Vừa qua, Sở Nội vụ có Công văn số 215/SNV-CCVC ngày 28/3/2023 về việc chiêu sinh lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức năm 2023. Trong đó có phần "Ghi chú:....; kinh phí bồi dưỡng đối với viên chức do cơ quan quản lý trực tiếp hỗ trợ hoặc cá nhân đi bồi dưỡng tự đóng góp theo quy định hiện hành của nhà nước". Như vậy, quy định chỉ miễn cho cán bộ công chức, còn các cán bộ viên chức khi tham gia các lớp đào tạo chuyên viên, chuyên viên chính sẽ phải đóng kinh phí bồi dưỡng. Theo tôi được biết, tại các cơ quan không có quy định nào bắt buộc phải hỗ trợ cho cán bộ đi học nên thường cá nhân sẽ phải tự đóng.
Quy định số 25-QĐ/TU ngày 02/4/2022 của Tỉnh ủy Yên Bái về quản lý cán bộ tham gia Đề án số 11-ĐA/TU ngày 08/8/2018, tại điểm b, khoản 2, Điều 12 quy định về Quyền lợi của cán bộ tham gia Đề án: “Được ưu tiên lựa chọn và đảm bảo chế độ, chính sách khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển, điều động, biệt phái; được tham dự các hội nghị học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh, một số hội nghị của cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện; được xem xét, ưu tiên quy hoạch, bố trí ở chức vụ cao hơn đối với những trường hợp nổi trội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Mặt khác, trong buổi gặp mặt cán bộ tham gia Đề án 11 ngày 24/4/2023 vừa qua, các đồng chí lãnh đạo Thường vụ Tỉnh ủy đã phát biểu là sẽ giành mọi ưu tiên, hỗ trợ kinh phí để các cán bộ thuộc Đề án được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, chính trị…
Vậy với trường hợp cá nhân tôi là viên chức nhưng là đối tượng thuộc Đề án 11 của Tỉnh ủy về xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 có thuộc diện được hỗ trợ hoặc miễn kinh phí tham gia lớp bồi dưỡng giống như công chức không? Rất mong nhận được phản hồi sớm. Xin trân trọng cảm ơn!”