp học được truyền dạy thường xuyên, liên tục cho các khóa trong các giờ ngoại khóa hoặc các giờ giáo dục địa phương. Cơ bản tại các trường học trên địa bàn huyện đều có đội văn nghệ trình diễn được nghệ thuật “Khắp cọi” . Hình thành phong trào chung của các đơn vị nhà trường nhằm mở rộng các hoạt động văn hóa, văn nghệ lành mạnh phù hợp với lứa tuổi và phong tục tập quán của dân tộc; góp phần thúc đẩy mô hình “trường học du lịch”, “trường học gắn với văn hóa truyền thống” đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người Tày trên địa bàn các huyện và đưa bản sắc văn hóa Tày đến thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân một cách sâu rộng, quảng bá nét văn hóa truyền thống của các dân tộc đến với du khách, dần đưa di sản trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch của địa phương.
Việc truyền dạy, khôi phục, phát triển nghệ thuật “Khắp cọi” rất hiệu quả, ngày càng nhiều người yêu thích “Khắp cọi” , đặc biệt là những người trẻ tuổi. Nội dung của hơn 600 bài “Khắp cọi” lời cổ đã được sao chép thành nhiều bộ tài liệu để truyền dạy và tự học.
- Về công tác phát huy, phổ biến: Hiện nay, 24/24 xã, thị trấn của huyện Lục Yên và 06 xã ở vùng thượng huyện Yên Bình có người Tày sinh sống đều có đội văn nghệ của người Tày, một số xã có trên 90% là người Tày thì các đội văn nghệ được thành lập tới tận thôn, bản như các xã Mường Lai, Minh Xuân, Lâm Thượng, Khánh Thiện (huyện Lục Yên), Xuân Lai, Ngọc Chấn, Xuân Long, Bạch Hà (huyện Yên Bình); các tổ chức đoàn thể (hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội người cao tuổi, …) cũng có đội văn nghệ (mỗi đội trên 10 người). Các đội văn nghệ này trình diễn tổng hòa các giá trị văn hóa truyền thống tộc người, trong đó, “Khắp cọi” là một phần không thể thiếu và được thực hành rất thuần thục ở tất cả các thành viên trong đội, họ có thể diễn xướng nhiều nội dung trong các không gian văn hóa khác nhau. Vào những dịp đầu xuân, lễ hội của địa phương, các đội văn nghệ thường thi với nhau ở cấp xã, xã nhiều thì tham gia thi 2 đến 3 lần mỗi năm, xã ít thì mỗi năm thi 1 lần vào dịp đầu xuân. Đến nay, hội diễn nghệ thuật quần chúng tại cơ sở trên địa bàn các huyện được tổ chức 2 năm 1 lần từ cấp xã đến cấp huyện, thu hút đông đảo đồng bào tham gia, trong đó, đồng bào Tày chủ yếu tham gia các tiết mục “Khắp cọi” điển hình và luôn giành giải thưởng cao ở cấp huyện, cấp tỉnh và trong khu vực.
So với truyền thống, nghệ thuật “Khắp cọi” hiện nay ở hai huyện Lục Yên và Yên Bình đã được khôi phục khá hoàn chỉnh, chỉ có nội dung “Khắp cọi” trong đối đáp giao duyên, tìm hiểu để rồi nên vợ nên chồng là chưa được thực hành, chỉ còn lại trong trí nhớ của các cụ cao niên (nội dung này trong điều kiện xã hội mới, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ hiện nay là khó thực hiện hơn, bởi lớp trẻ sử dụng công nghệ mới, nhanh hơn, dễ tiếp cận hơn, có thể họ vẫn thuộc các bài hát nhưng là để hát đối đáp trong đám cưới, trong hội xuân chứ không hát khi tìm hiểu, yêu đương). Với những gì mà “Khắp cọi” vùng sông Chảy được khôi phục và thực hành như hiện nay, chúng tôi nhận thấy đã khá đầy đủ và tương đối nguyên gốc, đáng ghi nhận để bảo tồn, phát huy trong tương lai để “Khắp cọi” mãi vang cao, vang xa và trường tồn trong đời sống tinh thần của tộc người cũng như trong bức tranh đa màu sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Hằng năm, tỉnh Yên Bái cũng như các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều tổ chức nhiều chương trình, nhiều sự kiện nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đó có tộc người Tày mà nghệ thuật trình diễn “Khắp cọi” của cộng đồng là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, không thể thiếu trong các chương trình, sự kiện như thế. Có thể kể đến như: các hoạt động mừng Đảng mừng xuân hằng năm; ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức ở các huyện Lục Yên, Yên Bình; ngày hội đại đoàn kết các dân tộc; ngày hội khám phá danh thắng quốc gia hồ Thác Bà; chương trình du lịch “Về miền đất Ngọc”; ngày hội văn hóa, thể thao “Âm vang hồ Thác Bà”; các ngày hội được tổ chức ở quy mô cấp huyện như: ngày hội “pay tái” (tết nhà ngoại) (trung tuần tháng 7 âm lịch hằng năm); lễ “cắc kéng” (giã cốm); lễ hội “lồng tồng” (xuống đồng); Lễ “xo may” (cầu may); trải nghiệm nghệ thuật “Khắp cọi” của người Tày ở xã Minh Xuân, Mường Lai, huyện Lục Yên;... trong đó chú trọng tái hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào các tộc người, điển hình là tộc người Tày, mà “Khắp cọi” là một di sản không thể bỏ qua.
“Khắp cọi” có thời gian tồn tại lâu đời, có không gian trình diễn rộng khắp. Với tinh thần tự bảo tồn, lan tỏa, phát huy di sản văn hóa truyền thống của chính mình, đến nay, “Khắp cọi” đã được lan tỏa tới mọi thế hệ cư dân Tày trên địa bàn hai huyện, các cụ cao niên và bậc trung niên có vốn ca từ phong phú, khá thành thạo khi trình diễn “Khắp cọi” , tầng lớp thanh niên đã và đang tích cực tham gia các lớp truyền dạy được mở rộng khắp trên địa bàn các xã, huyện trong thời gian vừa qua theo tinh thần của Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022-2025; đối với các cấp học phổ thông và mầm non thì “Khắp cọi” được đưa vào trường học trong các giờ âm nhạc hoặc hoạt động ngoại khóa. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, “Khắp cọi” được lan tỏa rộng rãi và phổ biến trong cộng đồng người Tày trên địa bàn hai huyện Lục Yên và Yên Bình trong mọi cuộc sinh hoạt văn hóa văn nghệ cộng đồng. Có thể nói, đến nay, nghệ thuật “Khắp cọi” của người Tày ở huyện Lục Yên và huyện Yên Bình đang được khôi phục, lưu giữ và bước đầu phát huy. Tuy nhiên, so với thời kỳ thịnh hành nhất của “Khắp cọi” (gần như 100% cư dân Tày đều “Khắp cọi” , 100% nam nữ thanh niên tìm hiểu nhau qua “Khắp cọi” ) thì những năm gần đây, một bộ phận những người trẻ tuổi còn lơ là với loại hình nghệ thuật này, số người hát đã ít đi, lớp trẻ đã không còn tìm hiểu nhau qua lời “Khắp cọi” nữa. Cho dù “Khắp cọi” có mai một ít nhiều về nội dung cũng như không gian trình diễn như vậy nhưng những giá trị cốt lõi của di sản văn hóa phi vật thể này vẫn luôn được bảo tồn, kế tục và trao truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Những sự thay đổi, thu hẹp này là thứ yếu và được xem là phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội mới hiện nay, phù hợp với đời sống xã hội đương đại, để đáp ứng với sự đổi mới, hội nhập, giao lưu và nhu cầu thưởng thức văn hóa của cộng đồng.
Các bài khác
- Lễ cúng rừng của người Mông, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái (10/01/2025)
- Lễ hội Xên đông (Cúng Rừng) của người Thái, xã Hạnh Sơn, Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái (17/09/2024)
- Lễ hội “Gầu Tào” của người Mông - huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái (26/08/2024)
- Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông – huyện Mù Cang Chải – huyện Trạm Tấu – huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái (22/02/2024)
- Lễ mừng cơm mới của người Mông tỉnh Yên Bái (30/11/2023)
- Nghệ thuật khèn của người Mông tỉnh Yên Bái (22/11/2023)
- Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái (01/02/2023)
- Lễ cấp sắc của người Dao, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái (20/02/2020)
- Nghệ thuật xòe Thái ở Mường Lò - Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái (21/06/2019)
Xem thêm »